(HBĐT) - Từng được kỳ vọng là loại cây giúp đồng bào dân tộc Mông 2 xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) từng bước xóa nghèo nhưng trong 30 năm bám rễ ở vùng đất này, có thời điểm tưởng chừng như cây mận hậu phải chặt bỏ để nhường cho loại cây khác. Song hiện nay, cây mận đang khẳng định được vị thế, từng bước trở thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng nơi đây.


Niên vụ năm 2023, nhiều gia đình ở xóm Hang Kia 1, xã Hang Kia (Mai Châu) thu hàng chục triệu đồng từ quả mận hậu.

"Cây đổi đời” và những bước thăng, trầm

Chỉ tay về phía vườn mận tuổi đời vừa tròn 30 năm với thân, gốc xù xì rêu phủ, anh Hờ A Sự ở xóm Thung Mặn, xã Hang Kia nói: vườn mận hơn 20 cây này là ông nội trồng từ năm 1993 do Ban Định canh - Định cư tỉnh khi đó hỗ trợ. Có thời điểm, tưởng chừng gia đình phải chặt bỏ vì giá trị thấp, đến mùa quả chín không bán được.

Đối với ông Sùng A Sa, vào những năm 1990 khi đó còn là cán bộ xã Pà Cò đã vận động gia đình "làm gương” cho dân bản khi nhận gần 100 cây mận hậu về trồng trên nương và trong vườn nhà. Cây mận càng lớn, càng sai quả thì lòng ông càng trĩu nặng. Bởi khi ấy, đường đến Hang Kia, Pà Cò vô cùng trắc trở. Những khó khăn đó, người dân đã cố gắng khắc phục nhưng những nỗ lực gần như "đổ sông, đổ biển” khi quả mận không có người mua, nếu có thì giá cũng rẻ như cho. "Khi ấy, nhìn thành quả lao động của mình và bà con dân bản mà rưng rưng nước mắt. Nếu sản phẩm nông nghiệp khác không bán được có thể để dành hoặc sử dụng trong gia đình, chăn nuôi. Nhưng mận không bán được thì chỉ có đổ bỏ” - ông Sùng A Sa nhớ lại.

Vào những năm 1995 - 2000, ở xã Hang Kia, Pà Cò có khoảng gần 300 ha cây mận hậu, trong đó xã Pà Cò khoảng 200 ha. Tuy nhiên, do nhiều thăng trầm, biến động thị trường, có thời điểm người dân ở 2 xã đã ồ ạt chặt phá bỏ cây mận để trồng các loại cây khác. Do vậy, tính đến thời điểm tháng 9/2023 trên địa bàn 2 xã chỉ còn khoảng 64 ha (xã Pà Cò 28 ha, xã Hang Kia 36 ha). Toàn bộ diện tích cây mận hậu đều là số cây được trồng từ cách đây 30 năm.

Từng bước đưa cây mận trở thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng

Sau những thăng trầm, đến nay "cây đổi đời” đang được đặt về đúng giá trị cũng như sự kỳ vọng. Theo Chủ tịch UBND xã Pà Cò Sùng A Sía, niên vụ năm 2023 có nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã thu được hàng chục triệu đồng từ cây mận hậu. Đây là điều mà trước đây chúng tôi chẳng dám nghĩ đến.

Chị Sùng Y Lan ở xóm Chà Đáy, xã Pà Cò chia sẻ: "Năm nay, mận được mùa, được giá. Quả vừa to mọng, vừa thơm, ngọt. Mận chín đến đâu có người đến tận vườn để thu mua hết. Giá từ đầu đầu vụ đến cuối vụ đều từ 25.000 - 30.000 đồng/kg tại vườn. Thậm chí ở thời điểm cuối vụ, giá còn lên tới 40.000 đồng/kg. Tính ra, vụ mận này chị thu hơn 20 triệu đồng". Cũng giống như chị Sùng Y Lan, năm nay vườn mận cũng đã mang lại cho gia đình anh Hờ A Sự ở xóm Thung Mặn gần 30 triệu đồng.

Đồng chí Sùng A Páo, Phó Chủ tịch UBND xã Hang Kia cho biết: Vài năm gần đây, mận được giá, tư thương đến mua tận vườn nên người dân phấn khởi. Cứ sau mỗi vụ thu hoạch thấy bà con sửa chữa nhà, mua tivi, tủ lạnh, xe máy mới chúng tôi cũng vui lây. Cây mận giờ đã trở thành loại cây mang lại nguồn thu cho người dân.

