(HBĐT) - Những ngày cuối năm, sau hơn 2 tháng xảy ra đợt mưa lũ lịch sử vào trung tuần tháng 10, đồng đất huyện Yên Thủy đang hồi sinh trở lại. Vụ đông - xuân tuy bất thuận là vậy nhưng người dân nơi đây không nản lòng, vẫn nỗ lực khôi phục sản xuất.


Nông dân xóm Lương Cao, xã Lạc Lương (Yên Thủy) chăm sóc rau vụ đông.

Đồng chí Vũ Hồng Thanh, Phó phòng NN&PTNT huyện chia sẻ: Đó là thời điểm tình hình nông nghiệp của huyện chồng chất khó khăn. Theo thống kê từ các xã, thị trấn có gần 425 ha lúa thiệt hại, diện tích rau màu thiệt hại khoảng 818 ha, cây công nghiệp, cây ăn quả thiệt hại trên 206 ha. Mưa lũ đã cuốn trôi 204 con gia súc, gần 14.000 con gia cầm, 95 ha nuôi thủy sản bị ngập. Các hồ trên địa bàn mặc dù được tiêu thoát trước đó nhưng do lượng mưa quá lớn nên hầu hết các hồ chảy trên ngưỡng tràn từ 20 - 40 cm. Một số hồ đã tràn qua thân đập như hồ Lạng - xã Lạc Thịnh, hồ Cây Vừng - xã Ngọc Lương, hồ Sung - xã Yên Lạc, hồ Tắc Lót - xã Lạc Thịnh. Thống kê có 8 hồ, 5 ngầm, 10 bai, 185 m kênh mương bị hư hỏng, ảnh hưởng. Thiên tai lịch sử gây thiệt hại khoảng 120 tỷ đồng cho sản xuất nông nghiệp, giao thông và đời sống sinh hoạt của người dân Yên Thủy, trong đó thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp nặng nề nhất.

Để sớm khắc phục hậu quả mưa lũ, các xã đã tập trung thu hoạch lúa, các loại cây màu. Cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã huy động lực lượng hỗ trợ người dân thu hoạch. Các hộ có diện tích cam, bưởi bị ngập, rụng quả tổ chức dọn dẹp vườn, phun thuốc chống nấm, rắc vôi bột, phá váng. 12 tổ hợp tác dùng nước, UBND các xã và Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi khắc phục kịp thời những ảnh hưởng nhỏ như khơi thông dòng chảy, báo cáo đề xuất tỉnh hỗ trợ kinh phí sửa chữa các công trình thủy lợi trọng điểm xung yếu đang bị hư hỏng nặng. Những phần việc được tiến hành khẩn trương đã giúp ổn định tình hình sản xuất, giải quyết những khó khăn khi chuyển sang vụ đông - xuân.

Năm nay, vụ đông - xuân vẫn được huyện Yên Thủy triển khai đảm bảo khung thời vụ. Những diện tích mới trồng bị thiệt hại do đợt mưa lũ được trồng dặm bổ sung. Tuy nhiên, liên quan đến thời vụ gieo trồng nên diện tích ngô đông giảm còn 50% so với cùng kỳ. Đổi lại, các cơ quan chuyên môn huyện đã tăng cường tuyên truyền, vận động, đôn đốc, hướng dẫn cơ sở chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, lựa chọn những loại cây trồng thích hợp để bù đắp về sản lượng. Các cây trồng ngắn ngày như khoai sọ, bí đỏ, bí xanh được đưa vào vụ đông tăng về diện tích. Đặc biệt, chủ trương tập trung cho các loại rau vụ đông như bắp cải, xà lách, su hào, cải ngọt, đậu… được nông dân các xã, thị trấn hưởng ứng và đưa vào trồng với diện tích lớn, trồng gối vụ. Diện tích rau đậu trồng nhiều ở các xã: Yên Lạc, Yên Trị, Hữu Lợi, Đoàn Kết, Phú Lai, Bảo Hiệu, Lạc Lương, Ngọc Lương…

Trên cánh đồng xóm Lương Cao, xã Lạc Lương, bà Bùi Thị Ngần đang chăm sóc diện tích su hào, bắp cải. Bà Ngần cho biết: Các vụ đông trước, trên 500 m2 đất ruộng 1 vụ này, tôi trồng khoai lang nhưng năm nay trồng muộn, tôi chuyển sang rau đông. Do hợp đất, nước tưới đảm bảo nên rau phát triển tốt, cho thu hoạch trong ít ngày tới.

Thống kê toàn huyện trồng 250 ha cây rau vụ đông. Diện tích bí đỏ, bí xanh vẫn là chủ lực ở vụ này. Cũng theo đồng chí Vũ Hồng Thanh, Phó phòng NN&PTNT, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn các xã, thị trấn mặc dù chịu tác động của đợt thiên tai và bệnh lùn sọc đen diễn biến phức tạp nhưng vượt lên trên hết, bà con nông dân đã sớm phục hồi sản xuất, năng động chuyển sang trồng các cây rau màu ngắn ngày có giá trị, đồng thời đảm bảo tính chủ động chuẩn bị các điều kiện cho sản xuất vụ chiêm - xuân tới đây. Đáng chú ý, diện tích cây ăn quả có múi sau thiệt hại đã khắc phục kịp thời và tiếp tục được nông dân mở rộng. Năng suất lúa, giá lạc, ngô tuy giảm mạnh nhưng bù lại, diện tích bí xanh, bí đỏ lại tăng cao và bán được giá hơn. Ngành chăn nuôi sau thiên tai cũng từng bước vực dậy và đi vào ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra, duy trì tổng đàn trâu trên 10.200 con, đàn bò 7.673 con, đàn dê gần 9.400 con, đàn lợn trên 45.000 con và đàn gia cầm trên 668.000 con.


                                                                    Bùi Minh


Các tin khác


Tiếp tục giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp

Ngân hàng Nhà nước vừa trình Chính phủ đề xuất: gia hạn thêm thời gian thực hiện Thông tư 02, về việc cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ thêm 6 tháng.

Lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế đóng góp phần lớn vào mức tăng trưởng tích cực của khu vực.

Điều kiện để trái bưởi tươi Việt Nam xuất khẩu vào Australia

Quả bưởi tươi của Việt Nam có thể được phép nhập khẩu vào thị trường Australia nếu sản phẩm đáp ứng các điều kiện an toàn sinh học.

Quyết liệt các giải pháp tăng nguồn thu ngân sách

Hiện đã qua 1/3 chặng đường thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024. Bằng việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt các giải pháp nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu, quản lý thu, tỉnh Hòa Bình đã đạt kết quả tích cực trong thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Huyện Tân Lạc phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi thời điểm nắng nóng

Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường là môi trường thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát, lây lan trên đàn vật nuôi. Do đó, huyện Tân Lạc đã chỉ đạo các ngành chức năng và các xã, thị trấn phối hợp, hướng dẫn người chăn nuôi phương pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Chọn vàng hay bất động sản?

Vàng và bất động sản là 2 danh mục đang được người dân quan tâm bởi nhu cầu thực, tích lũy hay đầu tư đều lớn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục