(HBĐT) - Những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) tại các địa phương trong tỉnh đã, đang trở thành nỗi trăn trở của các cấp chính quyền và Nhân dân. Những vướng mắc này cần được giải quyết rốt ráo để việc DĐĐT diễn ra thuận lợi, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của Nhân dân. Thực tế đặt ra yêu cầu cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cần quan tâm sát sao, chỉ đạo công tâm. Quá trình thực hiện DĐĐT người dân được bàn bạc dân chủ, nắm rõ mục đích, có sự đồng thuận thì sẽ thực hiện thành công.


Bài 3 - Tập trung tháo gỡ những vấn đề phát sinh sau dồn điền, đổi thửa



Cán bộ xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong dồn điền, đổi thửa. 

Đẩy mạnh dồn điền, đổi thửa tại các địa phương chưa thực hiện đạt

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TU, ngày 22/12/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác DĐĐT trên địa bàn tỉnh, đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 8/10 huyện, thành phố đã thực hiện DĐĐT. Tổng diện tích DĐĐT là 4.407 ha; trong đó, diện tích DĐĐT 3.693 ha (chiếm 83,79%), dồn điền nhưng không đổi thửa 41,2 ha (chiếm 0,93%), đổi thửa nhưng không dồn điền 673 ha (chiếm 15,27%). Diện tích DĐĐT sau khi thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TU đạt 1.808 ha, chiếm 11,21% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trong toàn tỉnh có khả năng thực hiện DĐĐT. Kết quả "khiêm tốn” đó cho thấy vẫn còn nhiều việc cần làm trong công tác DĐĐT, để có thể hoàn thành mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đảm bảo quy mô diện tích DĐĐT và có khoảng 60% số xã hoàn thành cơ bản việc DĐĐT theo yêu cầu.

Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp nhằm triển khai hiệu quả công tác DĐĐT trên địa bàn. Ngày 7/4/2023, Huyện ủy Lạc Sơn ban hành Nghị quyết số 12-NQ/HU về DĐĐT và phát triển sản phẩm OCOP. Nghị quyết nêu rõ, đến năm 2025, DĐĐT xong diện tích đất trồng lúa, trồng màu (không bao gồm đất đã quy hoạch làm công trình công cộng, khu dân cư, sản xuất-kinh doanh phi nông nghiệp) ở những nơi có điều kiện thuận lợi. Đến năm 2027 hoàn thành việc DĐĐT trên địa bàn huyện. Những năm tiếp theo tiếp tục hoàn thiện và kiên cố hóa hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng.

Đồng chí Bùi Văn Huân, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lạc Sơn cho biết: "Đối với các địa phương chưa thực hiện DĐĐT thì công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới phải đi trước một bước để làm tiền đề cho việc DĐĐT. Tổ chức DĐĐT phải đảm bảo chặt chẽ, thống nhất, hoàn thành trong thời gian ngắn nhất để nhanh chóng ổn định phát triển sản xuất. Công tác DĐĐT gắn liền với lợi ích của người dân và do người dân trực tiếp tham gia thực hiện. Vì vậy, quá trình triển khai cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, các phương án DĐĐT phải được đưa ra bàn bạc công khai, có sự đồng thuận cao từ Nhân dân. Từ đó làm cơ sở để xây dựng phương án, kế hoạch DĐĐT của từng địa phương”.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Văn Tương, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Yên cho biết: "Để công tác DĐĐT được thực hiện quyết liệt, hiệu quả, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cần chung tay vào cuộc, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Đặc biệt phát huy trách nhiệm của chi bộ, các đoàn thể trong quá trình thực hiện DĐĐT. Tại những địa bàn chưa thực hiện DĐĐT thì mỗi cán bộ, đảng viên là nòng cốt trong công tác tuyên truyền, gương mẫu đi đầu thực hiện DĐĐT”.

Cần sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp

Quá trình thực hiện DĐĐT được xem là việc khó khăn, phức tạp, dễ phát sinh mâu thuẫn, khó đồng thuận bởi tác động, liên quan đến lợi ích của nhiều hộ nông dân. Công tác quản lý hồ sơ địa chính ở một số địa phương còn thiếu chặt chẽ, quá trình tổ chức đo đạc, làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSĐ) còn chậm tiến độ, nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Cùng với đó, nguồn lực huy động trong Nhân dân để xây dựng hệ thống hạ tầng thiết yếu "hậu” DĐĐT cũng là vấn đề quan tâm.

Theo đó, các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu sắc về vai trò, ý nghĩa của Chỉ thị số 35-CT/TU để nâng cao nhận thức, ý thức và thống nhất hành động cho cả hệ thống chính trị. Các địa phương tích cực sáng tạo, huy động nguồn lực hỗ trợ và thúc đẩy thực hiện công tác DĐĐT. Đặc biệt, cần quan tâm đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ sau DĐĐT. Gắn chặt chẽ giữa việc thực hiện DĐĐT, tổ chức lại sản xuất trên diện tích đã dồn đổi với quá trình quy hoạch, xây dựng nông thôn mới. Đồng bộ hóa công tác DĐĐT với xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng, đường liên thôn, xóm để phục vụ cho sản xuất sau DĐĐT. Ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện công tác đo đạc bản đồ địa chính, cấp GCNQSDĐ sau DĐĐT. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, HTX liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tại các địa bàn đã thực hiện DĐĐT.

Đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TU trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả ban đầu đáng ghi nhận. Trên những diện tích thực hiện DĐĐT đem lại hiệu ứng tích cực đối với sản xuất như: giao thông, thủy lợi nội đồng được đầu tư, chỉnh trang; tỷ lệ diện tích áp dụng cơ giới hóa tăng cao; hình thành những cánh đồng lớn và các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm; năng suất, chất lượng nông sản cải thiện rõ rệt; giảm giá thành sản xuất... Tuy nhiên, diện tích thực hiện DĐĐT còn thấp so với mục tiêu đề ra. Do đó, để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chị thị số 35-CT/TU, thời gian tới, ngành NN&PTNT tiếp tục làm tốt công tác tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đẩy nhanh tiến trình DĐĐT trên địa bàn tỉnh. Trước tiên đẩy nhanh việc rà soát, điều chỉnh tích hợp quy hoạch, kế hoạch, đề án có liên quan đến DĐĐT vào quy hoạch tỉnh, phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH. Xác định diện tích đất sản xuất nông nghiệp ổn định, không nằm trong kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất để quyết liệt thực hiện các giải pháp DĐĐT. Tăng cường tuyên truyền, vận động, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của cấp ủy, chính quyền các cấp và Nhân dân trong công tác DĐĐT. Chúng tôi cũng đã đề nghị các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương tăng cường công tác phối hợp, giải quyết các vấn đề phát sinh sau khi thực hiện DĐĐT, đặc biệt là công tác lập hồ sơ đo đạc và cấp GCNQSDĐ. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa, tập trung huy động các nguồn lực cho hoạt động DĐĐT. Tăng cường liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ, ứng dụng khoa học tiên tiến vào sản xuất trên diện tích đất đã dồn đổi. Qua đó góp phần quan trọng trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và nâng cao thu nhập cho người dân, tạo đà cho quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.


Đức Anh (P.V) - Xuân Thiên (Trung tâm VH-TT&TT huyện Yên Thủy)


Các tin khác


Tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025", huyện Lạc Thủy quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn

Chiều 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục