Khách hàng giao dịch tại điểm giao dịch thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc).
Điểm giao dịch thị trấn Đà Bắc hoạt động giao dịch cố định vào ngày mồng 9 hàng tháng. Các hoạt động tại điểm giao dịch diễn ra công khai, minh bạch về nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn; việc chấp hành nội quy giao dịch, nội dung giao dịch được phối hợp thực hiện nghiêm túc; các chính sách tín dụng ưu đãi được niêm yết công khai, cập nhật đầy đủ, kịp thời. Đến nay, thị trấn có 16 tổ tiết kiệm và vay vốn, số dư tiền gửi tiết kiệm qua tổ đạt trên 320 triệu đồng. Hiện, thị trấn thực hiện 6 chương trình tín dụng chính sách, dư nợ trên 14.319 triệu đồng với 460 hộ vay vốn. Trong đó, dư nợ chương trình giải quyết việc làm cao nhất trên 5 tỷ đồng với 190 hộ vay; chương trình cho vay hộ nghèo dư nợ trên 3,6 tỷ đồng với 117 hộ vay... Nhìn chung, các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả. Điển hình như gia đình ông Xa Văn Tâm ở thôn Công đã phát huy được nguồn vốn của ngân hàng cho vay chương trình giải quyết việc làm, đầu tư vào chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhờ chăm chỉ làm ăn, thu nhập từ mô hình chăn nuôi của gia đình ông Tâm đạt trên 100 triệu đồng/năm. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Tâm còn tích cực tham gia các phong trào của địa phương và là tấm gương tiêu biểu phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Đồng chí Nguyễn Xuân Bắc, Chủ tịch UBND thị trấn Đà Bắc cho biết: Thực tế cho thấy, vai trò quan trọng của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương. Nhờ nguồn vốn của NHCSXH, nhiều gia đình trên địa bàn thị trấn đã mạnh dạn đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của thị trấn còn 8,6%; thu nhập bình quân đầu người năm 2019 ước đạt 38 triệu đồng.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, góp phần tích cực thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, trong thời gian tới, thị trấn Đà Bắc đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt hơn nữa các công việc được NHCSXH uỷ thác, bảo đảm cho vay đúng chính sách, đúng đối tượng, chú trọng kiểm tra, giám sát, hướng dẫn giúp người nghèo sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả cải thiện đời sống và có nguồn vốn trả nợ ngân hàng. Đặc biệt là làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tầng lớp nhân dân; tạo động lực và khuyến khích người dân lao động sáng tạo để giảm nghèo, vươn lên làm giàu.
Hải Linh