(HBĐT) - 12 lao động đã xuất cảnh, gần 100 lao động đang chờ bay, 400 người đăng ký tham gia… Đó là những con số minh chứng cho chuyển động đáng mừng trong công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) của tỉnh năm 2021.

 


Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn, giới thiệu lao động đi xuất khẩu tại thị trường có thu nhập cao và đang kiểm soát tốt dịch Covid-19.

Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến công tác lao động, việc làm, khiến hàng nghìn lao động của tỉnh bị mất nguồn sinh kế. Trong năm 2021, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) thuộc Sở LĐ-TB&XH đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ tạo việc làm mới, trong đó, XKLĐ được xem là kênh việc làm quan trọng, mang lại thu nhập cao, làm thay đổi cuộc sống của người lao động (NLĐ) và ổn định an sinh xã hội.

Trong 9 tháng, Trung tâm DVVL đã phối hợp các huyện tổ chức 60 hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm, tập trung vào đối tượng lao động bị mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lao động trẻ tại các xã vùng sâu, vùng xa như: Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu), Mường Chiềng, Tú Lý (Đà Bắc), Vũ Bình (Lạc Sơn), Vân Sơn (Tân Lạc)… Hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm còn được thực hiện bằng nhiều hình thức, từ tư vấn trực tiếp tại hộ gia đình, tư vấn qua facebook, zalo đến tư vấn trực tuyến giữa NLĐ với doanh nghiệp XKLĐ. Ông Xa Kỳ Đông, Trưởng xóm Tình, xã Tú Lý (Đà Bắc) chia sẻ: Cán bộ Trung tâm DVVL đã đến từng hộ để tư vấn, giới thiệu. Nhờ đó, các bậc phụ huynh, bản thân NLĐ nắm được thông tin đầy đủ về thị trường xuất khẩu, chính sách của Đảng, Nhà nước. Hàng chục lao động trong xóm đã đăng ký tham gia thị trường xuất khẩu.    

Vốn vay từng là trở ngại lớn đối với công tác XKLĐ, bởi trước đây chỉ có lao động thuộc hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số mới được vay theo kênh Ngân hàng Chính sách xã hội. Một "cú hích” mang tính thúc đẩy được thực hiện ngay từ những tháng đầu năm là chương trình cam kết hỗ trợ nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Từ tháng 6/2021, Trung tâm DVVL và Agribank đã thực hiện chương trình hỗ trợ NLĐ vay vốn đi làm việc ngoài nước. Theo thỏa thuận hợp tác, NLĐ được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi tín chấp từ 80 - 100% số tiền chi trả để đi XKLĐ.

Từng có thời gian, công tác XKLĐ của tỉnh trầm lắng do một số vấn đề vướng mắc liên quan. Người dân có tâm lý nghi ngại bởi đã có những trường hợp rủi ro phải về nước trước thời hạn, việc quản lý lao động ở nước ngoài còn yếu… Thông qua hoạt động tuyên truyền, tư vấn, các chương trình liên kết, hợp tác giữa các ban, ngành, đoàn thể, gỡ khó về nguồn vốn vay đã giúp lao động được tiếp cận kênh thông tin chính thống. Bên cạnh việc lựa chọn, phối hợp với doanh nghiệp XKLĐ uy tín trong việc tư vấn, kết nối việc làm ngoài nước, tỉnh đưa ra hình thức tuyên truyền mới, hiệu quả là chọn những người đã đi XKLĐ chia sẻ, nói chuyện trực tiếp giúp người dân, lao động yên tâm, tin tưởng khi đăng ký, tham gia. Mặc khác, kênh vay vốn XKLĐ ngày càng mở rộng, không chỉ Ngân hàng Chính sách xã hội mà còn có các ngân hàng NN&PTNT, VP Bank. Đối tượng không chỉ người dân tộc thiểu số, hộ nghèo mà lao động là người Kinh có nguyện vọng vay vốn đi XKLĐ cũng được đáp ứng. 

Nhiều chương trình hỗ trợ người đi làm việc ngoài nước thiết thực, ý nghĩa cũng được triển khai, thực hiện trong thời gian qua. Trung tâm DVVL phối hợp với doanh nghiệp liên kết đào tạo, cung ứng lao động tư vấn, giới thiệu lao động đến thị trường các nước có tình hình dịch Covid-19 ổn định, đảm bảo mức thu nhập cao gấp 5 - 6 lần, thậm chí hàng chục lần so với làm việc trong nước. Ngoài ra, hộ gia đình, lao động đi xuất khẩu sẽ nhận được những hỗ trợ ý nghĩa: Tặng gói bảo hiểm 20 triệu đồng dành cho các thành viên trong hộ có người đi làm việc ngoài nước, lao động ngoài nước được hưởng bảo hiểm lên đến 4 tỷ đồng/trường hợp, được giới thiệu việc làm trong nước miễn phí sau khi kết thúc thời hạn làm việc ở nước ngoài…

Theo đồng chí Đới Văn Chinh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, vượt lên những khó khăn bởi dịch Covid-19, tỉnh tập trung thúc đẩy công tác XKLĐ với mục tiêu 320 người đi XKLĐ, thị trường hướng đến là Đài Loan, Hung-ga-ry, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tính đến trung tuần tháng 10, toàn tỉnh có 9.000 lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm ngoài nước; 400 lao động đăng ký tham gia đang được hướng dẫn làm thủ tục vay vốn, tư vấn lựa chọn đơn hàng và làm thủ tục cấp visa. Tỉnh tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin về XKLĐ, chính sách của Đảng, Nhà nước để nâng cao nhận thức, giúp người dân nắm rõ thông tin về thị trường lao động, doanh nghiệp có đủ tư cách pháp nhân và được phép tuyển dụng lao động xuất khẩu trên địa bàn, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực XKLĐ, phòng tránh thiệt hại cho NLĐ.

                                                                                         Bùi Minh

Các tin khác


Thẩm định mô hình, điển hình tiên tiến tại huyện Kim Bôi, Cao Phong

Ngày 2/5, đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm tra các mô hình, điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Kim Bôi và Cao Phong.

Xử lý nghiêm tập thể, cá nhân làm chậm tiến độ triển khai dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu

Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+000 - Km53+000 trên địa bàn tỉnh) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực Tây Bắc. Tuy nhiên tiến độ triển khai chậm, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, chuyển mục đích sử dụng rừng, cắm mốc, trích đo, giải phóng mặt bằng (GPMB)...

Công khai người nộp thuế nợ thuế đến ngày 31/3/2024

Ngày 25/4, Cục Thuế tỉnh có Công văn số 1991/CTHBI-QLN về việc công khai người nộp thuế nợ thuế.

Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế cạnh tranh để phát triển

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo kết luận số 179/TB-VPCP, ngày 23/4/2024 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình ngày 13/4/2024.

Gìn giữ và phát triển thương hiệu bột sắn dây Nhuận Trạch

Cuối năm 2023, sản phẩm tinh bột sắn dây của Hợp tác xã (HTX) liên kết dịch vụ nông nghiệp và chế biến tinh bột Nhuận Trạch ở thôn Đồng Sẽ, xã Nhuận Trạch (Lương Sơn) được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đối với người dân địa phương, sắn dây từng là cây trồng giúp bà con cải thiện thu nhập, xóa đói, giảm nghèo. Việc chứng nhận tinh bột sắn dây đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao là tiền đề để các hộ tiếp tục giữ gìn và phát triển, đưa sản phẩm vươn xa hơn trên thị trường.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo sức bật cho phát triển

Phát biểu tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư, hợp tác xã Xuân Giáp Thìn, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh khẳng định: "Với phương châm chính quyền đồng hành cùng DN, Hòa Bình luôn xác định thành công của DN cũng là thành công của tỉnh; khó khăn, vướng mắc của các DN là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp”. Phương châm đó được thực hiện xuyên suốt, hiệu quả, tạo nên dấu ấn trong quá trình phát triển của tỉnh và cộng đồng DN trong tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục