Giáp Tết, ở khắp các vườn cam tại huyện Cao Phong không khí nhộn nhịp hơn ngày thường không chỉ bởi tư thương đến thu mua mà các nhà vườn còn rộng cửa đón khách đến tham quan, trải nghiệm, thưởng thức và mua cam. Tiếng cười giòn tan như xua đi giá lạnh, hứa hẹn một mùa Xuân đủ đầy. Với sức sống căng tràn, mùa Xuân trên quê hương Mường Thàng được "vẽ” nên bởi nhiều gam màu tươi sáng hơn.



Chị Đàm Thị Thanh Huyền, du khách đến từ tỉnh Nam Định thích thú với hoạt động tham quan, trải nghiệm và cắt cam Cao Phong tại vườn.

Gia đình anh Nguyễn Nam Hùng, chủ nhà vườn Hùng Mai, xóm Bắc Sơn, xã Bắc Phong có 4 vườn với gần 2 ha trồng cam, trong đó, cam Canh chiếm khoảng 75% diện tích. Vào chính vụ cam Cao Phong, gia đình anh mở thêm dịch vụ đón khách tham quan, trải nghiệm và bán cam tại vườn. Từ đầu vụ đến nay, vườn cam của gia đình anh đã đón hơn 20 đoàn, tiêu thụ gần 6 tấn quả. Anh Hùng chia sẻ: Là người đam mê công nghệ, tôi thường đăng clip, ảnh vườn cam lên các trang mạng xã hội. Để "hút” khách, năm 2018, tôi đã cải tạo 1 vườn cam và thiết kế kiểu nhà vườn, vừa là vườn cam, vừa có nhà ở và các công trình phụ trợ. Thiết kế cũng không cần quá cầu kỳ, bởi phần đa khách chỉ cần có chỗ nấu nướng và ngả lưng buổi trưa để buổi chiều tiếp tục "hành trình” cắt cam. Từ thông tin được đăng tải trên mạng xã hội, nhiều khách ở khá xa cũng đã kết nối để đến tận vườn tham quan, trải nghiệm và mua cam. Đầu tháng 1 vừa qua, vườn cam của gia đình tôi đón đoàn khách đến từ tỉnh Tây Ninh. Họ rất thích việc được tự tay lựa chọn những quả cam ưng ý để cắt về làm quà. Tất nhiên, khi tham gia dịch vụ tham quan, trải nghiệm và mua cam tại vườn, giá sẽ đắt hơn một chút so với cam bán ngoài thị trường.

Chị Đàm Thị Thanh Huyền, một khách mua cam Cao Phong quen thuộc của anh Hùng chia sẻ: Tôi ở thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh (Nam Định). Những năm trước, tôi có kết nối và mua cam trên này. Chủ vườn gửi cam qua xe ô tô khách về xuôi để tôi bán kiếm lời. Năm nay, nhà tôi cùng mấy gia đình đồng nghiệp quyết định lên Cao Phong để trải nghiệm cuộc sống của những người trồng cam và cũng là mua cam về tiêu thụ. Được khoác lên mình bộ quần áo lao động, cầm kéo cắt cam mặc dù còn khá lóng ngóng nhưng chúng tôi rất thích. Cảm giác này khác hoàn toàn khi chờ nhận cam được gửi về. Lên đây, chúng tôi mới biết, cam Cao Phong rất an toàn. Vợ chồng chủ vườn dẫn chúng tôi tham quan, tự tay cắt cam từ trên cây, bổ và ăn cùng chúng tôi.

Trên địa bàn huyện Cao Phong hiện có trên dưới 10 nhà vườn đưa vào dịch vụ tham quan, trải nghiệm và mua cam tại vườn. Nhà vườn Thủy Nga là một trong những nhà vườn đầu tiên triển khai dịch vụ tham quan từ năm 2016. Chị Đào Thị Quỳnh Nga, chủ vườn cam Thủy Nga, khu 4, thị trấn Cao Phong chia sẻ: Khi khách đến tham quan, chúng tôi không thu bất cứ chi phí nào mà du khách sẽ được phục vụ ăn thử cam tại vườn. Qua đó, chúng tôi cũng muốn du khách biết được quy trình sản xuất cam Cao Phong an toàn như thế nào. Gia đình tôi cũng vinh dự nhiều lần được đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm.

Đồng chí Bùi Văn Dán, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cao Phong đánh giá: Năm 2023, thời tiết tại địa phương tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây cam. Giá cả và thị trường tiêu thụ tương đối ổn định. Hiện, toàn huyện duy trì trên 1.740 ha cây ăn quả có múi, trong đó, diện tích cam gần 1.360 ha, sản lượng niên vụ 2023 - 2024 ước đạt 20.000 tấn. Theo ghi nhận, cam Cao Phong năm nay giá có phần nhỉnh hơn so với vài năm trước.

Cùng với nhân rộng mô hình sản xuất cam sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, các nhà vườn trên địa bàn huyện đã và đang đưa vào dịch vụ đón khách tham quan, trải nghiệm và bán cam tại vườn. Khi đó, du khách sẽ nắm được quy trình chăm sóc cam bằng các chế phẩm sinh học, không gây hại đối với sức khỏe con người, thân thiện với môi trường và an toàn với người tiêu dùng. Đồng thời, đem đến cho du khách cảm nhận thú vị đó là hình thức sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch miệt vườn thường nở rộ vào dịp cuối năm. Tham gia dịch vụ tham quan, trải nghiệm và mua cam tại vườn, giá cam sẽ nhích lên vài giá ở mức khách có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, hình thức này không phổ biến vì lượng cam Cao Phong chủ yếu được tiêu thụ thông qua bán buôn cho tư thương. Lượng tiêu thụ qua kênh này chủ yếu là để quảng bá thương hiệu cam Cao Phong.


Minh Tuấn

Các tin khác


Ấp ủ xây dựng thương hiệu “lợn rừng Hòa Bình”

Ấp ủ xây dựng trang trại với những sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương, gia đình anh Bùi Thanh Minh ở xóm Trung Hoa, xã Phú Lai (Yên Thủy) thành công với mô hình chăn nuôi lợn rừng. Việc xây dựng thương hiệu "lợn rừng Hòa Bình” trên các trang mạng xã hội Facebook, TikTok, Youtube… đã giúp sản phẩm vươn xa, khẳng định chất lượng ở thị trường trong tỉnh và các địa phương lân cận.

Tháng 1, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt hơn 1.280 tỷ đồng

Trong tháng 1/2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tỉnh tăng 0,12% so với tháng trước, tăng 1,97% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Xuất nhập khẩu có tín hiệu khởi sắc, thu ngân sách tăng 13,24%

Theo Tổng cục Hải quan, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) từ hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) tháng 1/2024 đạt 30.648 tỷ đồng, bằng 8,17% dự toán, tăng 13,24% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm cung ứng đủ nông sản

Tết nguyên đán là thời điểm "vàng” để các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và người nông dân đẩy mạnh sản xuất, cung ứng nông sản ra thị trường với chất lượng cao, giá cả hợp lý.

Cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh

Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh đã ký ban hành Kế hoạch số 11/KH-UBND về việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD), nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Hòa Bình năm 2024.

Dồi dào thị trường cây cảnh, hoa tươi trưng Tết

Tết Nguyên đán Giáp Thìn cận kề, không khí sắm Tết của người dân sôi động. Thị trường hoa, cây cảnh năm nay khá đa dạng, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục