(HBĐT) - Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thời gian qua, huyện Lạc Thủy đã tập trung phát triển các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chất lượng cao mang đặc trưng riêng của từng địa phương. Qua đó mở ra cơ hội để người dân tham gia vào chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị nông sản, phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững.


Sản phẩm thanh long ruột đỏ của HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2020.

Năm 2019, được Hội Nông dân (HND) tỉnh lựa chọn tham gia Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (FFF II), HTX An Sinh, xã An Bình (Lạc Thủy) bắt đầu xây dựng mô hình sản xuất nấm sò trắng. Các thành viên HTX được tập huấn nâng cao năng lực về kỹ năng kinh doanh; hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; tham gia các lớp nghề để xây dựng mô hình nông lâm kết hợp, được tham gia các lớp đào tạo nghề do huyện và HND phối hợp tổ chức.

Chị Đinh Thị Huệ, Giám đốc HTX An Sinh cho biết: Xây dựng sản phẩm OCOP rất cần thiết đối với việc kinh doanh của HTX. Các đối tác liên hệ mua sản phẩm OCOP nhiều hơn, thị trường tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố ngày càng mở rộng. Với chất lượng được khẳng định bởi những phản hồi tích cực từ người tiêu dùng, cùng sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp chính quyền, nấm sò trắng của HTX đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2022. Đây là tiền đề quan trọng giúp sản phẩm của HTX giữ vững thị trường tiêu thụ, đồng thời đảm bảo thu nhập cho các hộ thành viên. 

Sở hữu nhiều sản phẩm OCOP được xem là lợi thế nhưng cũng đặt ra không ít thách thức trong tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, để hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, những năm qua, huyện Lạc Thủy đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; Tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm vào hệ thống lưu thông, phân phối trên cả nước, nhất là sàn thương mại điện tử. Một mặt giúp đưa sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng, mặt khác kích thích sản xuất, tăng trưởng kinh tế khu vực nông thôn.

Đối với nhóm sản phẩm đặc thù địa phương, ngành nông nghiệp huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn tiếp tục rà soát, xây dựng và hỗ trợ chủ thể hoàn thiện thủ tục pháp lý, đổi mới bao bì, mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm để phục vụ du lịch tại địa phương. Bên cạnh đó, hỗ trợ, định hướng quy trình tham gia đánh giá phân hạng OCOP cho các sản phẩm này trên cơ sở điểm mạnh, điểm yếu của từng sản phẩm để có kế hoạch phát triển phù hợp. Các sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm OCOP tiếp tục được hướng dẫn tìm phương án phát triển, nâng cấp chất lượng sản phẩm, phấn đấu nâng hạng cho sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao, từ 4 sao lên 5 sao, hướng tới mục tiêu xuất khẩu.

Riêng nhóm sản phẩm tiềm năng, UBND huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về Chương trình OCOP, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Đồng thời, phân công đơn vị phụ trách phối hợp, hỗ trợ chủ thể về thủ tục, hồ sơ tham gia đánh giá phân hạng OCOP. Đặc biệt, thực hiện chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực quản lý, triển khai thực hiện cho cán bộ phụ trách OCOP huyện, xã và tăng khả năng chủ động tiếp cận chương trình của các chủ thể...

Từ sự hỗ trợ của chính quyền thông qua xây dựng sản phẩm OCOP, đến nay, toàn huyện có 17 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh. Trong đó, có 4 sản phẩm OCOP 4 sao, 13 sản phẩm OCOP 3 sao. Một số sản phẩm đã được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức... Những kết quả đạt được góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, là cơ sở cho sự phát triển kinh tế nông thôn bền vững, góp phần vào thành công của huyện trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM và về đích theo đúng lộ trình.

Đồng chí Ngọ Đình Tâm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lạc Thủy cho biết: Để Chương trình OCOP tạo sức lan tỏa, ngày càng đi vào thực chất, góp phần nâng tầm nông sản, huyện đề ra mục tiêu đến hết năm 2023, nâng cấp, chuẩn hóa và công nhận thêm 4 sản phẩm đạt hạng 3 - 4 sao, tổng kinh phí thực hiện dự kiến 290 triệu đồng. Để thực hiện được kế hoạch đề ra, huyện khuyến khích các doanh nghiệp, HTX đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hàng hóa, dịch vụ và thúc đẩy chế biến, chế biến sâu, liên kết và gắn với vùng nguyên liệu địa phương để hình thành các sản phẩm có giá trị cao, đáp ứng về số lượng, gia tăng về giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn cao và từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ xuất khẩu nhằm nâng tầm giá trị nông sản.


Thu Hằng

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục