Cán bộ bộ phận "một cửa" Cục Thuế tỉnh hướng dẫn thủ tục nộp thuế cho người dân, doanh nghiệp đến giao dịch.
Tính đến hết tháng 9, các khoản thu nội địa trên địa bàn tỉnh thực hiện khoảng 3.884 tỷ đồng, đạt 70% dự toán HĐND tỉnh. Trong đó, thu tiền SDĐ thực hiện khoảng 1.416 tỷ đồng, đạt 70,8% dự toán HĐND tỉnh; thu thuế, phí thực hiện 2.468 tỷ đồng, đạt 70,5% dự toán HĐND tỉnh. Tuy nhiên, đối với thu tiền SDĐ chủ yếu do tỉnh thu, còn các huyện, thành phố mới có 3/10 địa phương khả năng hoàn thành nhiệm vụ thu.
Cụ thể, huyện Lạc Thủy thu trên 77,5 tỷ đồng, đạt 110,9% kế hoạch; huyện Yên Thủy thu 44,7 tỷ đồng, đạt 89,6% kế hoạch; huyện Lương Sơn thu 72 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch. Các địa phương khác tỷ lệ thu tiền SDĐ đều đạt dưới 50%: Huyện Cao Phong đạt 0,4%; Mai Châu đạt 1,4%; Kim Bôi đạt 3,1%; Tân Lạc đạt 12%; Đà Bắc đạt 7,1%; Lạc Sơn đạt 42,9%; TP Hòa Bình đạt 4,5%.
Đáng nói, đối với các huyện có tỷ lệ thu tiền SDĐ thấp khó có khả năng cải thiện do thị trường bất động sản trầm lắng, nhiều địa phương đã đấu giá đến lần thứ 5 nhưng không có hồ sơ đăng ký đấu giá. Mặt khác, nhiều dự án đấu giá có giá khởi điểm quá cao nên việc đấu giá không thành công. Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Bùi Văn Lịnh, Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn cho biết: Thu tiền SDĐ của huyện khó có khả năng hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch. Trong năm 2024, huyện có dự án đấu giá quyền SDĐ là dự án khu nhà ở bên bờ sông Bùi, đã thông báo đến lần thứ 5 nhưng không có hồ sơ đăng ký đấu giá. Hiện còn 2 dự án khu nhà ở tại Đồng Vôi, thị trấn Vụ Bản đã có quyết định phê duyệt giá khởi điểm, nhưng đều khó có khả năng đấu giá thành công.
Tương tự, tại huyện Kim Bôi, dự án khu nhà ở khu Sào, thị trấn Bo và dự án khu nhà ở xóm Bãi Chạo, xã Tú Sơn đã hoàn thành các thủ tục đấu giá quyền SDĐ, đã thông báo đấu giá nhưng không có hồ sơ đăng ký. Đồng chí Bùi Tuấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết: Cái khó là thị trường bất động sản trầm lắng, giá khởi điểm thời điểm này so với trước đây được cho là khá cao nên rất khó đấu giá.
Tính đến nay, toàn tỉnh còn 12 dự án đã có quyết định phê duyệt giá khởi điểm đấu giá quyền SDĐ, dự kiến khoảng 1.062 tỷ đồng. Trong đó, nhiều dự án đã thông báo nhiều lần nhưng không đấu giá được.
Hiện nay, công tác đấu giá quyền SDĐ tiếp tục gặp khó khăn do những quy định mới của Luật Đất đai năm 2024 chính thức có hiệu lực thi hành. Các nhà đầu tư cũng chưa sẵn sàng thực hiện khi luật mới có hiệu lực, đang trong quá trình hướng dẫn thi hành, gây ảnh hưởng đến nguồn thu từ đất. Đồng chí Nguyễn Hữu Luyện, Phó Chủ tịch UBND TP Hòa Bình cho biết: Theo Luật Đất đai năm 2024, đối với địa bàn đô thị, khi thực hiện các dự án nhà ở phải xây thô mới được quyền đấu giá, không được phép đấu giá quyền SDĐ. Điều này gây nhiều khó khăn cho các dự án đấu giá tại thành phố. Đó cũng là vấn đề chung của các địa phương trên địa bàn tỉnh đối với dự án về nhà ở. Vì vậy, tỉnh nên có những hướng dẫn cụ thể đối với nhóm dự án này.
Ngoài ra, đối với các dự án đấu giá cơ sở nhà, đất của cơ quan nhà nước theo Nghị định số 67 của Chính phủ hiện gặp nhiều vướng mắc trong triển khai thủ tục đấu giá. Tại nhiều địa phương mặc dù đã có phương án xử lý đối với các trụ sở dôi dư, đất công nhưng không triển khai đấu giá được, ảnh hưởng đến nguồn thu của tỉnh.
Nguồn thu tiền SDĐ có vai trò quan trọng trong đầu tư phát triển hàng năm của tỉnh. Để đảm bảo nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2024, tỉnh cần có những giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ các huyện, thành phố tháo gỡ vướng mắc, nhất là đối với các dự án nhà ở và các dự án đấu giá cơ sở nhà, đất của cơ quan nhà nước theo Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ.