Huyện Đà Bắc có nhiều lợi thế để phát triển chăn nuôi. Một trong những mục tiêu ngành chăn nuôi của huyện đặt ra là phát triển một số giống vật nuôi bản địa như: lợn, cá sông Đà và gà, dê, vịt…
Thực hiện mục tiêu đó, đầu tháng 4 năm 2024 UBND huyện Đà Bắc đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai thực hiện mô hình chăn nuôi vịt bầu thương phẩm tại xã Tú Lý, quy mô chăn nuôi 1.000 con vịt bầu đất với 10 hộ tham gia. Tham gia mô hình mỗi hộ được hỗ trợ 100 con giống, thức ăn hỗn hợp, vắc-xin… Ngoài ra còn được tập huấn kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, xây dựng chuồng trại, vệ sinh sát trùng và các biện pháp phòng bệnh theo hướng an toàn sinh học.
Trong quá trình thực hiện mô hình, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các hộ nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật, làm tốt công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng, chăm sóc nuôi dưỡng tốt, đầy đủ nên đàn vịt ngay từ đầu đã ổn định và phát triển tốt, không có dịch bệnh xảy ra, tỷ lệ sống đạt trên 95%. Khẩu phần ăn của vịt kết hợp giữa cám công nghiệp với thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp nên đàn vịt phát triển tốt. Tính trọng lượng trung bình một con vịt đến lúc xuất bán đạt 2,3 – 2,5kg. Đặc điểm của giống vịt bầu đất là mình tròn, cổ ngắn, thịt săn chắc và thơm ngon nên dễ bán. Giá bán trung bình 70.000 – 80.000 đồng/kg.
Chúng tôi đến gia đình bà Phùng Thị Tuyết - xóm Tình, xã Tú Lý, là hộ tham gia mô hình nuôi vịt bầu đất. Bà Tuyết chia sẻ: "Tôi cũng như một số bà con ở xóm mặc dù đã nhiều năm chăn nuôi gia cầm nhưng chủ yếu chỉ theo cách truyền thống, chăn thả tự do và chưa coi trọng công tác tiêm phòng dịch bệnh, dẫn đến tình trạng chăn nuôi năm được, năm mất. Qua được tập huấn áp dụng kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh phòng bệnh, tư vấn lựa chọn con giống… nên đã giúp chúng tôi thay đổi thói quen chăn nuôi cũ, biết áp dụng khoa học kỹ thuật để đàn vịt sinh trưởng phát triển tốt, giảm được tình hình lây lan dịch bệnh, giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
Ông Phạm Văn Thức, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đà Bắc cho biết: "Mục tiêu của mô hình là chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống vịt bầu vào thực tế sản xuất cho người dân, đồng thời thông qua mô hình giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng về chăn nuôi vịt nói chung, chăn nuôi vịt bản địa nói riêng cho người dân trên địa bàn xã. Từ đó thúc đẩy nghề chăn nuôi vịt một cách bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người chăn nuôi”.
Mô hình chăn nuôi vịt bầu thương phẩm bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế, đổi mới được cách nghĩ, cách làm trong chăn nuôi của nông dân từ phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ đến nay đã có đầu tư về kinh tế, kỹ thuật, chăn nuôi mang tính chất hàng hóa đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Từ thành công của mô hình, trong thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đà Bắc sẽ mở rộng mô hình tới các địa phương trên địa bàn huyện. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền cho bà con đưa giống vịt bầu đất vào chăn nuôi, đem lại thu nhập cao.
Minh Duy (Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc)