Chín tháng năm 2023, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đạt kết quả sản xuất, kinh doanh rất ấn tượng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Hoạt động khai thác dầu khí trên vùng mỏ Bạch Hổ. (Ảnh HUY HÙNG)
Không dừng lại ở thành công, doanh nghiệp tiếp tục đề ra các mục tiêu cao hơn trong những tháng cuối năm, song song với việc kiên định phương châm quản trị bảo đảm sự phát triển và tăng trưởng bền vững.
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trước sự biến động của thị trường, lạm phát tăng cao, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy,... tác động tiêu cực tới hoạt động của các doanh nghiệp, nhưng PVN đã không ngừng đổi mới, triển khai các giải pháp thích ứng thị trường, thúc đẩy hoạt động sản xuất.
Vượt mức chỉ tiêu
Bên cạnh những mặt tích cực, hiện PVN phải đối diện nhiều thách thức liên quan đến vấn đề thị trường và các cơ chế, chính sách cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Trong đó, huy động khí, điện khí rất thấp; nhập khẩu xăng dầu tăng cao; các vướng mắc liên quan tới cơ chế mua khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG); đà suy giảm sản lượng tự nhiên của các mỏ dầu khí sau thời gian dài khai thác ngày càng lớn, trong khi dư địa tăng sản lượng khai thác ngày càng thu hẹp, các dự án mới có cơ hội đầu tư thêm rất hạn chế,... Tuy nhiên, nhờ sự chủ động triển khai các giải pháp ứng phó, bám sát thị trường, PVN và các đơn vị thành viên đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra.
Theo Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng, doanh nghiệp luôn chủ động theo dõi, phân tích biến động giá dầu thô, khí, lọc hóa dầu, phân bón để thực hiện hiệu quả các giải pháp quản trị, điều hành liên thông từ khai thác đến vận chuyển, chế biến; từ tồn kho đến sản xuất và tổ chức kinh doanh.
Do tập trung chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả các hạng mục, đầu việc, đơn vị đã gặt hái được nhiều thành công. Tính đến hết tháng 9, sản lượng khai thác dầu toàn tập đoàn đạt hơn 7,85 triệu tấn, vượt 14,1% kế hoạch, bằng 84,6% kế hoạch năm; sản lượng khai thác khí đạt 5,76 tỷ m3, vượt 11% kế hoạch, bằng 72,1% kế hoạch năm; sản xuất cung ứng điện đạt 17,55 tỷ kWgiờ, vượt 1,2% kế hoạch, bằng 73,1% kế hoạch năm, tăng 45,6% so với cùng kỳ... Tổng doanh thu toàn tập đoàn trong chín tháng năm 2023 đạt 655 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách 105,7 nghìn tỷ đồng, vượt 35% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế đạt 42,5 nghìn tỷ đồng, vượt 22% kế hoạch năm. Công tác tiết kiệm, chống lãng phí đạt 1.521 tỷ đồng.
Chín tháng qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) tích cực hơn so với kế hoạch. Cụ thể, sản lượng sản xuất đạt hơn 5,45 triệu tấn, sản lượng tiêu thụ đạt 5,23 triệu tấn, bằng 97% và 93% kế hoạch năm; doanh thu đạt hơn 109,1 nghìn tỷ đồng, vượt kế hoạch năm 11%; lợi nhuận trước thuế đạt 6.367 tỷ đồng, bằng 3,5 lần kế hoạch năm.
Ðánh giá về hoạt động của doanh nghiệp, Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương khẳng định: Ðơn vị luôn chủ động, linh hoạt trong việc tối ưu hóa cơ cấu sản phẩm và công suất vận hành trên cơ sở cung cầu thị trường; đồng thời, tăng cường công tác điều độ nhập dầu thô, xuất bán sản phẩm và tồn kho hợp lý để giảm thiểu tác động biến động giá cũng như tăng cường kiểm soát, tối ưu các chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục tối ưu hóa trong việc điều chỉnh công suất nhà máy lọc dầu, cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thị trường và giá sản phẩm, phấn đấu đạt mục tiêu được giao. Bên cạnh đó, đơn vị thường xuyên theo dõi, phân tích dự báo biến động thị trường để xây dựng các kịch bản kinh doanh và các giải pháp ứng phó phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đồng thời, đẩy mạnh triển khai công tác marketing, phát triển thị trường, quảng bá các sản phẩm mới gắn với thương hiệu BSR,...
