(HBĐT)_Theo đánh giá của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh uỷ, thời gian qua, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã được các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, toàn diện và từng bước đi vào cuộc sống. Với tinh thần nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp (DN) và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, sau hơn 2 năm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, có 17 chỉ tiêu dự báo đến năm 2025 đạt và vượt kế hoạch. Tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); công tác cải cách hành chính (CCHC), đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được đẩy mạnh.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước... Đồng thời tích cực chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính Nhà nước và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC) trong thực thi công vụ; ban hành các quy định về thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với CB,CC,VC trên địa bàn tỉnh, qua đó tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động theo hướng "lấy người dân, DN làm trung tâm phục vụ”.
Sự quyết tâm, quyết liệt của tỉnh được phản ánh qua điểm số nâng cao PCI tỉnh Hòa Bình năm 2022 đạt 62,81 điểm, cải thiện 5,64 điểm so với năm 2021; đứng thứ hạng 53 so với cả nước, tăng 9 bậc so với năm trước. Trong 10 chỉ số thành phần, có 7 chỉ số tăng điểm, 7 chỉ số cải thiện thứ hạng. Trong đó, chỉ số cải thiện thứ hạng lớn nhất là Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh tăng tới 32 bậc; Chỉ số tăng điểm lớn nhất là Chi phí không chính thức (tăng 1,24 điểm). Và những tháng gần đây, kết quả đánh giá trên Cổng Dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ "dichvucong. gov.vn”, mục "Kết quả đánh giá chất lượng giải quyết TTHC của bộ, ngành, địa phương”, tỉnh Hòa Bình luôn đạt điểm số cao.
Kết quả đạt được là không thể phủ nhận, song tại nhiều cuộc họp, giao ban chuyên đề của Tỉnh ủy, BTV Tỉnh uỷ và UBND tỉnh đã thẳng thắn đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo về quản lý Nhà nước, CCHC hiệu quả chưa cao. Việc thể chế hóa, xây dựng cơ chế, chính sách một số lĩnh vực còn chậm. Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, CC,VC ở một số ngành, lĩnh vực, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu công việc...
Đánh giá ở góc độ cải thiện Chỉ số PCI còn những hạn chế thể hiện ở người đứng đầu một số sở, ngành, địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ về cải thiện PCI. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn DN về thực hiện TTHC chưa đầy đủ, rõ ràng. Một bộ phận CB,CC,VC thiếu tinh thần trách nhiệm trong giải quyết công việc; yêu cầu chỉnh sửa hồ sơ nhiều lần, làm ảnh hưởng không nhỏ đến gia nhập thị trường, chi phí thời gian và chi phí không chính thức của DN. Công tác quản lý đất đai của tỉnh còn hạn chế, giải quyết các thủ tục và cung cấp thông tin về đất đai còn chậm...
Theo đó, nhằm cải thiện chất lượng công vụ, môi trường đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh, một trong những yêu cầu đầu tiên của Tỉnh ủy, UBND tỉnh là nâng cao nhận thức cho CB,CC,VC về văn hóa công vụ. Chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống; rèn luyện thái độ, hành vi ứng xử của CB,CC theo chuẩn mực quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công vụ của CB,CC, bảo đảm sử dụng hiệu quả giờ làm việc, không gây khó khăn, phiền hà, kéo dài xử lý công việc; kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm cũng như tuyên dương những tập thể, cá nhân có thành tích điển hình.
Đặc biệt, ngày 31/8 vừa qua, BTV Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 913-KL/TU tại Hội nghị giao ban chuyên đề quý II/2023 về "Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm CB,CC,VC, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh”. BTV Tỉnh uỷ yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội, các ngành, địa phương trong thời gian tới cùng nỗ lực, vượt qua khó khăn, thử thách, phát huy tinh thần trách nhiệm, kết quả đạt được, tiếp tục chủ động tham mưu, hiến kế xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên tất cả các lĩnh vực, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương; phát huy tinh thần "7 dám” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới sáng tạo; dám đương đầu với thử thách, khó khăn; dám hành động vì lợi ích chung” vì sự phát triển của tỉnh Hòa Bình.
Bình Giang