Nông dân xã Thu Phong (Cao Phong) cắt cỏ quanh gốc cây, hạn chế khả năng phát sinh dịch bệnh trên cây trồng.
Anh Đỗ Anh Tuấn, hộ thành viên HTX 3T nông sản Cao Phong (Cao Phong) cho biết: Vài tuần gần đây, trên diện tích cây cam đang ra hoa, đậu quả nhỏ của gia đình bắt đầu xuất hiện nhện đỏ gây hại. Chúng sinh sống,gây hại ở mặt dưới lá, ăn biểu bì và chích hút mô dịch của lá cây. Nếu không xử lý kịp thời để đến khi nhện hại nặng, mật độ cao, cả cành non cũng dần bị khô và chết. Vì vậy, ngay khi phát hiện đối tượng gây hại, tôi đã chủ động phòng trừ bằng cách tưới phun sương thường xuyên, để cây có dư nhựa cung cấp phần nào nhựa bị mất do nhện đỏ hút. Đồng thời, sử dụng những nguyên liệu có nguồn gốc hữu cơ như gừng, ớt, tỏi, thuốc lào ngâm với rượu, sau đó pha với nước theo nồng độ phù hợp với mức độ phát triển của quả để phun diệt nhện.
Theo thống kê của Chi cục TT&BVTV: Tại khu vực các huyện Yên Thủy, Lạc Thủy, Tân Lạc, Cao Phong, Lương Sơn, Kim Bôi, Lạc Sơn, nhện nhỏ xuất hiện với tỷ lệ phổ biến 1 - 2% số lá,có nơi tỷ lệ cao 5 - 7% số lá. Bệnh sẹo (ghẻ nhám) tỷ lệ phổ biến 1 - 2% số lá; cao 5 - 7% số lá(tập trung ở các huyện Lạc Thủy, Lương Sơn, Yên Thủy); Sâu vẽ bùa tỷ lệ phổ biến 1 - 2% số lá, cao 8 - 12% số lá,xuất hiện chủ yếu ở các huyện Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Kim Bôi, Lương Sơn. Bệnh greening gây hại cục bộ ở các huyện Lạc Thủy, Cao Phong, tỷ lệ hại phổ biến 1 - 2% số cây, cao 9 - 11% số cây. Rệp sáp, rệp muội, bọ trĩ tiếp tục xuất hiện và gây hại ở nhiều địa phương. Rầy chổng cánh, sâu đục cành, sâu nhớt, bệnh thán thư, bệnh muội đen...gây hại rải rác. Dự báo thời gian tới, các đối tượng, dịch bệnh này tiếp tục gây hại mạnh trên cây có múi giai đoạn phát triển thân lá,ra hoa,đậu quả, phát triển quả.
Để kịp thời xử lý các đối tượng gây hại trên cây có múi, đảm bảo chất lượng quả cũng như sự sinh trưởng của cây trồng, Chi cục TT&BVTV đã ban hành các văn bản khuyến cáo, hướng dẫn biện pháp phòng trừ đối với các đối tượng dịch hại. Theo đó, đối với cây ăn quả có múi, các địa phương cần tích cực chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh giai đoạn ra hoa, đậu quả, tăng khả năng đậu quả và chống rụng quả non. Đối với bệnh greening gây hại với tỷ lệ cao 9-11% số lá, để phòng dịch bệnh, các địa phương khuyến cáo nông dân không sử dụng cây giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, cây giống trồng phải là cây sạch bệnh. Thường xuyên thăm vườn để sớm phát hiện sự gây hại của bệnh, đốn bỏ cây bệnh để loại bỏ mầm bệnh trong vườn, khử trùng các dụng cụ cắt tỉa trước khi chuyển từ cây này sang cây khác để tránh sự lây nhiễm.
Ngoài ra, Chi cục lưu ý có thể sử dụng một số thuốc để phòng trừ các đối tượng gây hại trên cây có múi: Đối với rầy, rệp: Citrole 96.3EC; Movento 150OD; Limater 7.5EC; đối với nhện nhỏ: Abagold 38EC; Abamine 3.6EC; đối với bệnh ghẻ sẹo: Zineb Bul 80WP, Kumulus 80WG; Zineb Bul 80WP... Sử dụng thuốc theo hướng dẫn in trên bao bì, hoặc các thuốc khác có trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam. Tiếp tục duy trì hệ thống bẫy đèn phục vụ cho công tác dự tính dự báo dịch hại cây trồng.
Thu Hằng