(HBĐT) - Từ tháng 1/2021, Sở NN&PTNT phối hợp với Công ty CP nông nghiệp An Phước trồng thử nghiệm cây gai xanh tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Qua gần 2 năm thử nghiệm, cây gai xanh đã sinh trưởng, phát triển tốt trên đồng đất Hoà Bình, người nông dân bước đầu có thu nhập từ cây trồng này. 



Nông dân xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu chăm sóc cây gai xanh. 

Gai xanh là giống cây trồng khá quen thuộc ở Việt Nam. Sản phẩm chính của cây là sợi, có thể dùng để dệt vải thô hoặc làm dây thừng, đan lưới đánh cá... Cây gai xanh có thể tận dụng được mọi thành phần, lá gai dùng làm bánh gai; thân, cành có thể dùng trong nguyên liệu làm giấy; dễ cây tận dụng để chữa một số loại bệnh. Tuy nhiên, từ trước đến nay, cây gai chủ yếu được trồng xen canh tại các bưa, bãi, chưa phát triển thành vùng trồng. Năm 2021, sau khi Công ty CP nông nghiệp An Phước đầu tư để liên kết sản xuất vùng nguyên liệu, cây gai xanh mới được trồng đại trà thành vùng lớn tại một số huyện. 

Tính đến tháng 10/2022, tổng diện tích trồng cây gai xanh trên địa bàn tỉnh gần 260 ha với 435 hộ tham gia trồng. Trong đó, diện tích gai xanh lưu gốc 50,7 ha, diện tích trồng mới 209 ha. Cây gai xanh được trồng chủ yếu ở các huyện vùng cao và TP Hoà Bình. Trong đó, huyện Đà Bắc có diện tích trồng lớn nhất 107 ha, huyện Mai Châu 72 ha. Là một trong những hộ dân đầu tiên tham gia trồng gai xanh tại xóm Búa, xã Trung Thành (Đà Bắc), ông Lường Văn Toàn cho biết: "Cây gai xanh trồng tương đối thuận lợi, sinh trưởng tốt và nhanh cho thu hoạch nếu bón phân đúng quy trình. Trồng 1 ha đầu tiên năm 2021, đến nay gia đình đã thu được 4 lứa và bước đầu có lãi". Hay như gia đình anh Bùi Văn Min, xóm Lục 1, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) bắt đầu trồng cây gai xanh từ năm 2022, diện tích hơn 13 nghìn m2. Hiện nay đã thu được 2 lứa, thu nhập đạt 20 triệu đồng. 

Đánh giá về năng suất, giá trị cây gai xanh trồng trên địa bàn tỉnh, theo lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thưc vật, các lứa gai xanh được trồng từ tháng 3 đến tháng 8/2022 đã cho thu hoạch từ 1 - 3 lứa. Tổng năng suất vỏ gai khô thu hoạch năm đầu tiên đạt từ 1 - 2 tấn; giá trị thu nhập đạt từ 45 - 85 triệu đồng/ha/năm. Đối với diện tích gai lưu gốc trồng năm 2021, đã cho thu hoạch ổn định 4 lứa/năm. Năng suất bình quân các lứa từ 750 - 900 kg vỏ gai khô/ha; giá trị thu nhập từ 120 - 145 triệu đồng/ ha/năm. Tuy nhiên, đây chưa phải là năng suất tối đa của cây. Nếu được trồng và chăm sóc tốt, cây gai xanh có thể đạt năng suất cao hơn. 

Hiện, toàn bộ diện tích cây gai xanh trên địa bàn tỉnh do Công ty CP nông nghiệp An Phước và các đối tác hỗ trợ kỹ thuật, cung ứng giống, phân bón và bao tiêu sản phẩm. Dự kiến, trong năm 2023, công ty này sẽ tiếp tục mở rộng quy mô diện tích vùng trồng lên 300 ha. 

Trao đổi về tiềm năng mở rộng diện tích cây gai xanh trên địa bàn, nhiều hộ tham gia trồng gai xanh cho rằng, chi phí đầu tư ban đầu khá cao, khoảng 40 triệu đồng/ha, bao gồm chi phí giống, phân bón, công chăm sóc. Trong khi đó, đa số hộ dân tham gia trồng cây gai xanh đều thuộc địa bàn có hoàn cảnh khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, thiếu vốn đầu tư, dẫn đến năng suất, chất lượng gai chưa đạt yêu cầu. Chính vì vậy, người dân cho rằng cần có cơ chế, chính sách để hỗ trợ bà con phát triển giống cây trồng. Bên cạnh đó, các hộ băn khoăn việc thu hoạch cây gai xanh còn phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết. Vào mùa mưa là thời điểm cây phát triển mạnh nhưng mưa kéo dài, ảnh hưởng rất lớn đến phơi sấy vỏ gai. Ngoài ra, thời tiết vùng cao ẩm nồm nhiều cũng khiến việc bảo quản sản phẩm từ cây gai khó khăn, thường bị mốc, ẩm, sản phẩm không đạt chất lượng. Vì vậy, để phát triển cây gai một cách bền vững, lâu dài thì cần thiết phải có cơ sở sơ chế vỏ gai khô tại địa bàn. 

Tuy nhiên, theo ông Lường Văn Toàn, xóm Búa, xã Trung Thành (Đà Bắc), điều các hộ dân băn khoăn nhất là đầu ra của sản phẩm. Hiện nay, các sản phẩm đã được Công ty CP nông nghiệp An Phước bao tiêu. Song, trong bối cảnh hiện nay, khi cây gai được trồng đại trà, nghĩa là khối lượng sản phẩm lớn, ngoài bán làm nguyên liệu cho ngành sợi thì không thể làm gì. Vì vậy, nếu công ty dừng thu mua sản phẩm, đồng nghĩa với việc người dân mất trắng thu nhập, không thể bán được sản phẩm ra ngoài. Như vậy, doanh nghiệp cần có chính sách cam kết đảm bảo vùng trồng lâu dài.

Đồng tình với quan điểm trên, đồng chí Nguyễn Đức Biên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho rằng: Trước khi nhân rộng và trồng đại trà cây gai xanh, cần phải có những nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hiệu quả kinh tế. Vì đây là một loại cây trồng mới, cách thức thu hoạch đặc thù. Mặt khác, loại cây này đòi hỏi cao về dinh dưỡng, phân bón và nước tưới. Vì vậy, để phát triển vùng trồng cần đánh giá kỹ các giải pháp cơ giới hoá trong làm đất, chăm sóc, thu hoạch, tuốt và phơi sấy gai nhằm giảm công lao động, hạ giá thành sản phẩm. 


Đinh Hòa

Các tin khác


Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Sản lượng sơ chế, chế biến thủy sản hàng năm đạt khoảng 850 tấn

Theo Chi cục Thuỷ sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản, gồm 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 6 hộ kinh doanh.

Bảo vệ thuỷ sản mùa nắng nóng, mưa lũ

Nắng nóng, mưa lũ làm cho các yếu tố môi trường thay đổi dễ gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi trồng. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động các giải pháp để bảo vệ cá nuôi, hạn chế thiệt hại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục