Thời gian gần đây, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi ở Bến Tre. Hiện tại, giá lợn hơi tăng rất cao nhưng số lượng lợn nuôi không còn nhiều do người dân e ngại tái đàn vì thiếu vốn, sợ dịch bệnh tái phát.


Giá thịt lợn tăng cao, người chăn nuôi vẫn khó tái đàn

Nhiều hộ dân buộc phải bỏ chuồng trống vì thiếu vốn và lo sợ dịch bệnh.

Giá lợn hơi tăng cao, chuồng trại bỏ trống

Trước đây, tỉnh Bến Tre là một trong những địa phương có tổng đàn lợn lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long với hơn 536 nghìn con, tập trung nhiều nhất ở ba huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc và Giồng Trôm. Đầu tháng 7-2019, tỉnh Bến Tre xuất hiện ổ bệnh DTLCP đầu tiên trên đàn lợn 54 con tại hộ ông Nguyễn Văn Tiễn (ngụ ấp 1A, xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre). Từ đó đến nay, công tác phòng chống bệnh DTLCP được thực hiện quyết liệt nhưng dịch bệnh vẫn lây lan ra tất cả chín huyện, thành phố trên địa bàn. Tính đến đầu tháng 9-2019, bệnh DTLCP đã xuất hiện tại 236 ấp thuộc 83 xã, thị trấn với 971 hộ nuôi có đàn lợn mắc bệnh. Cơ quan chức năng đã tổ chức tiêu hủy 36.545 con lợn với tổng trọng lượng khoảng 1.688 tấn.

Hiện tại, thương lái thu mua lợn hơi với giá khoảng 65.000 đồng/kg, cao hơn gấp đôi so trước khi xảy ra dịch bệnh và cao nhất từ trước đến nay nhưng số lượng lợn trong dân không còn nhiều. Nguyên nhân khi dịch bệnh xảy ra, người dân nuôi đã bỏ chuồng trống nên tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh đã giảm gần 60% so trước đây. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, đàn lợn trên địa bàn tỉnh chỉ còn khoảng 200 nghìn đến 250 nghìn con.

Tại tổ hợp tác chăn nuôi lợn Phước Sang (xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre), lúc đỉnh điểm có hơn 20 nghìn con lợn được nuôi tại 31 hộ gia đình là thành viên của tổ hợp tác. Tuy nhiên, khi xảy ra bệnh DTLCP, ba hộ xuất hiện dịch bệnh phải tiêu hủy, 12 hộ không dám tái đàn nên bỏ chuồng trống, còn lại 16 hộ tiếp tục chăn nuôi nhưng tổng đàn đã giảm hơn 70% và chỉ nuôi cầm chừng vì lo dịch bệnh lây lan.

Ông Nguyễn Văn Sang, Tổ trưởng hợp tác nuôi lợn Phước Sang cho biết: "Đỉnh điểm, gia đình tôi nuôi vài nghìn con lợn nhưng hiện nay, chỉ còn hơn 100 con và nuôi cầm chừng do lo sợ dịch bệnh dù thời điểm hiện tại, giá thịt lợn đã lên tới đỉnh, người nuôi có lợn bán lãi rất cao”.

Tại huyện Mỏ Cày Nam trước đây có tổng đàn lợn lớn nhất tỉnh với hơn 335 nghìn con được nuôi tại 8.500 hộ chăn nuôi, 149 trang trại. Địa phương xác định chăn nuôi là ngành chủ lực nên hằng năm, Đảng bộ, chính quyền, người chăn nuôi rất chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh. Gần đây, Huyện ủy có hai công văn chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra công tác phòng, chống tại địa bàn; UBND huyện cũng có 13 văn bản chỉ đạo nhắc nhở, kiểm tra công tác phòng chống dịch, thành lập ban chỉ đạo, tổ đội kiểm soát tiêu hủy....

Chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Nam, Võ Văn Út cho biết: "Khi dịch bệnh xảy ra, đàn lợn trên địa bàn huyện đã giảm đi đáng kể. Hiện tại, theo thống kê sơ bộ đã giảm hơn 60%, với khoảng 2/3 số xã trên địa bàn xảy ra bệnh DTLCP, hầu hết các hộ thiệt hại đều nuôi nhỏ lẻ. Hiện giá thịt lợn tăng rất cao nhưng nhiều hộ dân đã bỏ chuồng trống sau đợt dịch bệnh”.

Chuyển nghề không dám tái đàn vì dịch bệnh, thua lỗ

Cách đây hơn một tháng, đàn lợn 58 con của gia đình ông Nguyễn Văn Bạch, ngụ xã Phước Mỹ Trung (huyện Mỏ Cày Bắc) phát bệnh DTLCP nên bị tiêu hủy. Sau đó, gia đình ông quyết định bỏ nghề nuôi lợn sau hơn 25 năm gắn bó. Ông Bạch cho biết: "Nhiều năm liền, gia đình tôi duy trì đàn lợn khoảng 300 con trong chuồng nhưng giá thấp cộng dịch bệnh nên số lượng teo tóp dần. Sau đợt tiêu hủy này, gia đình quyết định bỏ nghề chuyển sang cải tạo chuồng lợn để nuôi bò, dê vì không còn vốn và dịch bệnh trên lợn đang hoành hành tại địa phương”.

Chuồng lợn nuôi nhỏ, lẻ đang bỏ trống là thực trạng chung của nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Ông Nguyễn Văn Phương, ngụ xã Cẩm Sơn (huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre), cho biết: "Đợt vừa rồi, trước khi xảy ra bệnh DTLCP, tôi bán đàn lợn chỉ 28.000 đồng/kg, bị lỗ gần 500 triệu đồng. Sau đó, gia đình không dám tái đàn vì dịch bệnh đã tràn lan. Hiện tại, chuồng trại đầu tư mấy trăm triệu đồng buộc phải bỏ trống vì không còn vốn sau nhiều năm thua lỗ”. Gia đình ông Phương cũng bỏ nghề, chuyển qua trồng cỏ nuôi bò để giảm bớt rủi ro.

Theo nhiều hộ dân ở địa phương, việc nuôi bò, dê tuy lợi nhuận ít nhưng chi phí đầu tư thấp và ít xảy ra dịch bệnh nên nhiều người đã chuyển nghề. Đồng thời, chuồng lợn đã đầu tư đang để trống để chờ khi hết dịch bệnh sẽ tiếp tục tái đàn.

Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Giồng Trôm, Nguyễn Vũ Phong cho biết: "Khi xảy ra bệnh DTLCP, toàn huyện đã tiêu hủy hơn 10 nghìn con. Hầu hết các hộ bị thiệt hại do dịch bệnh đều bỏ chuồng trống, chứ không tái đàn vì lo sợ dịch bệnh. Chủ trương chung của ngành nông nghiệp chưa cho tái đàn vì địa phương chưa công bố hết dịch bệnh”.

Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre, Trần Quang Thái cho biết: "Trong thời gian qua, tỉnh tập trung quyết liệt cho công tác phòng chống bệnh DTLCP nên tình hình dịch bệnh đã giảm đi rất nhiều. Hiện nay, lượng đàn lợn đã giảm dẫn đến thiếu hụt nguồn cung, giá tăng rất cao. Tuy nhiên, việc tái đàn trong thời gian tới rất cân nhắc vì khả năng dịch bệnh tái nhiễm lại rất cao. Chủ trương chung thời điểm hiện tại, không cho nhập giống để tái đàn, mà phải đợi xử lý môi trường sạch bệnh. Đồng thời, thực hiện đúng theo khung kịch bản của Bộ NN-PTNT là địa phương cấp xã phải công bố hết bệnh DTLCP; địa điểm tái đàn phải đủ điều kiện vệ sinh môi trường; khi tái đàn chỉ nuôi 10% so nhu cầu của hộ dân, trang trại. Sau khi tái đàn 30 ngày nếu kiểm tra âm tính với bệnh DTLCP mới cho tiếp tục tái đàn hết 90% còn lại, hạn chế thấp nhấp việc tái phát bệnh DTLCP”.


Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải có luật để bảo vệ nhà đầu tư

Sau khi lắng nghe ý kiến của các đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu về tầm quan trọng của việc xây dựng dự thảo Luật đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) tại phiên thảo luận tổ ngày 11-11.

Bổ sung các quy định để làm rõ bản chất của tiền điện tử

Cơ quan ngân hàng trung ương khẳng định, việc quy định rõ về các loại tiền điện tử được phép sử dụng sẽ nhằm loại trừ các loại tiền ảo trên thị trường.

Sôi động sản xuất vụ đông

(HBĐT) - Màu xanh đã bắt đầu trải rộng trên những cánh đồng sau khi hoàn tất thu hoạch vụ mùa - hè thu. Đây cũng là thời điểm nông dân trong tỉnh tập trung triển khai sản xuất vụ đông với khí thế sôi động nhờ cộng hưởng của yếu tố thời tiết diễn biến thuận lợi.

Nâng cao chất lượng vốn FDI vào Việt Nam

Trong bối cảnh dòng chảy vốn ngoại đang có nhiều thay đổi trước biến động lớn của kinh tế, chính trị thế giới, vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) vào Việt Nam từ đầu năm đến nay cũng trồi sụt thất thường. Nhưng xu hướng chung vẫn là tăng nhẹ so cùng kỳ năm trước, được ghi nhận đã có sự thay đổi cả về lượng và chất.

Đoàn công tác Trung Ương Hội Nông dân Việt Nam làm việc với Hội Nông dân tỉnh

(HBĐT) - Ngày 7/11, đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam do đồng chí Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch Trung Ương Hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh và khảo sát thực tế tại xã Tự Do (Lạc Sơn).

Cần có chế tài xử lý các đơn vị chậm giải ngân nguồn vốn ngân sách

(HBĐT) - Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư trong năm của tỉnh trong nhiều năm thường đạt ở mức trung bình của cả nước, song cũng không thuộc nhóm các tỉnh có tỷ lệ giải ngân cao. Một số dự án lớn được giao kế hoạch vốn trong năm còn diễn ra tình trạng giải ngân chậm. Đặc biệt là các dự án có vốn năm 2018 kéo dài sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ và nguồn vốn T.Ư hỗ trợ; nguồn vốn vay ODA được chuyển nguồn vốn từ năm 2018 sang 2019, song tỷ lệ giải ngân vẫn đạt rất thấp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục