(HBĐT) - Tăng cường huy động mọi nguồn lực đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH cơ bản đồng bộ, hiện đại; trong đó tập trung nguồn vốn cho các công trình trọng điểm, cấp thiết, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đường bộ và hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm bảo đảm phát triển nhanh, bền vững, thu hẹp khoảng cách vùng, miền, nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm QP-AN... Đó là nhiệm vụ trọng tâm và cũng là 1 trong 4 đột phát chiến lược đã, đang được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.


Đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình có chủ trương đầu tư lên cao tốc nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển.

Giai đoạn 2017-2021, cùng với sử dụng có hiệu quả nguồn vốn NSNN, tỉnh tập trung các nguồn vốn của doanh nghiệp, người dân, tổ chức trong và ngoài nước đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH. Theo đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội huy động được trong giai đoạn đạt khoảng 74.065 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư công 16.159 tỷ đồng được đầu tư vào hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, đô thị, cấp điện, cấp thoát nước, giáo dục, y tế, du lịch và phát triển SX-KD.

Giao thông là lĩnh vực được quan tâm hàng đầu để đẩy mạnh giao thương, mở cánh cửa thu hút đầu tư. Do vậy, tỉnh chủ trương phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, liên hoàn giữa đường bộ, đường thủy nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách ngày một gia tăng; kết nối hợp lý với hệ thống giao thông quốc gia, vùng và nội tỉnh, tạo thành hệ thống giao thông thông suốt, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững và yêu cầu CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn. Những năm qua, nhiều tuyến giao thông trọng điểm đã được đầu tư, nâng cấp như đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp quốc lộ (QL) 6, đoạn Xuân Mai - Hòa Bình; đường tỉnh (ĐT) 433, đoạn km0 - km23; ĐT435; đường liên huyện vùng cao Lạc Sơn - Tân Lạc, đường Hang Kia - Cun Pheo - QL6, đường nối từ QL6 với đường Chi Lăng, cầu Hòa Bình 3, cầu Hòa Bình 2. Hiện, tỉnh tiếp tục triển khai đầu tư các công trình trọng điểm như: Đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến xã Dân Chủ kết nối với QL6; đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La; triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình…

Xã Suối Hoa (Tân Lạc) nay đã thật gần với người dân trong, ngoài tỉnh bởi tiềm năng du lịch được đánh thức và nhiều dự án tầm cỡ đã được phê duyệt chủ trương đầu tư. Kết quả này có yếu tố quyết định từ việc nâng cấp, cải tạo tuyến ĐT435 giúp giao thông thuận lợi. Từ khi cảng Ngòi Hoa đưa vào khai thác và ĐT435 thông tuyến đã giúp gia đình chị Bùi Thị Nhân, xóm Ngòi và nhiều hộ ở các xóm có thêm nghề bán hàng phục vụ khách du lịch hồ Hòa Bình. "Bây giờ khách đến đây đông lắm, nhất là thứ Bảy, Chủ nhật cứ cả dãy ô tô, xe máy đỗ đậu. Nhờ vậy, chúng tôi có thêm thu nhập” - chị Nhân chia sẻ.

Hiệu quả của tuyến đường cũng được Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Văn Bượng khẳng định: Từ khi tuyến đường 435 mở rộng, nâng cấp vào đến xã đã tạo đà giúp Suối Hoa phát triển. Trước đây, hàng hóa làm ra thường bị ép giá do đi lại trắc trở, nay rất thuận lợi cho bà con giao thương. Đặc biệt, có đường mới, xã được đón nhận nhiều dự án đầu tư về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng đã thúc đẩy phát triển kinh tế, đổi mới bộ mặt nông thôn. Từ đây góp phần đáng kể nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Hiện, thu nhập bình quân của xã đạt 32 triệu đồng/người/năm.

Với phương châm giao thông đi trước một bước, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, hệ thống QL, đường giao thông đối ngoại trên địa bàn cơ bản đạt quy mô theo quy hoạch được phê duyệt. Theo đó, thúc đẩy đầu tư một số tuyến đường tỉnh có tính liên kết, kết nối vùng, tạo sự lan tỏa, động lực phát triển KT-XH, như: ĐT438B nối TP Hòa Bình - Kim Bôi; các tuyến ĐT433, 450, 436… Đồng thời phát triển giao thông nông thôn đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới, phục vụ nhu cầu an sinh xã hội.

Song song với giao thông, hệ thống thủy lợi được quan tâm đầu tư, đưa vào hoạt động nhiều công trình đầu mối. 5 năm qua, toàn tỉnh có gần 400 công trình thủy lợi được nâng cấp; hơn 250 km kênh mương kiên cố; các hồ, đập, bai thường xuyên được duy tu, bảo dưỡng. Một số công trình lớn như: Dự án hồ Cánh Tạng (Lạc Sơn), dự án cấp bách đê ngăn lũ chống ngập úng Pheo - Chẹ hạ du sông Đà (TP Hòa Bình), kè sông Bùi, kè sông Bôi đang được đầu tư xây dựng. Hiện, toàn tỉnh có 1.900 công trình thủy lợi; 3.723 km kênh mương tưới các loại. Hệ thống công trình thủy lợi nội đồng được nâng cấp, chủ động phòng chống, ứng phó thiên tai.

Bên cạnh đó, tỉnh chủ trương dành nguồn lực xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, hiệu quả, có khả năng kết nối khu vực; phát triển đồng bộ lưới điện truyền tải và phân phối. Phấn đấu cung cấp đủ nhu cầu năng lượng, đáp ứng các mục tiêu của Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm giai đoạn 2021-2030. Đến nay, đã có nhiều dự án hạ tầng điện phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt được xây dựng. Trong tỉnh có 2.640,87 km đường dây trung áp, 4.448,31 km đường dây hạ áp, 2.224 trạm/2.257 máy biến áp với tổng dung lượng 600.134 kVA. Có 11 nhà máy thủy điện phát điện thương mại, tổng công suất 1.958,15 MW; 4 dự án đang nghiên cứu triển khai đầu tư với tổng công suất 10 MW. Qua đó, chất lượng cung cấp điện ngày càng nâng cao; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đến năm 2021 đạt 99,8%, lưới điện quốc gia phủ kín 100% xã, phường, thị trấn.

Xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH đảm bảo phát triển nhanh, bền vững cũng được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin; y tế; giáo dục; hạ tầng phục vụ phát triển thương mại - dịch vụ. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực, nhất là các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách, xã hội hóa đầu tư để phát triển, hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp (CCN), gắn phát triển công nghiệp với phát triển xã hội, hạ tầng đô thị - dịch vụ kèm theo. Trong giai đoạn 2017-2021, tỉnh đã giao chủ đầu tư hạ tầng 1 khu công nghiệp (KCN) và 10 CCN. Trong tỉnh hiện có 4 khu, 16 CCN có chủ đầu tư hạ tầng; trong đó KCN Lương Sơn, bờ trái sông Đà, CCN Chiềng Châu cơ bản hoàn thành các hạng mục hạ tầng kỹ thuật. Đến nay, các KCN đã thu hút được 104 dự án đầu tư.

Với sự chuyển động tích cực trong phát triển kết cấu hạ tầng, trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, tỉnh kỳ vọng sẽ thực hiện được mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2025 kinh tế tỉnh Hòa Bình đạt mức trung bình của cả nước, như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.

 

Thu Hiền

 


Các tin khác


Đánh thức tiềm năng vùng đất “chén vàng”

Đồng chí Trần Tuấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết: Huyện Kim Bôi đã hoàn thành được đồ án Quy hoạch vùng huyện đến năm 2040; lập đồ án Quy hoạch chung xây dựng 14 xã; 3 đồ án quy hoạch phân khu; 9 đồ án quy hoạch chi tiết các điểm dân cư nông thôn. Huyện cũng tích cực triển khai khoảng 25 đồ án quy hoạch khác làm cơ sở để quản lý xây dựng, thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và huy động các nguồn lực, đảm bảo phát triển trong dài hạn.

Bộ Tài chính thúc 6 địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Theo báo cáo, tỷ lệ giải ngân của 6 địa phương này cơ bản thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước.

Kiểm tra tiến độ dự án đường liên kết vùng

Sáng 4/5, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu). 

Tiếp tục giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp

Ngân hàng Nhà nước vừa trình Chính phủ đề xuất: gia hạn thêm thời gian thực hiện Thông tư 02, về việc cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ thêm 6 tháng.

Lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế đóng góp phần lớn vào mức tăng trưởng tích cực của khu vực.

Điều kiện để trái bưởi tươi Việt Nam xuất khẩu vào Australia

Quả bưởi tươi của Việt Nam có thể được phép nhập khẩu vào thị trường Australia nếu sản phẩm đáp ứng các điều kiện an toàn sinh học.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục