(HBĐT) - Trong những ngày cả nước tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, tại các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, chủ đầu tư, đơn vị thi công huy động thêm nhân lực, phương tiện máy móc để đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo hoàn thành các công trình đúng kế hoạch đề ra.


Liên doanh nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án Nhà máy thủy điện Hoà Bình mở rộng.

Tại cầu Hoà Bình 2 (TP Hòa Bình) - một trong những công trình trọng điểm, những ngày cuối tháng 8 không khí lao động khẩn trương, gấp rút hoàn thành những hạng mục cuối cùng để kịp đưa cây cầu vào sử dụng cuối năm nay. Các hạng mục chính của dự án như hệ thống điện chiếu sáng, mặt cầu, hệ thống đường dẫn được đẩy nhanh thi công. Đối với hạng mục dây văng lắp nối với 2 trụ cầu đã, đang được hoàn thành. Đường dẫn phía bờ trái sông Đà đã cơ bản, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ đường dẫn phía bờ phải. 

Kỹ sư Lỗ Hữu Khải, Giám đốc điều hành dự án cầu Hòa Bình 2 (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh) cho biết: "Về tiến độ, cầu Hòa Bình 2 mặc dù còn một chút vướng mắc về giải phóng mặt bằng nhưng hiện đã đạt trên dưới 80% khối lượng công việc. Với kế hoạch đề ra từ khi khởi công đến khi hoàn thành là 33 tháng, dự kiến cuối năm nay, cầu Hòa Bình 2 sẽ hoàn thành, vượt tiến độ khoảng 3 tháng”.

Từ cầu Hòa Bình 2 ngược lên phía thượng lưu sông Đà chừng 2 - 3 km là một trong những công trình trọng điểm   của quốc gia đang được liên doanh các nhà thầu ngày đêm đẩy nhanh thi công - dự án Nhà máy thuỷ điện Hòa Bình (NMTĐHB) mở rộng. 

Dự án NMTĐHB mở rộng có tổng mức đầu tư trên 9.220 tỷ đồng, tổng công suất lắp đặt 480 MW, gồm 2 tổ máy, mỗi tổ công suất 240 MW. Sản lượng phát điện bình quân  khoảng 488,3 triệu kWh/năm, nâng tổng công suất của toàn NMTĐHB lên 2.400 MW. 

Dự án khởi công từ đầu năm, đến nay, liên doanh nhà thầu đào đắp trên 1 triệu m3 đất, đá trong tổng số 3,8 triệu m3. Hiện, 400 công nhân cùng hàng trăm phương tiện thay phiên nhau 3 ca, 4 kíp nhằm gấp rút thi công phần đê quây cửa điện nước phía thượng lưu và phần đáy móng phía hạ lưu thuỷ điện Hoà Bình, với tinh thần quyết liệt trước khi hồ thuỷ điện vào mùa tích nước, nhằm đảm bảo điều kiện thi công các hạng mục còn lại. 

Đồng chí Cao Phan Kỷ, Phó Giám đốc Ban điều hành dự án NMTĐHB mở rộng (Ban Quản lý Dự án điện I) cho hay, dự án đang được triển khai với quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao nhất, nỗ lực tối đa để hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, an toàn và vệ sinh môi trường. Theo kế hoạch, quý IV/2024 dự án hoàn thành, góp phần bảo đảm cung cấp thêm nguồn điện đáng kể phục vụ nhu cầu phát triển KT-XH của tỉnh cũng như đất nước. 

Dự án hồ chứa nước Cánh Tạng được xây dựng trên địa bàn huyện Lạc Sơn cũng là công trình trọng điểm, quan trọng của tỉnh, có ý nghĩa đối với sự phát triển KT-XH địa phương, khu vực. Dự án nhằm cấp nước tưới cho khoảng 6.460 ha đất canh tác của 17 xã thuộc 2 huyện Lạc Sơn, Yên Thủy; tạo nguồn, cấp nước bổ sung cho các công trình ở hạ lưu trong mùa khô hạn của huyện Thạch Thành (Thanh Hóa). 

