Tăng trưởng kinh tế quý II đã có sự bứt phá mạnh, với tốc độ tăng 6,17%, mở ra cơ hội để tiếp tục phấn đấu cho mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,7%. Tuy nhiên, trước những thách thức của nền kinh tế, đòi hỏi Chính phủ cũng như các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước cần nỗ lực nhiều hơn, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực như trong Chỉ thị 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.


Sản xuất dược phẩm tại Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Ảnh: ĐỨC THANH

Tăng trưởng đột phá

Quý I, tổng sản phẩm trong nước (GDP) sơ bộ tăng 5,15%, là mức tăng trưởng tương đối thấp, tạo nên mối "đe dọa” đến khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% mà Quốc hội đã đề ra cho năm 2017. Trước tình hình đó, ngay đầu tháng 5, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 40/NQ-CP, trong đó khẳng định: "Chính phủ kiên định, nhất quán thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 là 6,7%”.

Tiếp đó, ngày 2-6, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị 24/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017. Vụ trưởng Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) Hà Quang Tuyến cho biết: Với sự chỉ đạo cương quyết của Chính phủ cũng như sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn kinh tế lớn, chúng ta đã có sự bứt phá mạnh mẽ về tăng trưởng ngay trong quý II này. Cụ thể, 17 trong số 20 ngành kinh tế cấp 1 đã có mức tăng cao hơn so với quý I; trong đó, một số ngành, lĩnh vực còn có mức tăng rất cao so với cùng kỳ các năm giai đoạn 2011-2016, như chế biến chế tạo tăng 12,09%; ngành xây dựng tăng hơn 9%, lưu trú và ăn uống tăng hơn 13%;…

Có những ngành như khai khoáng, nhờ nỗ lực của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, cho nên dù vẫn tăng trưởng âm khoảng 6%, nhưng đã tốt hơn nhiều so với mức âm 10% trong quý I. Tính chung toàn nền kinh tế, tốc độ tăng GDP đạt 6,17%, vượt hơn 1% so với tốc độ tăng trưởng trong quý I. Đây là một bước đột phá vì trong lịch sử số liệu thống kê những năm gần đây, độ giãn giữa GDP quý I và quý II của các năm thường chỉ trung bình ở mức 0,3%.

Tuy nhiên, theo ông Hà Quang Tuyến, với mức tăng trưởng chung sáu tháng ước tính đạt 5,73%, muốn có được tốc độ 6,7% cho cả năm thì sáu tháng cuối năm phải đạt mức tăng ít nhất 7,4%. Đây là mục tiêu hoàn toàn không dễ dàng, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều thách thức. Đó là: Vẫn có 13 trong số 20 ngành kinh tế cấp 1 có mức tăng trưởng thấp hơn so cùng kỳ năm 2016; sáu tháng đầu năm, nhập siêu hàng hóa quay trở lại mức 2,7 tỷ USD, trong khi năm 2016, chúng ta xuất siêu 3 tỷ USD; tồn kho hàng hóa còn nhiều, gây ảnh hưởng việc duy trì và mở rộng sản xuất trong thời gian tới; giá một số mặt hàng giảm, như giá thịt lợn hơi giảm sâu từ tháng 4, ảnh hưởng lớn đến việc phát triển đàn và sản xuất ngành nông nghiệp; giá dầu thô có xu hướng giảm, tác động xấu đến nhiệm vụ khai thác của ngành dầu khí; giá than thế giới thấp hơn trong nước, ảnh hưởng hoạt động của ngành than; việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cơ bản sẽ tác động đến tỷ giá giữa Việt Nam đồng và USD, gây khó khăn cho việc giảm lãi suất tín dụng.

Nắm bắt cơ hội

Nêu rõ không ít khó khăn của nền kinh tế, nhưng theo Vụ trưởng Hà Quang Tuyến, chúng ta đang đứng trước rất nhiều cơ hội. Cụ thể, 110 nghìn doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2016, cộng thêm hơn 61 nghìn doanh nghiệp của sáu tháng đầu năm nay, chính là nguồn động lực mạnh mẽ, đóng góp vào tăng trưởng của các tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, dư địa đầu tư toàn xã hội cho sáu tháng cuối năm là rất lớn, so kế hoạch đề ra còn hơn 60% chưa được thực hiện. Tăng trưởng tín dụng sáu tháng mới chỉ đạt 7,54%, trong khi kế hoạch đặt ra là 18% cho cả năm. Như vậy, còn hai phần ba mức tăng trưởng này sẽ được thực hiện trong quý III và quý IV, tạo động lực phát triển cho nhiều ngành kinh tế, nhất là xây dựng. Về sản xuất, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ tiếp tục đột phá mạnh mẽ, với dự báo tăng trưởng cả năm hơn 23%; một số ngành như thuốc lá, dược phẩm,… chắc chắn sẽ duy trì mức tăng trưởng cao như hiện nay.

Cũng từ đây đến cuối năm, chúng ta còn có một số dự án thép và năm tổ máy phát điện đi vào hoạt động, với công suất khoảng 560 MW, đưa ngành sản xuất, phân phối điện đang tăng thấp trong sáu tháng đầu năm trở thành dự kiến tăng trưởng cả năm khoảng 11%. Đặc biệt, ngành du lịch đang phát triển rất mạnh, với lượng khách du lịch sáu tháng đầu năm tăng 30,2%, dự kiến còn tăng mạnh, sẽ tạo ra đóng góp đáng kể cho các ngành thương mại, lưu trú và ăn uống, vận tải,…

Tổng cục trưởng Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra, chúng ta cần tập trung một số nội dung chủ yếu như: Thứ nhất, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, bảo đảm tăng trưởng cả năm 2017 đạt 18%. Đồng thời, tạo điều kiện thông thoáng cho vay vốn sản xuất, kinh doanh, vay tiêu dùng hộ gia đình; phấn đấu giảm lãi suất tín dụng cho vay đầu tư sản xuất, kinh doanh; tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ,…

Thứ hai, cần có giải pháp phù hợp để huy động các nguồn vốn đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tổng mức đầu tư thực hiện cả năm 2017 đạt từ 34 đến 35% GDP. Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, trong đó chú trọng các dự án quan trọng, các chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, bảo đảm nguồn vốn đầu tư công đúng mục đích và hiệu quả.

Ngoài ra, đưa ra các giải pháp thúc đẩy nhu cầu trong nước, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước với hàng nhập khẩu; phát triển mạng lưới bán lẻ, hạn chế doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm hệ thống siêu thị để đưa hàng hóa vào thị trường Việt Nam. Quan trọng nhất, phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu, bao gồm cả thị trường truyền thống cũng như các thị trường có sức mua tiềm năng cao, nhất là các thị trường đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam.

Theo kết quả điều tra, phần lớn doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh trong quý III năm nay sẽ lạc quan hơn quý II, trong đó 53,4% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; 36% số doanh nghiệp dự báo ổn định và chỉ 10% số doanh nghiệp dự báo giảm. Về số đơn đặt hàng, có 47,7% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; 41,1% số doanh nghiệp dự kiến ổn định và 11,2% số doanh nghiệp dự kiến giảm.


                                                        Nguồn: Tổng cục Thống kê

                                                               Theo báo Nhân dân


Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục