Nhờ được tiếp cận nguồn vốn chính sách, nông dân xã Kim Lập (Kim Bôi) có thêm nguồn lực đầu tư trồng cây ăn quả có múi để tăng thu nhập.
Từ sự đồng hành của HND xã, đầu năm 2021, gia đình chị Lại Thị Thủy, xóm Cuối, xã Cuối Hạ được tạo điều kiện tham gia lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách chăm sóc, chăn nuôi gia súc. Kết thúc khóa học cũng là lúc HND xã nắm bắt được nhu cầu, mong muốn được vay vốn để phát triển sản xuất của gia đình chị Thủy. Thông qua cầu nối là HND xã, chị được vay vốn 50 triệu đồng từ NHCSXH để xây dựng mô hình chăn nuôi trâu. Chị Thủy chia sẻ: Có nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, gia đình đầu tư xây dựng chuồng trại và trồng thêm cỏ để làm thức ăn cho trâu. Nhờ áp dụng kỹ thuật đã được tập huấn, đàn trâu sinh trưởng tốt, không bị bệnh, dịch. Vì vậy mỗi lần xuất chuồng đều được giá, thu nhập của gia đình ngày một khá hơn. Cuộc sống từng bước ổn định, con cái có điều kiện học tập tốt hơn.
Chị Lại Thị Thủy là một trong nhiều hộ HVND trên địa bàn huyện Kim Bôi đã phát triển kinh tế từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH huyện với các mô hình kinh tế có hiệu quả như: trồng rừng, trồng cây ăn quả có múi, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rau an toàn…
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HND huyện Kim Bôi cho biết: Với mục tiêu nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, từng bước hỗ trợ hội viên thoát nghèo bền vững, những năm qua, các cấp HND huyện Kim Bôi đã chủ động phối hợp NHCSXH huyện hỗ trợ hội viên tiếp cận và vay vốn chính sách như: rà soát nhu cầu vay vốn, nhận ủy thác giúp nông dân xây dựng các mô hình kinh tế hộ gia đình, kinh tế tập thể, sản xuất hàng hóa gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản; luôn nỗ lực làm tốt công tác phối hợp với chính quyền địa phương, phát huy vai trò của một trong những tổ chức hội đoàn thể - những "cánh tay nối dài” của NHCSXH. Ngay từ đầu năm, Hội chủ động xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cho các hội cơ sở và hàng tháng tổ chức họp giao ban để đôn đốc việc thu nợ, thu lãi của hộ vay, đẩy mạnh tuyên truyền về các chương trình, chính sách cho vay mới của ngân hàng… Đặc biệt, nhờ kiểm tra, kiểm soát thường xuyên nên nguồn vốn cho vay đúng quy định, đối tượng, không có hiện tượng trục lợi chính sách, nguồn vốn phát huy hiệu quả cao.
Cùng với đó, Hội phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật cho HVND để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Từ đầu năm đến nay, các cấp Hội đã phối hợp mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phòng trừ sâu bệnh, cách sử dụng phân bón... cho hơn 200 lượt HVND tham gia. Ngoài ra, việc tổ chức cho hội viên tham quan, học hỏi kinh nghiệm phát triển các mô hình kinh tế cũng được Hội quan tâm. Sau những chuyến tham quan, hầu hết HVND đều học hỏi và áp dụng được nhiều kinh nghiệm hay vào thực tiễn.
Từ nguồn vốn chính sách nhận ủy thác, hàng nghìn hộ HVND trên địa bàn huyện Kim Bôi đã có điều kiện đầu tư, tận dụng lợi thế về đất đai, lao động để phát triển kinh tế. Đến nay, qua 80 tổ tiết kiệm và vay vốn đã có trên 3.400 hộ HVND được vay vốn NHCSXH để phát triển sản xuất, tổng dư nợ toàn huyện đạt trên 151.818 triệu đồng. Nguồn vốn này đã và đang trở thành nguồn lực quan trọng trong công tác giảm nghèo, là "điểm tựa” cho nhiều gia đình nông dân ổn định kinh tế và thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến với nông dân, thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục chủ động, sáng tạo, đổi mới phương thức hoạt động; chú trọng hướng dẫn sử dụng vốn tín dụng chính sách chặt chẽ, hiệu quả, kết hợp cho vay vốn với dạy nghề và chuyển giao khoa học kỹ thuật; hướng dẫn kinh nghiệm làm ăn, bồi dưỡng kiến thức quản lý kinh tế hộ; tăng cường đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho nông dân, góp phần thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển KT-XH tại địa phương.
Thu Hằng