(HBĐT) - Ngay từ đầu tháng 8, tại thủ phủ cam Cao Phong, người dân đã hối hả thu hoạch quýt Ôn Châu. Đây là giống quýt chín sớm, mở đầu cho vụ thu hoạch cây ăn quả có múi tại huyện Cao Phong. Theo chia sẻ của các nhà vườn, năm nay, quýt Ôn Châu đạt năng suất, chất lượng ổn định, giá bán cao hơn so với năm ngoái. Hiện, giá bán tại vườn dao động từ 24.000 - 25.000 đồng/kg. Sản phẩm được tiêu thụ mạnh trên thị trường trong và ngoài tỉnh.


Quýt Ôn Châu được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Khách hàng chọn mua quýt Ôn Châu tại cửa hàng bán hoa quả ở thị trấn Cao Phong (Cao Phong).

Ông Nguyễn Đức Mạnh, khu 3, thị trấn Cao Phong phấn khởi:  Gia đình tôi có khoảng 3.000 m2 trồng quýt Ôn Châu. Sản lượng năm nay đạt khoảng 7 - 8 tấn quả. Mấy tháng trước, tôi rất lo lắng, sợ dịch Covid-19 ảnh hưởng làm khó tiêu thụ quýt. Tuy nhiên, ngay từ đầu tháng 8, khi bắt đầu thu hoạch thì tư thương từ khắp mọi nơi tìm đến mua. Nhà vườn chúng tôi vui mừng, phấn khởi vì quýt Ôn Châu dễ tiêu thụ mà lại được giá. Hiện, giá bán tại vườn khoảng 25.000 đồng/kg, cao hơn so với năm ngoái (năm 2019 khoảng 20.000 đồng/kg tại vườn). Thời điểm này, tư thương vẫn đều đặn vào vườn mua quýt. Thời gian tới, gia đình tôi duy trì diện tích trồng quýt hiện có, nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc nghiêm túc tuân thủ quy trình trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. 

Quýt Ôn Châu chủ yếu được trồng xen với các giống cam như lòng vàng, cam mát, cam Canh, Xã Đoài..., được trồng nhiều tại thị trấn Cao Phong, các xã: Tây Phong, Dũng Phong, Bắc Phong. Giá trị bình quân đạt 500 - 600 triệu đồng/ha. Thời vụ thu hoạch quýt tương đối ngắn, kéo dài khoảng 2 tháng. Kết thúc vụ thu hoạch quýt Ôn Châu, thủ phủ cam Cao Phong sẽ bước vào thu hoạch các giống cam như lòng vàng, cam mát… Ưu điểm vượt trội của quýt Ôn Châu là vỏ mỏng, mọng nước, tép vàng và không có hạt; có thể dùng tay bóc vỏ ăn trực tiếp hoặc vắt nước uống. Vài năm trở lại đây, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh rất ưa chuộng quýt Ôn Châu, nhu cầu mua ngày càng tăng. 

Theo chia sẻ của các tiểu thương tại thị trấn Cao Phong và TP Hòa Bình, giống quýt Ôn Châu chưa kịp chín đã kết thúc vụ thu hoạch. Chị Nguyễn Thị Tư, tiểu thương tại chợ Bóp, thị trấn Cao Phong chia sẻ: Mặc dù quýt còn chua nhưng hiện được người dân ưa chuộng. Trung bình mỗi ngày tôi bán vài tạ quýt. Ngoài bán lẻ, tôi còn đổ buôn đi Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình… Giá bán lẻ tại chợ là 30.000 đồng/kg. Các quán cà phê, giải khát rất thích mua quýt Ôn Châu để vắt nước, bởi quả mọng nước và màu nước vàng rất bắt mắt. 

Đồng chí Bùi Văn Dán, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cao Phong cho biết: Quýt Ôn Châu chủ yếu được trồng xen với các giống cam khác, tuy nhiên, nhờ ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật nên chất lượng quả ngày càng cao. Giá trị kinh tế của giống quýt này không hề nhỏ. Vài năm trở lại đây, sản lượng, chất lượng, giá bán tương đối ổn định. Cấp ủy, chính quyền và người dân trong huyện đang nỗ lực giữ gìn, phát triển thương hiệu cam Cao Phong bằng việc nâng cao chất lượng các giống cam, trong đó có quýt Ôn Châu. Người trồng cam hướng tới sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; tăng cường tuyên truyền, quảng bá sản phẩm để người tiêu dùng có thể phân biệt cam Cao Phong với cam của các địa phương khác.



Thu Thủy

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục