Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều dự án, sử dụng bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học (BTĐDSH). Đến nay, các dự án đã góp phần khôi phục hệ sinh thái rừng đầu nguồn, bảo vệ hệ thống tưới tiêu, sử dụng bền vững tài nguyên rừng và BTĐDSH của tỉnh. Từ cơ sở đó, tỉnh Hòa Bình đang triển khai thực hiện Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 208/QĐ-TTg, ngày 29/2/2024, tỉnh Hòa Bình tập trung bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng hiện có và diện tích rừng được trồng mới trong giai đoạn 2021 - 2030, đáp ứng yêu cầu phòng hộ và bảo vệ môi trường sinh thái, BTĐDSH, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai gây ra, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Xã Thành Sơn, huyện Mai Châu có diện tích rừng tự nhiên tương đối lớn với 3.500 ha rừng, trong đó, 70% diện tích là rừng phòng hộ. Nhận thức rõ vai trò của rừng đối với phát triển KT-XH địa phương, cấp ủy Đảng, chính quyền xã đặc biệt chú trọng công tác bảo vệ rừng (BVR). Đồng chí Lò Thanh Khuyên, Chủ tịch UBND xã Thành Sơn cho biết: Xã phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm viên phụ trách địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức BVR, chủ động xây dựng quy chế phối hợp với các khu dân cư trong việc tuần tra, BVR. Bên cạnh đó, xã tích cực tuyên truyền qua các cuộc họp thôn, xóm về Luật Bảo vệ và phát triển rừng cho người dân, nhấn mạnh tầm quan trọng của BVR đối với phát triển KT-XH, nhất là gắn với phát triển du lịch.
Không chỉ ở xã Thành Sơn, bảo vệ và phát triển đa dụng giá trị hệ sinh thái rừng là một trong những hướng đi đang được Hạt Kiểm lâm huyện Mai Châu hướng tới nhằm phát triển rừng bền vững. Đồng chí Bùi Văn Tuyên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mai Châu cho biết: Phát triển kinh tế dưới tán rừng dựa trên hai đối tượng là rừng tự nhiên và rừng sản xuất. Với diện tích rừng lớn, Mai Châu có điều kiện rất tốt để phát triển kinh tế dưới tán rừng. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi mới chỉ thực hiện được đối với rừng sản xuất. Huyện đang nghiên cứu chính sách liên quan đến phát triển lâm sản ngoài gỗ, nhất là cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng để trồng dược liệu dưới tán rừng; thực hiện tốt chính sách về quản lý giống cây lâm sản ngoài gỗ, về đầu tư, hỗ trợ vốn, chính sách về lâm sản ngoài gỗ…
Toàn tỉnh hiện có trên 467 nghìn ha rừng tự nhiên, trong đó, phần lớn diện tích rừng và đất rừng là các khu bảo tồn thiên nhiên và rừng phòng hộ, có vị trí quan trọng giữ gìn môi trường và là nguồn sinh thủy cho Thủy điện Hòa Bình. Hàng năm, tỉnh đưa vào kế hoạch bảo vệ 75.000 ha rừng tự nhiên và rừng trồng, khoanh nuôi tái sinh khoảng 2.500 ha, chăm sóc rừng trồng gần 13.000 ha, trồng mới từ 7.000 - 8.000 ha rừng kinh tế. Tỉnh đã phát triển các hình thức tổ chức sản xuất nông, lâm kết hợp hiệu quả, bền vững trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương gắn với phát huy có hiệu quả tri thức bản địa nhằm nâng cao giá trị gia tăng từ rừng, tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ, góp phần tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác.
Tỉnh Hòa Bình đã giao đất, giao rừng cho các hộ dân thực hiện khoanh nuôi, chăm sóc BVR. Từ nhiều năm nay, diện tích rừng tự nhiên không có nhiều biến động, độ che phủ rừng tăng cho thấy công tác BVR đã được chú trọng. Đồng chí Trần Văn Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Để tăng giá trị đa dạng hệ sinh thái rừng, tỉnh đã tập trung thực hiện quản lý rừng bền vững; khai thác, sử dụng rừng gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao giá trị kinh tế, giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng; đảm bảo quá trình xây dựng phương án quản lý, tổ chức các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng có sự tham gia rộng rãi của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư. Rà soát, điều chỉnh phân loại rừng, lập hồ sơ quản lý rừng theo chức năng, mục đích sử dụng nhằm tối ưu hóa hiệu quả tổng hợp về KT-XH và môi trường, phù hợp với thông lệ quốc tế. Phát triển vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến lâm sản và phát triển hệ thống rừng trồng gỗ lớn, lâm sản ngoài gỗ, dược liệu có năng suất, chất lượng cao, với sự tham gia của các thành phần kinh tế; nâng cao hiệu quả kinh tế tổng hợp trên cùng diện tích canh tác; chú trọng phát triển lâm nghiệp đa mục đích (gỗ, lâm sản ngoài gỗ, dịch vụ); nông, lâm kết hợp. Đa dạng hóa các hình thức tổ chức sản xuất như: tổ hợp tác, hợp tác xã, liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp với chủ rừng trong việc trồng, khai thác, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm gỗ, lâm sản ngoài gỗ và dược liệu.
Bên cạnh đó, bảo tồn, phát triển, khai thác, chế biến, thương mại bền vững lâm sản ngoài gỗ, dược liệu gắn với văn hóa truyền thống của cộng đồng, người dân địa phương sống gần rừng. Phát triển các mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị trong lâm nghiệp, mô hình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp kết hợp bền vững, hiệu quả. Phát triển thương hiệu sản phẩm; giới thiệu thông tin về chính sách, khoa học, kỹ thuật, thị trường trong nước và quốc tế của các sản phẩm gỗ, lâm sản ngoài gỗ, dược liệu, du lịch và các dịch vụ môi trường rừng. Triển khai các hoạt động về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh; dịch vụ bảo vệ, duy trì cảnh quan tự nhiên, BTĐDSH các hệ sinh thái rừng cho kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo quy định. Thu hút nguồn lực đầu tư của các thành phần kinh tế tham gia các dự án phát triển bền vững các hệ sinh thái rừng.