Mực nước hồ Thuỷ điện Hoà Bình xuống thấp, ảnh hưởng đến các lồng cá nuôi. Ảnh chụp tại xóm Lau Bai, xã Vầy Nưa (Đà Bắc).
Xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc hiện có hơn 400 lồng cá, tại 6/8 xóm. Đồng chí Xa Văn Si, Chủ tịch UBND xã cho biết: Nghề nuôi cá lồng trên hồ phát triển khá mạnh tại địa phương, là hướng sinh kế chủ lực đối với nhiều hộ dân vùng hồ. Những năm gần đây, nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, mực nước hồ Thủy điện Hòa Bình ổn định thì mô hình này mang lại hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, năm nay mực nước xuống thấp hơn nhiều so với trung bình các năm trước, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động nuôi trồng thủy sản.
"Mỗi ngày, các xóm đều báo về việc cá chết, không chỉ cá nuôi mà cá tự nhiên cũng nổi trắng mặt hồ. Chúng tôi rất lo lắng. Chính quyền xã đã khuyến cáo bà con chủ động di chuyển các lồng cá đến khu vực có mực nước sâu hơn hoặc nơi có dòng nước suối chảy vào. Có hộ còn đầu tư ti ô dẫn nước suối trực tiếp vào lồng để cải thiện môi trường nuôi. Tuy nhiên, biện pháp này cũng không mấy hiệu quả bởi mùa này hay có mưa, nước suối đục ngầu, cá rất dễ bị sốc môi trường và chết” - Chủ tịch UBND xã Xa Văn Si chia sẻ.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã, trong điều kiện nguồn nước bất lợi như hiện nay, việc triển khai các dự án hỗ trợ cá giống cũng gặp nhiều khó khăn. Bởi lẽ, nếu thả giống vào thời điểm này, nguy cơ cá giống chết hàng loạt là rất lớn.
Tại xóm Lau Bai, nơi phát triển mạnh mô hình nuôi cá lồng với hơn 60 lồng cá, người dân không khỏi lo lắng. Đầu năm nay, gia đình anh Lý Quang Hoàng là một trong những hộ đầu tư 5 lồng cá mới. "Mực nước xuống thấp liên tục, thấp hơn so với những năm gần đây, lại kèm theo nước đục. Chúng tôi rất lo lắng, nếu mực nước tiếp tục hạ xuống nữa thì cá lồng sẽ bị chết. Do đó mong muốn ngành chức năng quan tâm, hướng dẫn người dân các biện pháp để tránh thiệt hại do nước hồ Thuỷ điện xuống thấp” anh Hoàng bày tỏ.
Không chỉ ở xã Vầy Nưa, tại xã Thung Nai (Cao Phong), người nuôi cá lồng cũng lo lắng. Anh Bùi Quang Khánh, xóm Nai cho biết, một số vị trí lòng hồ thuộc địa phận xã đã thu hẹp 200 - 300m so với trước khi nước hồ xuống thấp. Điều này đã ảnh hưởng đến các lồng cá của bà con. Một số hộ không dám giữ cá lâu vì sợ thiệt hại, đành phải bán bớt trong những ngày gần đây.
Tình trạng mực nước hồ Thủy điện Hòa Bình xuống thấp đã gây khó khăn đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản vùng lòng hồ. Đồng chí Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản cho biết: Nghề nuôi cá lồng phát triển mạnh trên hồ Thuỷ điện Hoà Bình, với khoảng 5.200 lồng cá. Mực nước trên hồ xuống thấp nhưng hiện vẫn đảm bảo đủ điều kiện để nuôi trồng thuỷ sản. Đối với hiện tượng cá chết như thời gian vừa qua không phải do dịch bệnh, mà do lượng ô xy hoà tan trong nước thấp. Nguyên nhân là do nắng nóng kết hợp mưa đầu mùa khiến nước từ các sườn đồi kéo theo lá cây, mùn hữu cơ chảy xuống hồ. Lượng mùn hữu cơ này phân huỷ đã làm cho lượng ô xy hoà tan trong nước thấp.
Đồng chí Chi cục trưởng khuyến cáo, người dân cần thu tỉa khi cá nuôi đã đạt kích cỡ thu hoạch. Hạn chế đánh bắt, san thưa, vận chuyển, thả giống vào những ngày nắng nóng. Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khoẻ thuỷ sản nuôi, thu gom thức ăn thừa, di chuyển lồng bè nuôi nhằm tăng sự thông thoáng mặt nước cho vùng nuôi. Sử dụng lưới lan để che bề mặt lồng nuôi, giảm ánh sáng trực tiếp xuống đáy lồng nuôi. Khi mực nước trên hồ giảm, cần hạ thấp lồng nuôi hoặc di chuyển đến nơi có vị trí nước sâu để đảm bảo độ sâu luôn ở mức 2,5 - 3m, đặt lồng nuôi cách đáy từ 1,5 - 2m nhằm khắc phục thiếu ô xy cục bộ.
Ngoài ra, giảm 50 - 70% lượng thức ăn hàng ngày hoặc ngừng cho ăn vào những ngày nắng nóng gay gắt. Chọn loại thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao kết hợp với bổ sung vitamin C, khoáng chất, chế phẩm để duy trì thuỷ sản nuôi trong giai đoạn nắng nóng gay gắt.
Viết Đào