Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu theo hướng không cho phép chuyển đổi vốn huy động bằng vàng sang tiền đồng và có thể không thực hiện hoạt động huy động và cho vay bằng vàng vì tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhiều ý kiến tranh luận xung quanh việc này.

 

Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu theo hướng có thể không thực hiện huy động và cho vay vàng (ảnh: Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
 
Ông Nguyễn Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á, cho rằng việc bỏ đi hoạt động huy động và cho vay vàng sẽ có ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng nhưng là không lớn, và theo ông đây sẽ là vấn đề tất yếu trong tương lai vì quan điểm của Chính phủ là hướng tới một vật ngang giá chung là đồng Việt Nam.

Ông Tâm ủng hộ các biện pháp quản lý việc huy động và cho vay vàng của ngân hàng thương mại trong thời gian tới.

“Khi Chính phủ hướng các giao dịch trên thị trường theo một vật ngang giá duy nhất thì nhu cầu vay vàng để kinh doanh, mua nhà… sẽ dần mất đi. Và nếu nhu cầu vay vàng không còn thì ngân hàng cũng không muốn huy động vàng làm gì nữa”, ông Tâm nói.

Tuy nhiên, hiện đang có một luồng ý kiến khác cho rằng nếu Ngân hàng Nhà nước cấm hẳn hoạt động huy động và cho vay vàng của các ngân hàng thời điểm này thì sẽ là lãng phí một lượng lớn tài nguyên đang nằm dưới dạng vàng trong dân.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng lớn nói: “Việc cấm các hoạt động trên sẽ đóng băng một lượng tài sản trong dân. Còn nếu bàn đến vấn đề an toàn thì Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có khả năng quản lý để đảm bảo an toàn cho các ngân hàng như quy định huy động vàng trên tổng tài sản là bao nhiêu thì được, dự trữ bắt buộc như thế nào, trạng thái ngoại hối ra sao, tỷ lệ cho vay vàng trên huy động là bao nhiêu… Những quy định đó sẽ giúp lành mạnh hóa hoạt động huy động và cho vay vàng của ngân hàng”.

Vị lãnh đạo ngân hàng trên cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần có những chính sách để dần dần quản lý thị trường vàng chứ đừng vội vã cấm hoàn toàn hoạt động này của ngân hàng vì thực sự nếu thị trường có cầu thì ắt sẽ có cung.

Người dân Việt Nam từ xưa đến nay có thói quen cất giữ tài sản bằng vàng và một bộ phận vẫn còn thói quen thanh toán bằng vàng. Ông Huỳnh Trung Khánh, thành viên Hội đồng vàng thế giới, Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, cho biết hiện nay trong dân đang giữ ít nhất khoảng 500 tấn vàng.

“Lượng vàng này nếu tính ra là gần 20 tỉ đô la Mỹ, một con số không nhỏ. Nếu tận dụng được sẽ giúp giảm được việc vay nợ nước ngoài vì khát vốn và thâm hụt”, ông Khánh nói.

Quả thực, con số trên là không nhỏ, và nếu để nó nằm ngoài hệ thống ngân hàng sẽ là một lãng phí lớn. Tuy nhiên, việc nghiên cứu để cấm ngân hàng huy động và cho vay vàng của Ngân hàng Nhà nước cũng có cái lý khi chính hoạt động này đã từng gây sóng gió trên thị trường vàng vào năm ngoái khiến giá vàng leo thang và nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng gần như phá sản.

Nhưng theo một chuyên gia kinh tế thì liệu các biện pháp hành chính có thể đi ngược lại nhu cầu thị trường? Ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nói từ năm 1994, Chính phủ đã có quyết định cấm dùng ngoại tệ khác để mua bán trên thị trường nhưng thực tế là đến nay nó vẫn còn tồn tại.

“Hiện người dân đang tự do mua bán vàng cũng như dùng nó như một phương tiện thanh toán, nếu đột ngột dừng thì chi phí của xã hội bỏ ra sẽ không nhỏ”, ông Thành nói.

Theo ông, việc người dân lựa chọn hình thức tiền tệ nào cũng phụ thuộc rất lớn ở niềm tin vào sự phát triển kinh tế vĩ mô. “Không cho phép huy động lẫn cho vay vàng có cái hay cũng như có cái dở, tuy nhiên, khi đưa ra quyết định, Ngân hàng Nhà nước cần cân nhắc thật kỹ tác động và hiệu quả của nó lên nền kinh tế”, ông Thành nói.

 

                                                                                   Theo DanTri

Các tin khác


Bảo vệ cây trồng vụ xuân trước thời tiết diễn biến cực đoan

Theo dự báo, thời điểm giao mùa, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, lốc, sét, mưa đá có thể ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp, đồng thời cũng tạo điều kiện cho các đối tượng, dịch bệnh phát sinh, gây hại trên cây trồng. Để bảo vệ diện tích lúa và cây trồng vụ xuân, ngành nông nghiệp và các đơn vị chuyên môn tích cực rà soát các địa bàn có nguy cơ xảy ra thiên tai ảnh hưởng tới sản xuất, đẩy mạnh tuyên truyền, đồng hành với nông dân, bám sát đồng ruộng để kịp thời kiểm soát sâu, bệnh gây hại, xử lý và khắc phục các tổn thất khi có tình huống xảy ra.

Xuất khẩu giày dép khởi sắc, nhưng vẫn đối mặt nhiều nỗi lo

Đơn hàng xuất khẩu giày dép đang dần hồi phục, tuy nhiên, ngành xuất khẩu đứng thứ 2 kim ngạch thế giới của Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Sáng 6/5, giá vàng SJC vượt 86 triệu đồng/lượng

Sáng 6/5, trong khi Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC vượt mốc 86 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra thì các công ty vàng bạc khác giá vàng cũng gần chạm mốc này.

Xã Xuân Thủy dồn sức về đích nông thôn mới

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, xã Xuân Thủy, huyện Kim Bôi hoàn thành được 12/19 tiêu chí. Trong năm 2024, xã phấn đấu hoàn thành 7 tiêu chí về giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nghèo đa chiều, lao động việc làm, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm, quốc phòng - an ninh.

Đánh thức tiềm năng vùng đất “chén vàng”

Đồng chí Trần Tuấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết: Huyện Kim Bôi đã hoàn thành được đồ án Quy hoạch vùng huyện đến năm 2040; lập đồ án Quy hoạch chung xây dựng 14 xã; 3 đồ án quy hoạch phân khu; 9 đồ án quy hoạch chi tiết các điểm dân cư nông thôn. Huyện cũng tích cực triển khai khoảng 25 đồ án quy hoạch khác làm cơ sở để quản lý xây dựng, thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và huy động các nguồn lực, đảm bảo phát triển trong dài hạn.

Bộ Tài chính thúc 6 địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Theo báo cáo, tỷ lệ giải ngân của 6 địa phương này cơ bản thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục