Trong 10 năm qua, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) đã và đang thực hiện các chương trình xây dựng mới và cải tạo nâng cấp lưới điện trung - hạ thế nông thôn nhằm mở rộng diện cấp điện, nâng cao chất lượng, đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nuôi trồng thủy, hải sản, sinh hoạt của người dân khu vực nông thôn.


Công nhân Công ty Ðiện lực Quảng Ngãi cải tạo, nâng cấp lưới điện tại huyện Ðức Phổ.

Trong những năm 1996-1998, điện nông thôn nước ta đứng trước những yêu cầu và thách thức to lớn. Hàng nghìn xã, huyện với hàng triệu hộ dân nông thôn mong chờ từng ngày có điện lưới quốc gia. Tỷ lệ tổn thất điện năng do các HTX, tổ chức quản lý điện ở địa phương luôn ở mức cao từ 35 đến 45%, nhiều nơi lên đến 75%. Giá bán điện đến hộ dân nông thôn cao gấp năm đến bảy lần giá bán điện của Chính phủ quy định. Năm 1995, Tổng công ty Ðiện lực Việt Nam được thành lập (đến năm 2006 chuyển thành Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam - EVN), là đơn vị nòng cốt thực hiện chương trình điện khí hóa nông thôn (ÐKHNT). Trong ba năm (1995 - 1998), bên cạnh việc vay vốn đầu tư các dự án nguồn và lưới điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của đất nước, EVN đã triển khai thí điểm ÐKHNT tại tám xã trên cả nước. Từ kết quả đạt được, hằng năm, EVN dành nguồn vốn khấu hao cơ bản hơn 400 tỷ đồng để đầu tư có trọng tâm, với mục tiêu trước mắt là đưa điện đến trung tâm huyện, trung tâm xã với khoảng 60% hộ dân trong xã.

Trước những khó khăn, thách thức, với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm”, "T.Ư và địa phương cùng làm”, chương trình ÐKHNT đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, xã hội và người dân. Sự nghiệp ÐKHNT được gắn với các chương trình phát triển KTXH của đất nước và được cụ thể hóa bằng các chiến lược, quy hoạch phát triển KTXH địa phương. Trong 10 năm qua, EVN đã cung cấp điện phục vụ phát triển sản xuất, sinh hoạt cho gần hai triệu hộ dân nông thôn với tổng giá trị nguồn vốn vay ODA gần hai tỷ USD. Bên cạnh đó, EVN đã và đang thực hiện nhiều dự án cấp điện cho các hộ dân chưa có điện tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và biên giới nhằm góp phần bảo đảm chủ quyền an ninh quốc gia; an ninh, trật tự xã hội tại các tỉnh Sơn La, Ðiện Biên, Lai Châu, Bắc Cạn, Khánh Hòa, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang,… với tổng kinh phí hơn 5.500 tỷ đồng, cấp điện lưới quốc gia cho 369 xã và gần 400 nghìn hộ dân nông thôn chưa có điện.

Một trong những dấu ấn nổi bật là EVN đã tập trung dành nguồn vốn đầu tư hệ thống điện cung cấp cho các huyện đảo, xã đảo nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường và góp phần giữ vững an ninh chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ðến nay, EVN đã đầu tư cấp điện lưới quốc gia bằng đường dây trên không và cáp ngầm xuyên biển ra các huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh), Phú Quốc, Kiên Hải (Kiên Giang), Lý Sơn (Quảng Ngãi) và các xã đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam), xã đảo Thạnh An (TP Hồ Chí Minh),... với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 6.100 tỷ đồng, cấp điện cho hơn 140 nghìn hộ dân trên các đảo. Từ khi tiếp nhận bán điện trực tiếp, EVN đã bù lỗ khoảng 1.500 tỷ đồng cho các huyện đảo, xã đảo sử dụng nguồn điện đi-ê-den tại chỗ có giá thành sản xuất điện cao hơn rất nhiều so giá bán điện đến các hộ dân. Cùng với việc đầu tư xây dựng, phát triển lưới điện khu vực nông thôn, EVN cũng đẩy mạnh công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn từ các tổ chức quản lý điện địa phương không đủ năng lực quản lý, cung cấp điện trực tiếp tới các hộ dân nông thôn, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phục vụ phát triển sản xuất, sinh hoạt chất lượng, an toàn, ổn định, mua điện theo giá bán điện do Chính phủ quy định và sử dụng các dịch vụ khách hàng do EVN cung cấp. Tính đến cuối năm 2017, EVN đã tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn bán điện trực tiếp của gần 6.000 xã, với hơn 6,2 triệu hộ dân và tiến hành cải tạo lưới điện của các xã sau tiếp nhận với tổng chi phí khoảng 8.000 tỷ đồng.

Theo đánh giá của EVN, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển mở rộng cải tạo, nâng cấp hệ thống điện và quản lý cung cấp điện cho khu vực nông thôn đã góp phần đáng kể thay đổi bộ mặt nông thôn Việt Nam. Cụ thể, tỷ lệ số xã có điện từ 97%, số hộ dân có điện 93,4% năm 2007 đã được nâng lên tương ứng 99,98% số xã và 98,83% số hộ dân nông thôn có điện năm 2017. Cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chương trình ÐKHNT đã tạo ra sự khởi sắc từng ngày đối với bộ mặt nông thôn, trong đó có nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên cả nước. Tại các tỉnh miền bắc, chỉ tính riêng trong giai đoạn 2013 - 2017, thông qua các nguồn vốn khác nhau, Tổng công ty Ðiện lực miền bắc đã phối hợp chính quyền 27 địa phương thuộc địa bàn quản lý của Tổng công ty triển khai hàng chục dự án đầu tư lưới điện nông thôn với tổng số tiền 6.843 tỷ đồng. Ðến nay, 100% số xã ở miền bắc với 98,6% số hộ, trong đó có 98,3% số hộ dân nông thôn đã có điện, phấn đấu đến năm 2020 tất cả các hộ dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa được sử dụng điện lưới quốc gia.

Thành công của chương trình ÐKHNT là kết quả từ việc phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, từ T.Ư đến địa phương và toàn thể người dân, nhất là có đóng góp quan trọng của EVN và các công ty điện lực. Ðể thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ phát triển ÐKHNT, bên cạnh những giải pháp đã thực hiện trong thời gian qua, cần có sự quan tâm chỉ đạo hơn nữa của Chính phủ, công tác điều phối của Bộ Công thương, sự hỗ trợ của các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp, sự đồng thuận của nhân dân và sự chủ động, tích cực của ngành điện.

 

               TheoNhandan

Các tin khác


Thẩm định mô hình, điển hình tiên tiến tại huyện Kim Bôi, Cao Phong

Ngày 2/5, đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm tra các mô hình, điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Kim Bôi và Cao Phong.

Xử lý nghiêm tập thể, cá nhân làm chậm tiến độ triển khai dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu

Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+000 - Km53+000 trên địa bàn tỉnh) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực Tây Bắc. Tuy nhiên tiến độ triển khai chậm, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, chuyển mục đích sử dụng rừng, cắm mốc, trích đo, giải phóng mặt bằng (GPMB)...

Công khai người nộp thuế nợ thuế đến ngày 31/3/2024

Ngày 25/4, Cục Thuế tỉnh có Công văn số 1991/CTHBI-QLN về việc công khai người nộp thuế nợ thuế.

Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế cạnh tranh để phát triển

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo kết luận số 179/TB-VPCP, ngày 23/4/2024 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình ngày 13/4/2024.

Gìn giữ và phát triển thương hiệu bột sắn dây Nhuận Trạch

Cuối năm 2023, sản phẩm tinh bột sắn dây của Hợp tác xã (HTX) liên kết dịch vụ nông nghiệp và chế biến tinh bột Nhuận Trạch ở thôn Đồng Sẽ, xã Nhuận Trạch (Lương Sơn) được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đối với người dân địa phương, sắn dây từng là cây trồng giúp bà con cải thiện thu nhập, xóa đói, giảm nghèo. Việc chứng nhận tinh bột sắn dây đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao là tiền đề để các hộ tiếp tục giữ gìn và phát triển, đưa sản phẩm vươn xa hơn trên thị trường.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo sức bật cho phát triển

Phát biểu tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư, hợp tác xã Xuân Giáp Thìn, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh khẳng định: "Với phương châm chính quyền đồng hành cùng DN, Hòa Bình luôn xác định thành công của DN cũng là thành công của tỉnh; khó khăn, vướng mắc của các DN là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp”. Phương châm đó được thực hiện xuyên suốt, hiệu quả, tạo nên dấu ấn trong quá trình phát triển của tỉnh và cộng đồng DN trong tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục