Sáng 15/6, kết luận Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tái cấu trúc về tổ chức, quản trị, tài chính, nguyên liệu đầu vào tại các doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển hạ tầng, tăng cầu vật liệu xây dựng và phát triển ngành vật liệu xây dựng bền vững.
Đóng góp 11% GDP quốc gia, song đang gặp khó khăn
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Theo Bộ Xây dựng, trong 10 năm gần đây, tổng năng lực sản xuất các vật liệu xây dựng chủ lực của Việt Nam đã tăng trưởng đạt khoảng 120 triệu tấn xi măng, 830 triệu m² gạch ốp lát, 26 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, 330 triệu m² kính xây dựng, 20 tỷ viên gạch đất sét nung, 12 tỷ viên gạch không nung (quy tiêu chuẩn).
Chất lượng vật liệu xây dựng Việt Nam đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Trình độ công nghệ, tổ chức sản xuất, kinh doanh, môi trường của ngành công nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam đứng tốp đầu trong các nước ASEAN. Tổng giá trị doanh thu hàng năm của ngành vật liệu xây dựng, xi măng, sắt thép ước đạt gần 47 tỷ USD (chiếm khoảng 11 % GDP quốc gia).
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngành vật liệu xây dựng nước ta gặp nhiều khó khăn, sản lượng tiêu thụ và doanh thu đều giảm sút, dẫn đến đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, mất việc làm của nhiều người lao động, tác động đến phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; các tỉnh, thành phố; các các hiệp hội, doanh nghiệp tập trung đánh giá, phân tích kỹ lưỡng tình hình sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng thời gian qua; làm rõ nguyên nhân tình hình tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng từ năm 2023 đến nay lại sụt giảm lớn; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng.
Các đại biểu cho rằng ngành xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng gặp khó khăn do giá đầu vào sản xuất tăng, nguyên liệu sản xuất khan hiếm và chịu sức ép về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, phải đầu tư xử lý khí thải, giảm thiểu CO2 làm tăng chi phí sản xuất, trong khi chính sách hỗ trợ chưa có. Đặc biệt, các đại biểu cho rằng, nguyên nhân chính vẫn là do sức tiêu thụ trong nước, cũng như xuất khẩu suy giảm…
Trên cơ sở phân tích, các đại biểu đề nghị đẩy mạnh đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn, các công trình quốc phòng, an ninh, công trình biển và hải đảo phục vụ phát triển kinh tế biển; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhà ở; triển khai mạnh mẽ Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội; xây dựng cầu cạn bê tông cốt thép đối với các dự án đường bộ cao tốc, đặc biệt là ở những vùng có yêu cầu thoát lũ, vùng đất yếu và những vùng thiếu vật liệu đắp nền; tăng cường sử dụng công nghệ gia cố đất bằng xi măng trong xây dựng đường bộ; có cơ chế, chính sách phù hợp về thuế, phí; ưu đãi về tài chính… hỗ trợ ngành xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng; các doanh nghiệp cần chủ động có kế hoạch sản xuất, kinh doanh; kiểm soát nhập khẩu, thúc đẩy xuất khẩu...
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và chúc mừng những kết quả đáng ghi nhận của ngành xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng đã đạt được thời gian qua, nhất là Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan đầu mối thực hiện Chiến lược phát triển xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng của Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân trong sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng như chi phí nhiên liệu, nguồn cung nguyên liệu phục vụ sản xuất, sức ép bảo vệ môi trường, cơ chế chính sách, về thị trường, tình hình tài chính… Để ngành xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng phát triển bền vững, phát huy hiệu quả và đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm mục tiêu tăng trưởng năm 2024, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành địa phương và các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cũng như thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, các dự án hạ tầng; đề án đầu tư 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội…
Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu dự hội nghị về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm phát triển ngành xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng phải bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy hiệu quả thực tiễn làm thước đo; kịp thời phản ứng chính sách các vấn đề nổi lên, các khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển; tổ chức thực hiện phải quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó.
Phát triển ngành vật liệu xây dựng phải đảm bảo hiệu quả, bền vững, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước, tăng cường xuất khẩu; tiếp cận và ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, quản lý nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất; nâng cao chất lượng sản phẩm; đa dạng hóa các chủng loại sản phẩm chất lượng cao, có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu xây dựng.
Cùng với đó, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu trong sản xuất; khai thác sử dụng tiết kiệm khoáng sản; sử dụng tối đa các chất thải, phế thải của các ngành cho quá trình sản xuất; hạn chế tối đa ảnh hưởng tới môi trường; phát huy, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng; phân bổ mạng lưới cơ sở sản xuất trên toàn quốc phù hợp với điều kiện về tự nhiên, xã hội của từng vùng miền.
Thúc đẩy phát triển hạ tầng, tăng cầu vật liệu xây dựng
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội rà soát lại cơ chế, chính sách về phát triển ngành xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng; chủ động sáng tạo, phản ứng nhanh với tình hình; theo dõi sát, tăng cường năng lực dự báo các yếu tố tác động trong và ngoài nước để có các phương án chủ động ứng phó một cách kịp thời nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng ổn định sản xuất và mở rộng thị trường.
Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn, các công trình quốc phòng, an ninh; công trình biển và hải đảo phục vụ phát triển kinh tế biển; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhà ở; thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; tăng cường triển khai Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp và các chương trình, dự án xây dựng nhà ở khác.
Thủ tướng chỉ đạo tăng tỷ lệ lựa chọn phương án sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép đối với các dự án đường bộ cao tốc, đặc biệt là ở những vùng có yêu cầu thoát lũ, vùng đất yếu và những vùng thiếu vật liệu đắp nền đường như vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tăng cường sử dụng công nghệ gia cố đất bằng xi măng trong xây dựng đường bộ để nâng cao chất lượng, tuổi thọ đường, đồng thời sử dụng nguồn xi măng trong nước; tăng cường sử dụng đường bê tông xi măng cho xây dựng đường nông thôn, miền núi và đường tại những vùng thường xuyên ngập lụt; giảm nhập khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trong nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Đối với doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tái cấu trúc về tổ chức, quản trị, tài chính, nguyên liệu đầu vào; đầu tư nâng cấp, cải tạo chiều sâu đối với công nghệ, thiết bị của các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng hiện có để tiết giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; đầu tư các hệ thống phát điện tận dụng nhiệt dư trong sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng, đặc biệt là trong các nhà máy sản xuất clanhke và xi măng, để sử dụng cho sản xuất, tiết giảm chi phí điện năng.
Các doanh nghiệp cần đầu tư sử dụng rác thải để thay thế nhiên liệu đốt, sử dụng phế thải công nghiệp để thay thế nguyên liệu tài nguyên thiên nhiên để giảm chi phí nguyên, nhiên liệu trong sản xuất, hạ giá thành sản phẩm; đầu tư các trạm nghiền xi măng tại các vùng thuận tiện về giao thông, cảng biển, có nguồn khoáng sản phụ gia làm xi măng, có nguồn phát thải tro, xỉ, thạch cao…
Các doanh nghiệp tăng cường tiêu thụ vật liệu xây dựng trong nước thông qua triển khai tại các dự án lớn, dự án đầu tư công, công trình xây dựng thủy lợi, phòng, chống thiên tai,… cũng như các hộ dân xây dựng, sửa chữa nhà ở đô thị và nông thôn; rà soát lại hệ thống đại lý bán hàng; cắt giảm các bộ phận, các khâu trung gian từ nhà máy sản xuất tới khách hàng tiêu thụ sản phẩm; rà soát tiết giảm các chi phí bán hàng phù hợp; tìm kiếm, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm vật liệu xây dựng với nhiều nước trên thế giới.
"Các doanh nghiệp vật liệu xây dựng, đặc biệt là xi măng, không hạ giá bán dưới giá thành sản phẩm và đảm bảo cạnh tranh lành mạnh”, Thủ tướng lưu ý.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các doanh nghiệp cơ cấu lại nguồn vốn, tiết giảm chi phí để đảm bảo dòng tiền trả nợ ngân hàng và chi phí nguyên, nhiên liệu đầu vào, nhân công và các chi phí khác trong sản xuất; không sử dụng các nguồn vốn ngắn hạn để đầu tư vào danh mục đầu tư trung và dài hạn; chủ động trao đổi với các ngân hàng để khoanh, giãn nợ và có kế hoạch, lộ trình trả nợ để đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; sử dụng các nguồn vốn để thanh toán các khoản vay cũ lãi suất cao và vay các khoản vay mới lãi suất thấp để tiết giảm chi phí tài chính.
Để tháo gỡ các khó khăn về thể chế cho ngành xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng, Thủ tướng Chính giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát, đánh giá, sửa đổi các quy định về khoanh nợ, giãn nợ, hạ lãi suất ngân hàng đối với các khoản nợ của các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng cho phù hợp với năng lực thực hiện nghĩa vụ tài chính hiện nay.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng xây dựng, ban hành chính sách ưu đãi cụ thể đối với các nhà máy sản xuất xi măng và các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng khác khi sử dụng các loại nhiên liệu thay thế từ rác thải và sử dụng các nguyên liệu thay thế là phế thải của các ngành công nghiệp như tro xỉ, thạch cao nhân tạo,… trong sản xuất xi măng; quy định chặt chẽ trách nhiệm của chủ nguồn thải về chi trả chi phí vận chuyển và xử lý rác thải, tro xỉ, thạch cao,… để làm nhiên liệu, nguyên liệu trong sản xuất xi măng và sản xuất vật liệu xây dựng khác.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh chính sách thuế để đảm bảo tính cạnh tranh với các nước cùng xuất khẩu, đồng thời phù hợp với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) về việc không đánh thuế xuất khẩu hàng hóa với các nước ký Hiệp định.
Giao Bộ Xây dựng nghiên cứu đề xuất thiết lập lại Quy hoạch lĩnh vực xi măng để bổ sung vào Luật Quy hoạch (sửa đổi) trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng nghiên cứu thực hiện biện pháp về phòng vệ thương mại, chống bán phá giá đối với các sản phẩm gạch ốp lát, sứ vệ sinh và kính xây dựng nhập khẩu, đảm bảo phù hợp với những quy định trong tự do thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư sử dụng giải pháp cầu cạn bê tông cốt thép đối với các dự án đường bộ cao tốc, đặc biệt là ở những vùng có yêu cầu thoát lũ, vùng đất yếu và những vùng thiếu vật liệu đắp nền đường như vùng Đồng bằng sông Cửu Long, để giảm thiểu lượng cát đắp nền, đảm bảo tiến độ xây dựng với chất lượng tốt, tuổi thọ cao, giảm chi phí bảo trì theo thời gian, giảm tác động môi trường sinh thái, đồng thời cũng là giải pháp "kép” hữu hiệu để tiêu thụ nguồn xi măng trong nước.
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương, các doanh nghiệp xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng và các chủ thể có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình tập trung triển khai các các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để xử lý, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng trong năm 2024 và để phát triển ngành xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng trong thời gian tới.
Theo TTXVN
Cước phí vận tải tăng cao; các vụ kiện phòng vệ thương mại và thẻ vàng IUU là những khó khăn đang tác động mạnh đến doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.
Nhằm đảm bảo lịch sản xuất theo khung thời vụ, huyện Yên Thủy chỉ đạo, hướng dẫn nông dân tập trung nhân lực, máy móc đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa và các loại cây trồng vụ xuân, tích cực chuẩn bị các điều kiện cho sản xuất vụ hè thu, vụ mùa năm 2024.
Liên quan đến việc xây dựng chính sách mua bán điện trực tiếp, Phó Thủ tướng yêu cầu cần quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với chính sách này...
Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về cung ứng các sản phẩm gia vị với kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,5 tỷ USD mỗi năm. Gia vị của Việt Nam hiện đã được xuất khẩu đi hơn 125 quốc gia, chiếm lĩnh nhiều thị trường quan trọng. Đây là ngành có tỷ lệ 95% hàng hóa xuất khẩu cho nên cần tập trung đầu tư chế biến sâu và xúc tiến thương mại để nâng cao giá trị gia tăng.
Để ngăn chặn mục đích đầu cơ, thao túng giá vàng miếng, các chuyên gia kinh tế đề xuất đánh thuế với giao dịch vàng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc đánh thuế giao dịch vàng sẽ làm tăng thêm gánh nặng cho người mua vàng và tăng thêm mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới.
Chiều 12/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương bàn về dự thảo Nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), quyền sử dụng tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai. Dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh có đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố.