(HBĐT) - Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay, một số thị trường xuất khẩu của tỉnh không còn tình trạng "đóng băng” và gần như đã trở về trạng thái bình thường. Qua đó hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) có sự chuyển động tích cực, tạo đà thiết lập dấu mốc mới trong năm 2022, nhất là việc mở rộng thị trường và mặt hàng xuất khẩu.
Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, xuất khẩu nông sản đang có những tín hiệu khả quan. Sau lần đầu tiên 10 tấn mía trắng ăn tươi được xuất khẩu sang thị trường Đức vào đầu tháng 11/2021, hoạt động này tiếp tục được đẩy mạnh. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản giữa Công ty CP nông nghiệp hữu cơ FUSA (Hải Dương) với Công ty TNHH và đầu tư thương mại Tiến Ngân (TP Hòa Bình), HTX dịch vụ nông, lâm nghiệp Tùng Dương (huyện Tân Lạc) xuất khẩu 62 tấn mía cấp đông sang thị trường EU.
Gần đây nhất là sự kiện quả nhãn Sơn Thủy (xã Xuân Thủy - Kim Bôi) sau khi vượt qua những yêu cầu kiểm định khắt khe về kỹ thuật canh tác và ATTP, 1 tấn nhãn tươi lần đầu tiên đã được xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Chia sẻ niềm vui này, ông Bùi Văn Lực, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy cho biết: "34 ha trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP của các hộ thành viên HTX đã được cấp mã số vùng trồng. Niên vụ 2022, HTX được Chi cục TT&BVTV giới thiệu Công ty CP nông nghiệp hữu cơ FUSA về hướng dẫn quy trình sản xuất với yêu cầu chặt chẽ hơn, tiêu chuẩn chất lượng cao hơn để phục vụ xuất khẩu sang châu Âu. Mục tiêu này được các hộ thành viên phấn khởi ủng hộ và tuân thủ chặt chẽ kỹ thuật canh tác, ghi chép nhật ký đồng ruộng... giúp sản phẩm nâng cao mẫu mã, chất lượng, đạt các chỉ tiêu kiểm định về ATTP để xuất khẩu chính ngạch vào thị trường khó tính như châu Âu”. Dự kiến mùa vụ 2022, HTX dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy thu hoạch khoảng 400 tấn nhãn, trong đó, ngành NN&PTNT đặt mục tiêu xuất khẩu 50 tấn nhãn Sơn Thủy sang thị trường EU.
Cùng với những sản phẩm mới vươn tầm ra thế giới, một số nông sản của tỉnh tiếp tục được xuất khẩu như: chuối, chè, củ quả muối, măng... sang các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu... Nhiều nông sản có cơ hội được mở rộng thị trường nhờ hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh. Đơn cử như bên lề Hội nghị xúc tiến hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với tỉnh Fukuoka và Kyushu do Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka, Nhật Bản tổ chức hồi cuối tháng 7 vừa qua, Công ty cổ phần HSC Nhật Bản và Công ty cổ phần Kim Bôi đã bàn thảo, ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác xuất khẩu và phân phối hàng hoá nông sản Hoà Bình sang Nhật Bản.
Với mục đích đẩy mạnh hoạt động sơ chế, chế biến, tiêu thụ nông sản; khai thác lợi thế của địa phương để đưa nhóm nông sản chủ lực và sản phẩm OCOP của tỉnh xâm nhập mạnh vào thị trường vùng Thủ đô, các thị trường lớn trong nước và xuất khẩu. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng phát triển đa dạng các hình thức quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, quan tâm phát triển các thị trường lớn trong nước, nhất là xuất khẩu... Theo đó, ngành nông nghiệp đã tập trung xây dựng các mô hình liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm trồng trọt chủ lực, quy mô lớn theo chuỗi giá trị sản phẩm gắn với xuất khẩu hàng hóa. Ưu tiên cấp mã số vùng trồng cho các vùng trồng cây chủ lực, lợi thế, có tiềm năng xuất khẩu như bưởi, nhãn, chuối, thanh long và hướng tới các cây trồng khác như: Chè, mía tím, mía trắng, cây họ bầu bí... Với những giải pháp đang được triển khai thực hiện, kỳ vọng xuất khẩu nông sản của tỉnh sẽ có thêm bước tiến trong thời gian không xa.
Song song với những nỗ lực mở rộng mặt hàng, thị trường xuất khẩu, những năm gần đây, số lượng DN hoạt động sản xuất và XNK trên địa bàn tỉnh tăng cả về số lượng, quy mô. Nếu như năm 2015, trong tỉnh mới có 30 DN hoạt động XNK thì đến năm 2020 tăng lên 49 DN và hiện nay, toàn tỉnh đã có 63 DN hoạt động XNK; trong đó có gần 30 DN vốn đầu tư nước ngoài, còn lại là DN địa phương. Với việc có thêm nhiều DN XNK hoạt động đã thúc đẩy lĩnh vực này phát triển. Ngoài bước tiến mới trong xuất khẩu nông sản, từ đầu năm đến nay, các mặt hàng xuất khẩu truyền thống như may mặc, lâm sản, linh kiện điện tử... tiếp tục tăng trưởng tích cực.
Công ty CP Lạc Thủy đóng trên địa bàn xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy) hoạt động trong lĩnh vực may mặc, nhiều năm qua đã đóng góp đáng kể vào tăng giá trị xuất khẩu của tỉnh. Ông Phạm Văn Sơn, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính chia sẻ: Sản phẩm của công ty đã có mặt tại nhiều nước châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc được thị trường các nước đón nhận nhờ mẫu mã và chất lượng sản phẩm tốt. Năm 2021, giá trị xuất khẩu của công ty đạt 2,1 triệu USD, 6 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 1,3 triệu USD. Hiện, công ty giải quyết việc làm ổn định cho 500 cán bộ, công nhân.
Có thể nói, với việc Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp về thể chế, cơ chế, chính sách, tổ chức quản lý, KHCN, đầu tư, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực... đã từng bước khắc phục hạn chế, khó khăn để tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất công nghiệp cũng như xuất khẩu hàng hóa. 6 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 25.637 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 702,63 triệu USD, tăng 21,38% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 533,46 triệu USD, tăng 5,83% so với cùng kỳ. Hàng xuất khẩu tập trung chủ yếu vào những thị trường truyền thống là Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... Hiện, đã mở rộng thêm một số thị trường mới mà Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại tự do như: Thị trường các nước thành viên của Hiệp định CPTPP; Hiệp định EU, thị trường Canada, Ấn Độ, Hà Lan...
Hoàng Nga