Nâng cao hiệu quả sản xuất
Hơn ba phần tư chặng đường của năm 2023 đã trôi qua. Thời gian còn lại không nhiều đối với những nỗ lực thực hiện kế hoạch năm của doanh nghiệp, nhất là với mục tiêu tăng trưởng đầy thách thức mà PVN đặt ra ngay từ đầu năm khi kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2022 rất cao với nhiều kỷ lục được thiết lập. Do vậy, tập thể những "người đi tìm lửa" phải quyết liệt triển khai các giải pháp để biến áp lực thành động lực tăng trưởng.
Nhìn nhận về vấn đề này, Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh: Việc đặt mục tiêu tăng trưởng không phải vì thành tích, mà là cách để tạo áp lực đổi mới, hoàn thiện cấu trúc, mô hình quản trị, phát huy tối đa nguồn lực, mang lại giá trị gia tăng cao hơn cũng như tạo động lực phát triển và tăng khả năng chống chọi với khủng hoảng.
Những tháng cuối năm, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sẽ đối diện nhiều khó khăn, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tỷ giá, giá dầu và thị trường các sản phẩm xăng dầu bắt đầu có nhiều diễn biến phức tạp, không thuận lợi. Các đơn vị phải tập trung sản xuất, bảo đảm an toàn, nâng cao sản lượng khai thác để bù đắp phần bị suy giảm, thiếu hụt, tích cực công tác phát triển mỏ, sớm đưa các công trình vào khai thác, gia tăng trữ lượng cũng như kiểm soát vận hành, duy trì độ khả dụng, công suất cao của các nhà máy.
Các đơn vị cần tích cực đầu tư, đổi mới mô hình kinh doanh nhằm tận dụng các cơ hội thị trường để tăng doanh thu, đồng thời điều chỉnh cơ cấu các sản phẩm xăng dầu phù hợp với nhu cầu thị trường, cập nhật lại chiến lược cho LNG gồm cả đầu tư và kinh doanh; thúc đẩy mở rộng thị phần phân phối sản phẩm trong khâu hạ nguồn. Ngoài ra, đơn vị cũng tăng cường quản lý vốn, dòng tiền, phân tích, đánh giá chất lượng doanh thu, lợi nhuận và kiểm soát các rủi ro tài chính, đặc biệt là biến động tỷ giá; tập trung thúc đẩy giải quyết, hoàn thiện các cơ chế chính sách tạo điều kiện, cũng như hạn chế các rủi ro trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư.
Trước những biến động của thị trường cuối năm, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN Hoàng Quốc Vượng đã yêu cầu lãnh đạo các đơn vị chỉ đạo sát sao việc thực hiện các mục tiêu, kế hoạch để tận dụng cơ hội thị trường, hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao trong năm 2023, đặc biệt, triển khai các giải pháp, phấn đấu đạt mục tiêu kế hoạch sản lượng khai thác không thấp hơn so với năm 2022. Bên cạnh đó, khẩn trương thực hiện, triển khai các dự án trọng điểm như chuỗi dự án khí-điện Lô B, dự án nhà máy nhiệt điện Long Phú 1; hoàn thành quyết toán các dự án sử dụng quỹ tìm kiếm thăm dò trong năm 2023; công tác triển khai các dự án đầu tư ở nước ngoài,...
Theo Báo Nhân Dân
Thiếu vốn và hoạt động kinh doanh gặp khó khiến các doanh nghiệp chọn tập trung đàm phán kéo dài thời gian, thay vì mua lại trái phiếu đến hạn.
(HBĐT) - Ngày 11/10 đã diễn ra Hội thảo xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch (ĐT,TM&DL) tỉnh Hòa Bình tại Vương quốc Anh. Hội thảo là sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại của tỉnh Hòa Bình thuộc Chương trình Quảng bá địa phương Việt Nam tại Vương quốc Anh. Dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Hoàng Long, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tại Vương quốc Anh, Hội Doanh nghiệp (DN) và Doanh nhân Việt Nam tại Vương quốc Anh (VBUK) và đông đảo nhà đầu tư, DN Anh.
Bước vào quý IV, các đơn đặt hàng nông sản xuất khẩu đã có dấu hiệu quay trở lại, nên tình hình sản xuất cũng nhộn nhịp, tất bật hơn.
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các doanh nghiệp đang đối diện với những thách thức to lớn khi trong chín tháng năm 2023, có 165.240 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 1,2% so với cùng kỳ.
Tổ công tác số 5 do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Tổ trưởng vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại 8 địa phương Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai, Đắk Nông, Ninh Thuận.