Chiều 4/7, đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình năm 2024. Dự hội nghị có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố.

 

Đại diện các doanh nghiệp nêu kiến nghị tại hội nghị đối thoại.


Tại hội nghị đối thoại, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh ra mắt cơ sở dữ liệu bản đồ số về xúc tiến đầu tư.

Khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định: Trong năm qua, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các HTX trên địa bàn tỉnh đã đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh Hòa Bình, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Với mục tiêu đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, HTX để cùng phát triển, UBND tỉnh Hòa Bình mong muốn tiếp tục gặp mặt, đối thoại để kịp thời nắm bắt thông tin, giải quyết các vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư, HTX. Tỉnh Hòa Bình luôn chia sẻ, đồng thuận, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, HTX để tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thực sự thông thoáng, cởi mở, công khai, minh bạch; tạo khí thế mới, động lực mới và cơ hội thuận lợi để cùng phát triển.

Tại hội nghị đối thoại, các doanh nghiệp đánh giá cao những nỗ lực của UBND tỉnh, các sở, ngành trong việc giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp. Theo đó, UBND tỉnh và các sở, ngành đã giải quyết 30 nhóm kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư tại hội nghị đối thoại ngày 5/10/2023; 13 kiến nghị tại hội nghị đối thoại ngày 24/11/2023 của các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và 7 nhóm kiến nghị của các nhà đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2024.

Đại diện các doanh nghiệp nêu một số kiến nghị cần giải quyết liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, giải quyết thủ tục về đất đai, thủ tục xây dựng nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án. Ngoài ra, các đại biểu nêu rõ công tác giải phóng mặt bằng của tỉnh rất chậm, ảnh hưởng nhiều đến tiến độ dự án và xuất hiện tình trạng tái lấn chiếm mặt bằng sau khi được giải phóng, gây khó khăn cho doanh nghiệp thi công. Vấn đề đất đắp thiếu hụt và giá vật liệu xây dựng chênh lệch rất lớn giữa quy định của cơ quan chức năng với giá thực tế trên thị trường là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm tiến độ triển khai các dự án. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn UBND tỉnh sớm chỉ đạo giải quyết dứt điểm việc thực hiện rà soát quy hoạch theo Thông báo số 8448/TB-VPUBND về việc rà soát các đồ án quy hoạch được duyệt từ tháng 3/2019. Thực hiện Thông báo số 8448/TB-VPUBND, nhiều doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động gần 9 tháng, thực trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ dự án và hoạt động của doanh nghiệp.

Đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng kiến nghị tỉnh có cơ chế, chính sách ưu đãi đối với ngành du lịch; hỗ trợ các HTX sơ chế, chế biến sản phẩm nông nghiệp, mây tre đan, thủ công mỹ nghệ; hỗ trợ thẩm định, đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP đối với sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ kinh phí cấp mã số vùng trồng cho nông sản.

Tại hội nghị, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh đã ra mắt cơ sở dữ liệu bản đồ số về xúc tiến đầu tư tại địa chỉ https://xuctiendautu.hoabinh.gov.vn. Đây là hệ thống tích hợp dữ liệu cung cấp đầy đủ thông tin liên quan về hiện trạng, môi trường đầu tư, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; về các loại hình quy hoạch, kế hoạch, chiến lược, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KT - XH của tỉnh Hòa Bình.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá cuộc đối thoại diễn ra trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở. Đồng chí đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư, HTX tiếp tục nghiên cứu các văn bản, báo cáo giải trình của UBND tỉnh, các sở, ngành, phản hồi lại để UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết một cách triệt để.
Đối với kiến nghị của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành công văn nêu rõ lãnh đạo các ngành, địa phương chịu trách nhiệm trước lãnh đạo tỉnh về công tác giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công. Đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành phối hợp cùng địa phương triển khai thi công sớm đối với các dự án đã có mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đề nghị lãnh đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, đồng hành với doanh nghiệp, tháo gỡ, giúp đỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, báo cáo UBND tỉnh để có phương án tháo gỡ.


Đ.H

Các tin khác


Phụ nữ xã Văn Sơn tích cực giảm nghèo

Cuối năm 2022, từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội do Hội LHPN xã Văn Sơn (Lạc Sơn) nhận ủy thác, chị Bùi Thị Thâm, hộ hội viên nghèo ở xóm Ráy được vay 30 triệu đồng đầu tư mô hình nuôi vịt cổ xanh. Quá trình tổ chức lại sản xuất, chị được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia cầm. Ngoài ra chị kết hợp trồng rừng và mở cửa hàng tạp hóa nhỏ. Cuộc sống gia đình chị Thâm từ đó dần ổn định. Kết quả rà soát các tiêu chí năm 2023, gia đình chị đủ điều kiện ra khỏi hộ nghèo.

Thêm một vụ sản xuất thắng lợi

Vụ đông xuân 2023 - 2024, công tác chỉ đạo mùa vụ, chuẩn bị vật tư sản xuất được thực hiện sớm. Vì vậy, dù trong vụ gặp khó khăn về thời tiết, khí hậu và tác động bất lợi của thị trường, nhưng các chỉ tiêu vẫn cơ bản đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Nông dân các địa phương trong tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ "thu chiêm” để "làm mùa” theo đúng khung thời vụ.

Giảm thiểu tác động tăng giá hàng hóa từ việc tăng lương cơ sở

Nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, phát triển thị trường trong nước từ nay đến cuối năm, Tổng cục Thống kê đề xuất Chính phủ triển khai các chính sách giảm thiểu tác động tăng giá hàng hóa từ việc tăng lương cơ sở áp dụng từ ngày 1/7/2024.

Thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn

Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP được áp dụng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, bảo đảm sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng. Đồng thời góp phần bảo vệ môi trường và truy xuất nguồn gốc, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất nông, lâm, thủy sản an toàn tại các địa phương trong tỉnh.

Quy hoạch vùng ĐBSCL từng bước thay đổi tư duy về an ninh lương thực

Phát biểu tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức chiều 1/7, tại Cà Mau, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long được ban hành sớm nhất so các vùng trên cả nước; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng tại Quyết định số 816/QĐ-TTg ngày 7/7/2023, đây là cơ sở để các bộ, ngành, địa phương triển khai các chương trình, dự án quan trọng của vùng trong thời kỳ quy hoạch.

Dư luận quan tâm chính sách giảm thuế; tăng lương và xác thực sinh trắc học áp dụng từ ngày 1/7

Dư luận đang rất quan tâm về một số chính sách, quy định có hiệu lực từ hôm nay (ngày 1/7) như: Chuyển tiền giá trị lớn phải xác thực khuôn mặt; một số nhóm hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) xuống còn 8% đến hết năm nay. Cũng từ ngày 1/7, khi cảnh sát giao thông kiểm tra trên đường, người dân có thể xuất trình giấy phép lái xe, đăng ký xe... qua ứng dụng VNeID.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục