Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trả lời phỏng vấn về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Trước tình hình dư luận trong nước, quốc tế, nhiều đại biểu Quốc hội bức xúc về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou-981) vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trả lời phỏng vấn TTXVN về vấn đề này.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Ngày 2/5, Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vị trí nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trung Quốc đã đơn phương vi phạm thỏa thuận cấp cao hai nước về những nguyên tắc cơ bản để giải quyết vấn đề trên biển, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên Hợp Quốc, cũng như Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và các thỏa thuận giữa ASEAN-Trung Quốc (DOC).
Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn quý trọng và làm hết sức mình để tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc, giữ gìn hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, bởi nhân dân ta từng trải qua hàng chục năm bị chiến tranh xâm lược tàn phá và hủy diệt; đồng thời yêu cầu phía Trung Quốc cũng phải làm như vậy.
Như tôi đã nói với cử tri ở Thành phố Hồ Chí Minh khi vừa mới xảy ra vụ việc này, rằng chúng ta không chấp nhận việc bất cứ ai, bất cứ nước nào, dù mạnh đến đâu, bắt ta phải nhượng bộ chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng ta kiên quyết không để một tấc đất, tấc biển nào của Tổ quốc bị xâm phạm. Đối với bất cứ người Việt Nam nào, chủ quyền lãnh thổ quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm.
Xin Chủ tịch cho biết, kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 9 vừa qua đã thể hiện thái độ trước sự kiện này như thế nào?
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Kỳ họp thứ 9 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã dành thời gian thỏa đáng để thảo luận về vấn đề này. Với lập trường trước sau như một, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị luôn khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, trong đó có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, là thiêng liêng, không thể nhân nhượng.
Nhân dân Việt Nam ta, Đảng và Nhà nước ta có đủ bản lĩnh, ý chí kiên cường và quyết tâm, cũng như có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý để đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước. Không thể chấp nhận tình trạng cứ nước mạnh là không tôn trọng đạo lý và lẽ phải. Nhân dân ta từng trải qua và kiên cường trong các cuộc đấu tranh chống xâm lược bảo vệ Tổ quốc từ hàng nghìn năm nay. Vụ việc xảy ra vừa qua, ít thấy nước nào và tổ chức quốc tế nào lên tiếng ủng hộ phía Trung Quốc về việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển của Việt Nam cũng như yêu sách đường lưỡi bò 9 đoạn vô lý. Những bằng chứng lịch sử và pháp lý cho thấy, chính nghĩa thuộc về chúng ta. Thái độ của cộng đồng quốc tế là khá rõ ràng trong việc này.
Chủ tịch đánh giá như thế nào về lòng yêu nước và cách thể hiện lòng yêu nước của nhân dân ta trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta?
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Nhân dân ta luôn có truyền thống yêu nước nồng nàn. Mỗi khi độc lập, chủ quyền đất nước bị đe dọa thì nhân dân ta luôn đoàn kết một lòng, đứng lên bảo vệ Tổ quốc.
Tôi hết sức xúc động và trân trọng tinh thần cao cả đó của đồng bào, đồng chí chúng ta. Tất cả đồng lòng hướng về biển Đông. Những người dân bám biển đã kiên cường ở tuyến đầu dù luôn bị tàu Trung Quốc o ép, đe dọa, thậm chí có trường hợp bị đâm chìm. Họ vẫn bám ngư trường truyền thống từ nhiều đời nay của ông cha, không bao giờ bị khuất phục. Các lực lượng bảo vệ pháp luật của Việt Nam không lùi bước, dũng cảm vượt qua mọi thách thức để thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Nhân dân cả nước đã biểu hiện lòng yêu nước bằng rất nhiều hình thức phong phú, sáng tạo. Đồng bào ta ở khắp nơi trên thế giới đã tỏ thái độ mạnh mẽ, lên án việc làm phi pháp của phía Trung Quốc. Chúng ta kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, cần phải cảnh giác với những lời nói và việc làm mang tính kích động, nhân danh lòng yêu nước. Khi đất nước đứng trước những khó khăn, thử thách, thì càng phải đoàn kết. Việc chia rẽ, kích động, rõ ràng không giúp đất nước vượt qua thử thách.
Người dân rất quan tâm đến quan hệ kinh tế giữa nước ta và Trung Quốc. Dư luận cho rằng Việt Nam có thể đã bị lệ thuộc Trung Quốc về kinh tế. Đề nghị Chủ tịch cho biết ý kiến về vấn đề này?
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Từ khi thực hiện đường lối Đổi mới đến nay, đã gần 30 năm, chúng ta luôn nhất quán thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế sâu rộng với thế giới, đồng thời xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Theo đó, nước ta đã có quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chúng ta luôn thực hiện phương châm Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế, chung sống hòa bình với tất cả các dân tộc trên thế giới trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi. Đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ với các nước, chúng ta luôn phấn đấu bảo đảm cùng có lợi và dứt khoát không để phụ thuộc vào bất cứ nước nào trong cả kinh tế và chính trị.
Thực hiện đường lối đối ngoại như vậy, thời gian qua, chúng ta đã thu được những thành tựu rất quan trọng, đất nước ngày càng phát triển, cuộc sống của nhân dân ngày càng được cải thiện. Nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, một số lĩnh vực thực hiện không đúng chủ trương này, ảnh hưởng không tốt đến nền kinh tế.
Với Trung Quốc, quan hệ kinh tế, thương mại những năm qua phát triển khá nhanh, nhưng tình hình Việt Nam nhập siêu ngày càng lớn, liên tục diễn ra, đặc biệt là các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất. Một số sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam quá tập trung vào thị trường Trung Quốc.
Lĩnh vực đấu thầu EPC, BOT và cung cấp thiết bị ở một số ngành quan trọng như điện, thông tin viễn thông và một số ngành kinh tế khác, nhà đầu tư Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn, nhiều dự án chất lượng công nghệ không cao, chi phí đầu tư thường tăng lên so với ban đầu, thời gian hoàn thành kéo dài... Tình hình này cần phải sớm được chấn chỉnh.
Thưa Chủ tịch, nhân dân ta rất quan tâm Đảng và Nhà nước đã và đang có những chủ trương, giải pháp gì trước việc giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc vẫn ngang nhiên hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam?
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Ngay sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã kịp thời đề ra chủ trương để xử lý tình hình.
Một mặt, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam, mặt khác, kiên trì giữ vững môi trường hòa bình để xây dựng đất nước; giữ quan hệ láng giềng hữu nghị với nhân dân Trung Quốc trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi.
Trên cơ sở chủ trương đó, các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, tiến hành toàn diện đấu tranh ngoại giao cả song phương và đa phương; đấu tranh ngăn chặn trên thực địa bằng lực lượng dân sự thực thi pháp luật; thông tin kịp thời, thường xuyên và chân thực, làm cho nhân dân ta và bạn bè thế giới hiểu rõ tình hình đang diễn ra.
Chúng ta luôn sử dụng các biện pháp hòa bình, đồng thời yêu cầu Trung Quốc tỏ thiện chí giải quyết thỏa đáng vấn đề bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và những thỏa thuận giữa Trung Quốc-ASEAN, Trung Quốc-Việt Nam.
Biện pháp pháp lý cũng được sử dụng khi cần thiết để bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc.
Cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ là lâu dài, gian khổ, đòi hỏi chúng ta phải kiên quyết, nhưng phải bình tĩnh, kiên trì nhằm đạt hiệu quả.
Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện các chủ trương và giải pháp đáp ứng nguyện vọng chính đáng, tha thiết của hơn 90 triệu đồng bào ta. Tôi xin nhắc lại lời của vua Lê Thánh Tông từng nói với triều thần đã được ghi rõ trong Đại Việt sử ký toàn thư: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước núi, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di!”
Theo Chinhphu.vn
(HBĐT) - Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi báo chí và những người làm báo là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng, là vũ khí sắc bén trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và xây dựng cuộc sống mới cho nhân dân. Đặc biệt, Người luôn quan tâm đến đạo đức của nghề báo, coi đây là nội dung quan trọng mang giá trị trường tồn, góp phần to lớn vào định hướng và đào tạo cho các thế hệ nhà báo Việt Nam. Bản thân Người là tấm gương sáng ngời về đạo đức của một nhà báo cách mạng.
(HBĐT) - Sau 4 năm thực hiện CVĐ “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” giai đoạn 2007 - 2010, Đảng bộ xã Thành Lập (Lương Sơn) đã nhiều lần được nhận bằng khen, giấy khen của BTV Tỉnh uỷ và BTV Huyện uỷ Lương Sơn vì có nhiều thành tích xuất sắc. Kết quả đó là động lực mạnh mẽ để Thành Lập tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo Bác theo tinh thần Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị bằng những việc làm cụ thể, thiết thực và thường xuyên.
(HBĐT) - Ngày 20/6, BTV Huyện uỷ Cao Phong đã tổ chức hội nghị nghiên cứu, quán triệt Kết luận số 92-KL/TƯ ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp (CCTP) đến năm 2020 tới các đồng chí là UVBCH Đảng bộ huyện; thành viên BCĐ về CCTP của huyện; lãnh đạo các cơ quan: Văn phòng Huyện uỷ, HĐND & UBND huyện, Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân huyện; các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư các chi, đảng bộ trực thuộc và công chức Tư pháp các xã, thị trấn.
(HBĐT) - Trong “ngôi nhà chung” Báo Hoà Bình hiện nay có gần 40 cán bộ. Mỗi người, một bộ phận, một nhiệm vụ nhưng dưới sự chỉ đạo, định hướng của Ban Biên tập, tất cả đều đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Trong đó, đội ngũ phóng viên gồm 22 người của 5 phòng chuyên môn (văn hoá - xã hội, kinh tế, xây dựng Đảng - nội chính, bạn đọc - tư liệu, báo điện tử) thực sự là đội quân chủ lực của tờ báo Đảng bộ tỉnh.
(HBĐT) - Khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, nguồn kinh phí chi thường xuyên hạn chế, địa bàn rộng, phức tạp, nhân lực mỏng, nhiều năm qua, Đài TT -TH huyện Lạc Thủy luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị là sản xuất các chương trình PT -TH tại địa phương, tiếp âm, tiếp sóng hệ thống đài cấp trên với chất lượng ngày càng cải thiện. Đài liên tục được công nhận là đơn vị dẫn đầu khối TT -TH các huyện, thành phố.