Diện tích giải phóng mặt bằng dự án hồ chứa nước Cánh Tạng khoảng 1.238 ha, trong đó, đất cho công trình 728 ha, đất phục vụ tái định cư 510 ha. Số hộ phải di dời 652 hộ, trong đó, tái định cư tập trung 630 hộ, tái định cư tự nguyện 22 hộ, gồm 8 điểm tái định cư tập trung. 

Đối với phần đập công trình đầu mối chính, hiện nhà thầu đang đẩy nhanh thi công hoàn thiện, phấn đấu đến ngày 30/11 tới tiến hành chặn dòng. Về tái định cư, ngoài 1 điểm đã cơ bản hoàn thành, tại 7 điểm khác, các đơn vị thi công đang san ủi mặt bằng, chia lô theo diện tích, sang tháng 9, người dân tái định cư đủ điều kiện tiến hành xây dựng nhà ở. Trong giai đoạn 2, tại các điểm tái định cư sẽ đầu tư đường giao thông, công trình phụ trợ đảm bảo người dân về nơi ở mới được khang trang, cơ sở hạ tầng đồng bộ hơn. 

Trong bối cảnh hiện nay, để đáp ứng tiến độ, nhất là đối với các công trình được đánh giá trọng điểm, nhà thầu luôn bảo đảm số lượng máy móc, thiết bị thi công, đồng thời tích cực, chủ động phối hợp địa phương, đơn vị có liên quan giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu nghiêm chỉnh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, chỉ đạo cán bộ phụ trách công trình, dự án nắm rõ kế hoạch thi công, số người tham gia trên các công trường; khuyến khích các đơn vị có các giải pháp linh hoạt để đạt được mục tiêu kép: Vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người lao động, vừa bảo đảm tiến độ hoàn thành công trình, dự án theo kế hoạch đề ra.
 
                                                                                       
Hồng Trung


Các tin khác


Thẩm định mô hình, điển hình tiên tiến tại huyện Kim Bôi, Cao Phong

Ngày 2/5, đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm tra các mô hình, điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Kim Bôi và Cao Phong.

Xử lý nghiêm tập thể, cá nhân làm chậm tiến độ triển khai dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu

Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+000 - Km53+000 trên địa bàn tỉnh) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực Tây Bắc. Tuy nhiên tiến độ triển khai chậm, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, chuyển mục đích sử dụng rừng, cắm mốc, trích đo, giải phóng mặt bằng (GPMB)...

Công khai người nộp thuế nợ thuế đến ngày 31/3/2024

Ngày 25/4, Cục Thuế tỉnh có Công văn số 1991/CTHBI-QLN về việc công khai người nộp thuế nợ thuế.

Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế cạnh tranh để phát triển

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo kết luận số 179/TB-VPCP, ngày 23/4/2024 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình ngày 13/4/2024.

Gìn giữ và phát triển thương hiệu bột sắn dây Nhuận Trạch

Cuối năm 2023, sản phẩm tinh bột sắn dây của Hợp tác xã (HTX) liên kết dịch vụ nông nghiệp và chế biến tinh bột Nhuận Trạch ở thôn Đồng Sẽ, xã Nhuận Trạch (Lương Sơn) được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đối với người dân địa phương, sắn dây từng là cây trồng giúp bà con cải thiện thu nhập, xóa đói, giảm nghèo. Việc chứng nhận tinh bột sắn dây đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao là tiền đề để các hộ tiếp tục giữ gìn và phát triển, đưa sản phẩm vươn xa hơn trên thị trường.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo sức bật cho phát triển

Phát biểu tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư, hợp tác xã Xuân Giáp Thìn, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh khẳng định: "Với phương châm chính quyền đồng hành cùng DN, Hòa Bình luôn xác định thành công của DN cũng là thành công của tỉnh; khó khăn, vướng mắc của các DN là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp”. Phương châm đó được thực hiện xuyên suốt, hiệu quả, tạo nên dấu ấn trong quá trình phát triển của tỉnh và cộng đồng DN trong tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục