(HBĐT) - Thăm khu tái định cư (TĐC) xóm Lau Bai, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) cảm nhận được sự thay da đổi thịt nơi đây sau trận lũ lịch sử xảy ra hồi tháng 10/2017. Với sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, hệ thống hạ tầng thiết yếu cơ bản được đầu tư, đáp ứng nhu cầu dân sinh, đời sống Nhân dân được cải thiện rõ rệt, thu nhập nâng lên. Qua đó, góp phần xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển KT-XH. 



Nhân dân xóm Lau Bai, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) phát triển mô hình chăn nuôi gà nhằm cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập. 

Khu TĐC xóm Lau Bai được quy hoạch trên diện tích gần 5 ha, với 33 hộ, 127 nhân khẩu. Đến nay, tỷ lệ hộ được sử dụng điện, nước đạt 100%. Tỷ lệ nhà kiên cố đạt trên 60%. Hệ thống đường giao thông trong khu TĐC được cứng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa. Đặc biệt, trong năm 2019, Nhà nước đã bố trí kinh phí trên 1 tỷ để xây dựng điểm trường mầm non chi Lau Bai để đáp ứng việc dạy và học của cô trò nhà trường.

Ông Bàn Văn Vinh, Trưởng xóm Lau Bai phấn khởi chia sẻ: "Hàng năm, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng, duy tu, củng cố các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ nhu cầu dân sinh. Tại nơi ở mới, bà con không còn nỗi lo sạt trượt, thiên tai ập đến trong mùa mưa bão. Đồng thời, việc ở gần giúp dễ dàng tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Tính đến hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người xóm Lau Bai đạt 18 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 38,2%.

Để nhanh chóng ổn định sản xuất, phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững, trong thời gian qua, Nhân dân xóm Lau Bai đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Trong đó, tập trung phát triển mô hình trồng rừng sản xuất, chăn nuôi thủy sản, chăn nuôi dê… Theo rà soát, toàn xã duy trì, phát triển 60 ha cây keo. 22 hộ tận dụng lợi thế tiếp giáp lòng hồ sông Đà để chăn nuôi thủy sản, với tổng số trên 40 lồng cá, chủ yếu là cá trắm đen, lăng, diêu hồng… Đẩy mạnh phát triển mô hình chăn nuôi dê với tổng đàn trên 300 con. Các mô hình phát triển kinh tế từng bước phát huy hiệu quả, nâng cao thu nhập, tạo việc làm ổn định cho một số lao động địa phương.

Ông Bàn Văn Sự, xóm Lau Bai cho biết: "Tận dụng lợi thế về địa hình đất đai, điều kiện khí hậu phù hợp với trồng rừng, gia đình tôi đã phát triển mô hình trồng keo trên diện tích 7 ha. Đây là giống cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế ổn định, không tốn công chăm sóc. Có thể thu hoạch sau 5 năm kể từ khi xuống giống, bình quân mỗi ha có thể thu về khoảng 30 triệu đồng. Để lấy ngắn nuôi dài, gia đình tôi trồng 1 ha các giống cây ngắn ngày như sắn, ngô… Năm 2019, tổng thu nhập của gia đình đạt trên 70 triệu đồng.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình phát triển kinh tế của Nhân dân xóm Lau Bai cũng gặp nhiều khó khăn. Chăn nuôi cá lồng được xác định là mô hình giảm nghèo, nhưng giai đoạn này sản phẩm tiêu thụ chậm, giá thành giảm. Như cá lăng chỉ bán được với giá 50.000 - 70.000 đồng/kg, trong khi mọi năm duy trì ở mức 120.000 đồng/kg. Một số giống cá như trắm đen, diêu hồng hiện vẫn rất khó tiêu thụ.

Đồng chí Bùi Văn Kỳ, Chủ tịch UBND xã Vầy Nưa cho biết: "Trong thời gian qua, xã đặc biệt dành sự quan tâm đối với khu TĐC xóm Lau Bai để nhanh chóng hỗ trợ, tạo điều kiện giúp người dân ổn định đời sống, khôi phục sản xuất sau thiên tai. Đối với những khó khăn trong phát triển kinh tế, xã đẩy mạnh việc kết nối thị trường, tạo điều kiện cho các hộ dân chăn nuôi cá lồng dễ dàng tiêu thụ sản phẩm. Tập trung nguồn kinh phí để tiếp tục xây dựng, nâng cấp chi trường xóm Lau Bai và các công trình hạ tầng thiết yếu khác. Qua đó nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất khu TĐC Lau Bai, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.

Đức Anh

Các tin khác


Quản lý, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản

Những năm gần đây, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường năng lực công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản. Từ đó góp phần nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh tại thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu, nhất là bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.

Giá vàng sáng 29/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 29/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 83 - 85,22 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra).

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục