Cán bộ Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tư vấn cho người dân vùng cao huyện Lạc Sơn về quyền lợi và trách nhiệm của người tiêu dùng, cách phân biệt hàng giả, hàng thật.
Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong năm 2019 trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra, nhưng ở mức độ nhỏ lẻ. Tập trung vào nhóm ngành hàng gia dụng, điện tử, điện thoại di động, rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá, bánh kẹo, hóa mỹ phẩm, hàng may mặc, thực phẩm. Riêng đối với hàng giả, các vụ việc tiếp tục bị phát hiện và được xử lý nghiêm liên quan đến thực phẩm và mặt hàng thuốc chữa bệnh. Cụ thể, lực lượng liên ngành Ban Chỉ đạo 389 chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các địa phương đã phát hiện 2 vụ kinh doanh mì chính giả nhãn hiệu Ajinomotor tại huyện Kỳ Sơn, tịch thu 78 gói mì chính với trị giá trên 1 triệu đồng, xử phạt vi phạm hành chính 700 nghìn đồng. Xác minh, xử lý 1 vụ kinh doanh thuốc viên nén Clorocid Trung ương 3 loại 250 mg giả tại Công ty CP Dược phẩm Yên Thủy, thu hồi 4.870 viên thuốc giả. Thanh tra Sở Y tế đã lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính 15 triệu đồng, yêu cầu xuất hủy toàn bộ số thuốc giả theo quy định.
Đồng chí Hoàng Đức Trường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết: Mặc dù công tác đấu tranh chống hàng giả trên địa bàn tỉnh đã thực hiện quyết liệt nhưng còn tồn tại nhiều bất cập. Nguyên nhân do vấn đề nguồn lực, cơ chế thực thi. Chế tài xử phạt đối với vi phạm này chưa đủ mạnh nên nhiều đối tượng sẵn sàng vi phạm để đạt lợi nhuận lớn. Tuy đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật về ngăn ngừa, hạn chế, truy cứu trách nhiệm sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái... nhưng chất lượng một số văn bản còn thấp hoặc chưa theo kịp với diễn biến phức tạp nảy sinh.
Để ngăn chặn, đẩy lùi hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ đòi hỏi sự vào cuộc của toàn xã hội. Bên cạnh nỗ lực của các lực lượng chức năng, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh như Công ty CPTM Định Nhuận, Công ty TNHH Anh Phong... chủ động, tích cực tham gia chống hàng giả thông qua hoạt động quảng bá sản phẩm, hướng dẫn, chỉ rõ cho người tiêu dùng các thủ đoạn làm hàng giả. Có kênh phân phối sản phẩm chất lượng tốt tới tay người tiêu dùng, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, xa. Các doanh nghiệp cũng chủ động khiếu nại khi bị xâm phạm nhãn hiệu, đẩy mạnh tuyên truyền giúp người tiêu dùng trang bị kiến thức tiêu dùng thông minh.
Với vai trò bảo vệ quyền, lợi ích của người tiêu dùng, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh đã đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, tư vấn, trang bị kiến thức phòng, chống hàng giả. Trong năm, Hội đã phát hàng trăm tờ rơi, tuyên truyền tới hàng trăm lượt người tiêu dùng nông thôn ở các chợ phiên. Phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức các hội nghị phổ biến pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với sự tham dự của 360 cán bộ, hội viên nông dân thuộc 2 huyện Lạc Sơn, Yên Thủy... Ông Phạm Hữu Chiến, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho rằng, để giải quyết tận gốc vấn nạn hàng giả, hàng nhái, doanh nghiệp sản xuất dứt khoát không làm hàng giả, hàng nhái. Cơ sở kinh doanh cương quyết không bán hàng giả, hàng nhái. Người tiêu dùng không chấp nhận mua hàng giả, hàng nhái. Nhà nước hoàn thiện pháp lý, các cơ quan chức năng thực thi pháp luật nghiêm minh trong việc kiểm tra, xử lý.
Để góp sức chống hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tự bảo vệ mình, trước hết, người tiêu dùng cần thực hiện các quyền và nghĩa vụ đã được quy định khi mua hàng như yêu cầu người bán cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn chứng từ; kiểm tra hàng hóa trước khi nhận, lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc rõ ràng, thông tin cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xâm phạm đến quyền lợi...
Bùi Minh