Điều đáng mừng là cùng với nhiều sản phẩm hàng hóa nông nghiệp của tỉnh, của huyện Mai Châu, đến nay người tiêu dùng biết đến sản phẩm quả mận Hang Kia, Pà Cò nhiều hơn. Theo đồng chí Ngần Văn Toàn, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Mai Châu: Cây mận hậu được trồng ở xã Hang Kia, Pà Cò đặc tính dễ trồng, ít sâu bệnh, chịu được thời tiết khắc nghiệt và có thời gian sinh trưởng lâu. Đây là loại cây không tốn nhiều công chăm sóc. Trong khi chờ cây cho thu quả, người dân có thể trồng những cây ngắn ngày như ngô, dong riềng xen dưới tán. Mận thường chín rộ vào trung tuần tháng 6, tháng 7 hằng năm; giá bán dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/kg. Đặc biệt, vào thời điểm đầu hoặc cuối vụ, giá có thể lên tới 40.000 đồng/kg.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, với 64 ha hiện có, năng suất bình quân 36,9 tạ/ha, mỗi năm 2 xã Hang Kia, Pà Cò có thể đạt sản lượng và cung cấp cho thị trường khoảng trên 230 tấn quả. Từ đó, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ dân. Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển cây mận hậu ở Hang Kia, Pà Cò cũng đang đứng trước nhiều khó khăn như: diện tích giảm, phải cạnh tranh với nhiều loại cây ăn quả khác; chưa có chứng nhận chất lượng, nhãn mác; kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh của đa số người dân chưa đáp ứng yêu cầu; đầu ra không ổn định...

Xuất phát từ thực tế đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Mai Châu và UBND xã Hang Kia, Pà Cò mới đây, Sở NN&PTNT đã phối hợp với UBND huyện họp bàn giải pháp khôi phục, phát triển vùng sản xuất cây mận hậu tại 2 xã. Trong đó, để thực hiện mục tiêu đưa quả mận trở thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng, Sở NN&PTN giao cho các đơn vị chức năng kết nối, hỗ trợ, khôi phục phát triển, phục tráng cây mận. Xây dựng mô hình canh các mận hậu đạt tiêu chuẩn chất lượng, hướng đến xuất khẩu. Sớm đưa loại cây trồng này trở thành cây trồng chủ lực, sản phầm hàng hóa đặc trưng và có thể kết hợp để phát triển mạnh mẽ hơn nữa du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. 


Mạnh Hùng

Các tin khác


Tạo động lực tăng trưởng dầu khí

Chín tháng năm 2023, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đạt kết quả sản xuất, kinh doanh rất ấn tượng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Xã Tây Phong: Nông dân nuôi kiến vàng trừ sâu giảm chi phí đầu tư

(HBĐT) - Sâu bệnh là nỗi ám ảnh của người nông dân khi chăm sóc cây trồng. Một số hộ dân ở xã Tây Phong (Cao Phong) đã tìm ra cách nuôi kiến vàng diệt trừ sâu hại, không chỉ giảm tác hại đến môi trường mà còn giảm chi phí đầu tư hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Tiềm năng, vị thế của thị xã Lương Sơn tương lai

(HBĐT) - LTS: Kế thừa, phát huy truyền thống quê hương anh hùng và khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Lương Sơn đã ra sức thi đua lao động, sản xuất, tiến tới đưa Lương Sơn trở thành thị xã vào năm 2025. Phóng viên Báo Hoà Bình đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Văn Danh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn về vấn đề này.

Chung tay đưa sản phẩm thủy sản vươn xa

(HBĐT)-Tỉnh Hòa Bình được thiên nhiên ưu đãi, có hệ thống sông, hồ khá lớn. Đặc biệt là hồ Hoà Bình không chỉ có cảnh quan kỳ vĩ, thơ mộng để phát triển du lịch, mà còn là tiềm năng, thế mạnh cho nuôi trồng thủy sản và phát triển nguồn lợi cho khai thác tự nhiên.

Khẳng định vai trò, chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hội viên và cộng đồng doanh nghiệp

(HBĐT) - Năm 1945, những ngày đầu nước nhà giành được độc lập, đất nước ta trong bối cảnh muôn vàn khó khăn, thử thách, thù trong giặc ngoài, sự ra đời của "Quỹ Độc lập”, "Tuần lễ Vàng” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt thành của giới công thương.

50 doanh nghiệp xin lùi ngày đáo hạn cho hơn 95.000 tỷ đồng trái phiếu

Thiếu vốn và hoạt động kinh doanh gặp khó khiến các doanh nghiệp chọn tập trung đàm phán kéo dài thời gian, thay vì mua lại trái phiếu đến hạn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục