Cuối tháng 7, đầu tháng 8 là thời điểm na chính vụ ở xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thuỷ cho thu hoạch rộ. Các gia đình đều tất bật với công việc thu hái, xuất bán. Tuy vất vả nhưng trên gương mặt người nông dân rạng rỡ niềm vui, phấn khởi, bởi năm nay na được mùa, được giá.


Chị Bùi Thị Hằng, thôn Đồng Bong, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) đóng gói na sau thu hoạch, xuất bán cho tiểu thương.

Chúng tôi đến thăm vườn na của gia đình anh Đào Văn Hùng và chị Bùi Thị Hằng ở thôn Đồng Bon khi cả gia đình bận rộn thu hái quả để đóng hàng gửi cho khách. Trên 10 năm gắn bó cùng cây na, với diện tích 1,2 ha, anh chị đã chịu khó học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để cây cho năng suất, hiệu quả, được khách hàng gần xa đánh giá cao cả về chất lượng và mẫu mã. Ngoài vụ na chính thu hoạch từ cuối tháng 7 đến tháng 9, gia đình anh chị còn xử lý cắt tỉa, thụ phấn để cho ra vụ na thứ 2 thu hoạch tháng 11. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí cho gia đình anh chị thu lãi trên 300 triệu đồng từ trồng na. 

Chị Bùi Thị Hằng phấn khởi cho biết: Nhà tôi có 1,2 ha trồng na, sản lượng vụ chính thu từ 15 - 16 tấn. Vụ phụ cũng thu được 6 - 7 tạ, thu nhập cao hơn các loại cây trồng khác. Mấy năm nay, na của địa phương được công nhận sản phẩm OCOP nên có giá trị và tiêu thụ dễ hơn.

Vườn na của gia đình anh Trần Văn Hạ và chị Nguyễn Thị Thuý thời điểm này lúc nào cũng tấp nập khách ra vào. Những ngày đầu vụ, na chọn loại 1 có khi bán được 60 nghìn đồng/1 kg. Sau 1 tuần đông vụ, giảm xuống còn 35 nghìn đồng/1 kg. Do nắm chắc kỹ thuật chăm sóc cũng như thời tiết ủng hộ nên năm nay na quả to, mã sáng, ngon, ngọt. Với diện tích 1 ha, na chính vụ năm nay gia đình anh chị sẽ thu được khoảng 10 tấn quả.

Qua nhiều năm thâm canh sản xuất cho thấy, cây na dai rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại huyện Lạc Thuỷ, nhất là những diện tích vạt đồi, chân núi có độ dốc vừa phải. Trồng na tuy kỹ thuật không phức tạp nhưng tốn nhiều công chăm sóc. Khi nụ hoa nở hé phải tiến hành thụ phấn thủ công để tăng tỷ lệ đậu quả, đồng thời giúp quả to, tròn, đều, đẹp. Đặc biệt, cây na thu hoạch nhiều năm mà vẫn cho năng suất cao, thậm chí có những cây thu quả đến 17 - 20 năm mà vẫn chưa phải trồng lại. Do áp dụng khoa học kỹ thuật, trồng theo tiêu chuẩn VietGAP nên sản phẩm na Đồng Tâm luôn có chất lượng tốt, thơm, độ ngọt cao, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, khẳng định được thương hiệu sản phẩm OCOP 3 sao.

Đồng chí Nguyễn Đức Hân, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm cho biết: Nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế ổn định từ cây na, cấp uỷ Đảng, chính quyền xã đã chỉ đạo nhân rộng diện tích cây trồng này ở những địa hình phù hợp. Hiện trên địa bàn xã diện tích trồng na có trên 70 ha đang cho thu hoạch. Đánh giá về tiềm năng kinh tế và hiệu quả mang lại thì cây na rất phù hợp với đồng đất, khí hậu, cho thu nhập ổn định. Năm nay, chất lượng quả khá hơn năm ngoái. Sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường. Chính vì vậy bà con tích cực đầu tư thâm canh cho cây na mang lại hiệu quả cao.

Nguồn thu từ na giúp đời sống của người dân nơi đây thay đổi rõ rệt. Những ngôi nhà cao tầng khang trang, hiện đại mọc lên giữa những đồi, vườn na bạt ngàn, tạo nên vùng đất trù phú, phát triển. Địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về chất lượng, sản phẩm đến người tiêu dùng. Đồng thời khuyến khích hộ trồng na duy trì lối canh tác an toàn, xây dựng và giữ gìn thương hiệu sản phẩm OCOP 3 sao.


Nguyễn Chung 
(Trung tâm VH-TT&TT huyện Lạc Thuỷ)


Các tin khác


Phát triển giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều dự án, sử dụng bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học (BTĐDSH). Đến nay, các dự án đã góp phần khôi phục hệ sinh thái rừng đầu nguồn, bảo vệ hệ thống tưới tiêu, sử dụng bền vững tài nguyên rừng và BTĐDSH của tỉnh. Từ cơ sở đó, tỉnh Hòa Bình đang triển khai thực hiện Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Để công nghiệp đóng vai trò động lực của nền kinh tế

Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) phải thực sự trở thành động lực của nền kinh tế. Đây là mục tiêu được Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh uỷ Hoà Bình đặt ra và quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trong những năm gần đây nhằm đưa CN-TTCN có tốc độ tăng trưởng cao, bền vững và hiệu quả, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, ổn định xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần thực hiện các mục tiêu KT-XH của tỉnh. Đồng thời, tập trung phát triển CN-TTCN theo hướng hiện đại, duy trì phát triển ngành nghề truyền thống, hướng mạnh cho xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao; giữ vai trò động lực quan trọng trong phát triển kinh tế và thực hiện các mục tiêu về CNH-HĐH.

Các cấp Hội Nông dân góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn

Thực hiện Kết luận số 61-KL/TW, ngày 3/12/2009 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về Đề án "Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân (HND) Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM) và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam" (Đề án 61); Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với HND các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần xây dựng NTM” giai đoạn 2021-2025, thời gian qua, các cấp HND trong tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả và đạt nhiều kết quả tích cực.

Ký kết hợp đồng tín dụng vốn vay cho dự án khu công nghiệp Bình Phú

Chiều 2/8, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh Hòa Bình phối hợp Công ty TNHH Bình Phú Invest tổ chức Lễ ký kết hợp đồng tín dụng Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp (KCN) Bình Phú, tỉnh Hòa Bình”. Đến dự có đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo UBND TP Hòa Bình, Ban quản lý các KCN tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh và một số đơn vị liên quan.

Đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng nuôi trồng thủy sản

Từ mã số vùng nuôi trồng thủy sản sẽ xác định được chủ cơ sở nuôi và nguồn gốc sản phẩm, qua đó tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao giá trị sản phẩm và đáp ứng yêu cầu về xuất khẩu. Việc các vùng sản xuất nuôi trồng thủy sản có mã cũng thích ứng với xu hướng kinh tế nông nghiệp số hiện nay. Từ những yêu cầu trên, Chi cục Thủy sản đã và đang đẩy mạnh việc cấp mã số cho các vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Bảo vệ thương hiệu cam Cao Phong qua giao dịch điện tử

Vừa qua, trên sàn mua bán của Sendo xảy ra vụ việc nhân viên của Sendo đã lấy cam Hà Giang đóng gói bao bì cam Cao Phong bán cho khách hàng. Sau khi được phản ánh, Công ty cổ phần công nghệ Sendo đã điều tra làm rõ sự việc. Đây là bài học cho các đơn vị bảo vệ thương hiệu của mình qua giao dịch điện tử.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục