(HBĐT) - Từ các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy về phát triển trồng trọt, chăn nuôi, cùng với định hướng, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang vận hành theo hướng khai thác tiềm năng, lợi thế, nâng cao giá trị gia tăng, an toàn, hiệu quả, bền vững.


Hợp tác xã chuối Viba, xã Liên Sơn (Lương Sơn) hoạt động hiệu quả.

Nhiệm kỳ 2015-2020, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về phát triển chăn nuôi, trồng trọt, phát triển thủy sản, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đã tạo chuyển biến rõ nét trên lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Tại nhiều địa phương, sản xuất nông nghiệp không chỉ giữ vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, mà ngày càng xuất hiện nhiều mô hình, sản phẩm khai thác được lợi thế cạnh tranh, phát triển khá tốt.

Chúng tôi đến thăm HTX chuối Viba tại xã Liên Sơn (Lương Sơn) những ngày cuối năm 2020. Đây là mô hình tiêu biểu liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tận dụng lợi thế đất đai và nguồn lao động địa phương do anh Trần Trung Đức - một thanh niên trẻ điều hành. Anh Đức cho biết: Tất cả quy trình sản xuất, liên kết xây dựng vùng nguyên liệu, chế biến được thực hiện khép kín theo tiêu chuẩn an toàn. Riêng xưởng sơ chế có diện tích khoảng 1.000 m2, được quy hoạch cùng 3 phòng dấm chuối công nghệ cao, công suất tối đa 5 tấn/ngày. Chuối chín tự nhiên bằng khí ethylene sinh học, tuyệt đối an toàn, không độc hại. Chuối tiêu hồng được sơ chế và làm sạch sẽ theo tiêu chuẩn nhập khẩu từ Mỹ, được Bộ NN&PTNT cấp Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm số 04/2017/NNPTNT-120. Hiện, HTX đã xây dựng vùng nguyên liệu ở một số địa phương như Lạc Thủy, Tân Lạc, TP Hòa Bình. Quy trình trồng chuối tuân thủ chặt theo yêu cầu an toàn. Sản phẩm chuối Viba đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao do UBND tỉnh cấp, đã có mặt tại các siêu thị lớn ở Hà Nội và một số tỉnh khu vực phía Bắc. Năm 2019 được hãng hàng không quốc gia Vietnam Airline ký hợp đồng tiêu thụ 2 tạ/ngày, mở ra cơ hội lớn để tiếp cận các thị trường tiềm năng lớn. HTX thực hiện sản lượng 1.000 tấn, doanh thu hàng năm đạt trên 9 tỷ đồng, lãi trên 196 triệu đồng/ha/năm, giải quyết việc làm cho trên 50 lao động địa phương. Trên địa bàn huyện Lương Sơn cũng đã hình thành nhiều sản phẩm lợi thế, được thị trường tin dùng như rau hữu cơ Lương Sơn, bưởi Diễn Tân Thành, gà Thuận Phát, dê núi đá… mang lại hiệu quả khá cao.

Công ty TNHH Hải Đăng đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng bè trên hồ thủy điện Hòa Bình theo chuỗi giá trị. Đến nay, công ty duy trì 190 lồng cá. Quy trình nuôi được tuân thủ nghiêm ngặt, bảo đảm sản xuất an toàn. Công ty đã xây dựng kho và các đại lý tiêu thụ sản phẩm ở các nhà hàng, khách sạn khu vực miền Bắc, trong đó tập trung ở thị trường Hà Nội. Công ty là doanh nghiệp tham gia chương trình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cá sông Đà theo chuỗi giá trị. Ông Nguyễn Văn Toản, đại diện Công ty Hải Đăng cho biết: Hiện, tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động sản xuất, tiêu thụ của công ty. Tuy nhiên, về lâu dài các sản phẩm cá hồ Hòa Bình vẫn là lợi thế riêng có để phát triển bền vững sau này.

Ngành N&PTNT đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các Nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp, triển khai một số chính sách hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Tỉnh đã hình thành vùng cây ăn quả hiệu quả hơn những cây trồng truyền thống, trong đó, diện tích cây được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đạt khoảng 2.500 ha. Đối với Nghị quyết phát triển nuôi cá lồng bè đã phát triển khá mạnh, hình thành nhiều mô hình liên kết sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ ở Hà Nội và các tỉnh khu vực miền Bắc. Toàn tỉnh đã có 71 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng hình thành những sản phẩm có lợi thế như: Dê Lạc Thủy, gà Lạc Sơn, cam Cao Phong, su su Tân Lạc… đem lại hiệu quả kinh tế khá, cải thiện đời sống người nông dân.

Trong những năm gần đây, cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản. Cơ cấu cây trồng được chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang cây có giá trị kinh tế cao. Mô hình cánh đồng lớn, sản xuất tập trung quy mô lớn, liên kết sản xuất theo chuỗi bước đầu được thực hiện. Chăn nuôi tập trung phát triển 5 loài vật nuôi lợi thế là: Trâu, bò, lợn, dê, gia cầm theo mô hình trang trại. Lâm nghiệp phát triển theo hướng tăng diện tích trồng cây gỗ lớn, cây bản địa; diện tích trồng rừng hàng năm đều vượt kế hoạch đề ra. Giá trị thu nhập/ha đất canh tác tăng lên, đạt 128,4 triệu đồng/ha. Năm 2020, tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 4,35%. Tỉnh nằm trong tốp đầu khu vực về xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh ủy xác định: Những năm tới, phát triển nông nghiệp là nền tảng theo hướng an toàn, hiệu quả, sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường tiêu thụ, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến, du lịch, bảo vệ môi trường, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Rà soát lại quy hoạch và phân loại rừng, tạo điều kiện thuận lợi phát triển rừng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Hoàn thiện bản đồ thổ nhưỡng, bản đồ vùng khí hậu của tỉnh, đẩy mạnh việc dồn điền, đổi thửa để thu hút mạnh mẽ các nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh thực hiện có chiều sâu và thực chất hơn chương trình OCOP gắn với phát triển du lịch. Phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản bình quân hàng năm đạt 4,5 - 5%. Phát triển liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi. Đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác; tiếp tục chuyển đổi, thành lập mới và nâng cao năng lực hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp. Triển khai mạnh mẽ, đồng bộ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.


Lê Chung

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục