Agribank Cao Phong tạo thuận lợi cho khác hàng vay vốn trong bối cảnh dịch Covid-19 gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động SX-KD của các đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Theo một chủ homestay ở bản Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu), bản hiện có khoảng 60 homestay kinh doanh đón khách trong và ngoài nước. Do tình hình dịch Covid-19 nên nhiều homestay đã phải đóng cửa không ón khách, thực tế nhiều ngày nay cũng không có khách. Hiện, gia đình anh vẫn đang vay ngân hàng hàng trăm triệu đồng làm vốn kinh doanh. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài sẽ tác động rất xấu đến hiệu quả sử dụng vốn vay của ngân hàng. Chính vì vậy, các chủ homestay trên địa bàn huyện Mai Châu rất cần có sự hỗ trợ từ ngân hàng như giảm lãi suất, kéo dài thời gian trả nợ tránh tình trạng bị rơi vào nhóm nợ xấu, dẫn đến hoạt động kinh doanh lâu dài sẽ bị ảnh hưởng. Đồng thời, cần được hướng dẫn cụ thể trong việc phòng, chống dịch.
Trao đổi với đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng MB - Chi nhánh tỉnh Hòa Bình được biết, để chia sẻ khó khăn, hỗ trợ kịp thời cho khách hàng trong tình hình hiện nay, Chi nhánh MB đã thống kê có khoảng trên 30 khách hàng cá nhân trên địa bàn tỉnh vay vốn quy mô trên dưới 5 tỷ đồng để có phương án hỗ trợ cho những khách hàng này. Song song với đó, Chi nhánh rà soát các doanh nghiệp có vay vốn ở những lĩnh vực kinh doanh khách sạn, lưu trú khách ngoại quốc, kinh doanh vận tải, xuất, nhập khẩu liên quan các mặt hàng với Trung Quốc. Từ đó lên phương án giảm lãi suất trực tiếp hoặc kéo dài thời gian trả nợ… cho các doanh nghiệp đã vay vốn, nhằm chia sẻ khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Thống kê của ngân hàng Nhà nước tỉnh (NHNN), tổng dư nợ toàn địa bàn đến hết tháng 2 gần 22.680 tỷ đồng, tăng không đáng kể, khoảng 0,2% so với thời điểm cuối năm 2019. Trong đó, dư nợ ngắn hạn khoảng 9.296 tỷ đồng, chiếm 41% tổng dư nợ; dư nợ trung, dài hạn 13.378 tỷ đồng, chiếm 59% tổng dư nợ.
Lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên theo quy định của NHNN từ 5 - 6%/năm đối với NHTM, 7%/năm đối với Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND); lãi suất cho vay SX-KD thông thường, gồm: ngắn hạn tại các NHTM phổ biến từ 7,5 - 10,9%/năm, trung và dài hạn tư 8 - 11%/năm; các QTDND ngắn hạn từ 10,8 - 13,2%/năm, trung, dài hạn từ 10,8 -13,2%/năm; lãi suất cho vay tiêu dùng, gồm: ngắn hạn của các NHTM dao động từ 11 - 11,5%/năm, trung, dài hạn từ 11,5 - 13%/năm, QTDND từ 11,6 - 13,2%/năm.
Đồng chí Ngô Quang Lợi, Phó Giám đốc NHNN tỉnh cho biết: Thực hiện chính sách tiền tệ và chỉ đạo của NHNN Việt Nam, NHNN tỉnh đã chỉ đạo các TCTD chủ động nắm bắt tình hình SX-KD, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (nếu có), đặc biệt là những ngành, lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng nhiều như du lịch, nông nghiệp, xuất nhập khẩu... để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo quy định của Nhà nước, của ngành Ngân hàng. Thực hiện nghiêm túc các quy định của NHNN về lãi suất tiền gửi của tổ chức, cá nhân, các giải pháp về lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam của TCTD đối với khách hàng vay để ổn định mặt bằng lãi suất, ổn định thị trường tiền tệ. Đồng thời, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của các dự án, phương án SX-KD hiệu quả, ưu tiên vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các chương trình tín dụng ưu đãi.
Hồng Trung
Theo Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lương Sơn, đến hết tháng 2, doanh số cho vay đạt 3,769 tỷ đồng, với 148 lượt khách hàng vay vốn. Doanh số thu nợ đạt 5,412 tỷ đồng. Hiện, Phòng giao dịch có 14 chương trình tín dụng chính sách đang được triển khai cho vay trên địa bàn toàn huyện, tổng dư nợ đến hết tháng 2 là 263,228 tỷ đồng với 9.091 khách hàng còn dư nợ, chủ yếu ủy thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội. Nợ quá hạn toàn huyện là 381 triệu đồng, chiếm 0,14% tổng dư nợ; nợ khoanh 119 triệu đồng.