Các mặt hàng nông sản như gạo đang thiếu vốn đầu tư để nâng cao giá trị gia tăng

Các mặt hàng nông sản như gạo đang thiếu vốn đầu tư để nâng cao giá trị gia tăng

Đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng gặp không ít thách thức, đó là nhận định rất giống nhau qua các cuộc hội thảo tổng kết về quá trình Việt Nam tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Tuần trước tại Hà Nội, một cuộc hội thảo do Văn phòng Chính phủ tổ chức, những người tham dự hầu hết là quan chức trong các bộ, ngành cũng có một nhận định tương tự khi cho rằng ba năm gia nhập sân chơi lớn của thế giới đã giúp chúng ta hoàn thiện khung pháp lý, nhờ đó môi trường kinh doanh minh bạch hơn, nhưng đồng thời đặt ra nhiều thách thức lớn từ bên ngoài.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương thì ngay từ khi gia nhập WTO, điều dễ nhận ra là nền kinh tế còn non trẻ của chúng ta hưởng lợi từ nhiều yếu tố tích cực. Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2007 tiếp tục đà tăng trưởng của những năm trước, đạt 8,5%, mặc dù giá cả thế giới tăng cao gây áp lực nặng nề đến giá đầu vào sản xuất trong nước.

Nhưng rồi đến năm 2008, tác động của hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra theo chiều trái ngược. Giá nguyên liệu tăng vọt tạo sức ép lạm phát cao và tăng trưởng kinh tế thấp hơn. Kinh tế các nước bạn hàng chính bước vào suy thoái hoặc tăng trưởng chậm lại cũng là yếu tố tác động tiêu cực đến xuất khẩu và FDI của Việt Nam, do đó ảnh hưởng đến đà tăng trưởng kinh tế. Chưa hết, sự lúng túng trong việc xử lý các bất ổn kinh tế vĩ mô của chúng ta cũng góp phần đáng kể vào tình hình lạm phát và tăng trưởng, cho nên tăng trưởng GDP chỉ đạt 6,2%.

Năm 2009 tiếp tục chịu tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu, tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,3%. Đây là mức sụt giảm đáng kể, tuy vậy vẫn được xem là tương đối cao so với mức tăng trưởng thấp hoặc âm của nhiều nước trong khu vực lẫn trên thế giới.

Là một nền kinh tế nhỏ đi vào thị trường lớn tất nhiên phải chịu tác động của hai chiều khác biệt. Trong khi việc gia nhập WTO đã gia tăng niềm tin vào thúc đẩy phát triển và tăng trưởng kinh tế, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường thu hút FDI... thì đồng thời lại bộc lộ những tồn đọng và yếu kém, đó là chất lượng tăng trưởng thấp; yếu kém về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực; khả năng cạnh tranh kém...

Điều này giải thích tại sao Chính phủ ban hành nhiều chủ trương nhằm nhanh chóng cải thiện chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả đầu tư trong nước; củng cố ổn định hệ thống và thị trường tài chính; thực hiện chính sách bình ổn kinh tế vĩ mô kịp thời, linh hoạt, hợp lý, đồng bộ...

Có một vấn đề mà ai cũng nhận ra, đó là đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là đầu tư khu vực dân doanh và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh. Nếu năm 2006, vốn FDI cam kết chỉ đạt 12 tỉ USD, năm 2007 là 21 tỉ USD thì đến năm 2008 đã bất ngờ vọt lên tới 71 tỉ USD.

Sang năm 2009, do tình hình khủng hoảng toàn cầu tác động đến nhiều nước, mức cam kết đầu tư vào nước ta giảm còn 21,4 tỉ USD. Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế vẫn chưa dừng lại, sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn, kết quả thu hút, giải ngân vốn FDI năm 2009 được xem là điểm sáng trong bức tranh kinh tế.

Như vậy, sau ba năm gia nhập WTO, Việt Nam đã thu hút được hơn 114 tỉ USD vốn FDI, với hơn 4.000 dự án, cao hơn 4,5 lần so với mục tiêu giai đoạn 5 năm 2006-2010.

Lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh sau khi Việt Nam gia nhập WTO, nhưng chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp, du lịch và bất động sản trong khi những ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp chưa đủ hấp dẫn. Hệ quả là ngành nông nghiệp thiếu vốn đầu tư theo chiều sâu, không có công nghiệp chế biến nên nông sản của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô, sức cạnh tranh thấp.

Điều dễ nhận ra là trong ba năm qua hàng hóa của Việt Nam đã được mở rộng đến 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhiều nhóm hàng có thâm dụng lao động cao như dệt may, da giày, điện tử đã được hưởng lợi từ việc gia nhập WTO. Hàng hóa Việt Nam không bị phân biệt đối xử như trước, người tiêu dùng Việt Nam cũng đã có cơ hội để sử dụng nhiều mặt hàng ngoại nhập với mức giá rẻ hơn. Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy kim ngạch xuất nhập khẩu hai năm 2008-2009 trung bình 150 tỉ USD/năm, tương đương với hơn 160% GDP của cả nước.

Khi bàn về các thách thức lớn gặp phải trong thời gian qua, các chuyên gia kinh tế cho rằng việc cắt giảm thuế đột ngột và thiếu hàng rào kỹ thuật đã khiến một số mặt hàng nhập khẩu ồ ạt tràn vào Việt Nam trong năm 2009. Hậu quả của chính sách thiếu chuyên nghiệp này làm nhiều doanh nghiệp không trở tay kịp mặc dù đã được lưu ý.

Mặt khác, đã qua ba năm vào WTO nhưng đến nay thông tin về các cam kết song phương và đa phương của Việt Nam đến với các doanh nghiệp còn rất hạn chế. Theo Bộ Công Thương, hiện chỉ có 20% số doanh nghiệp biết tận dụng các lợi thế từ WTO mang lại như thuế quan, xuất xứ hàng hóa… Số còn lại chủ yếu làm theo quán tính. Điều này làm mất lợi thế cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trong quá trình thương thảo hợp đồng. Khi sản phẩm có tính cạnh tranh yếu sẽ kéo theo năng lực cạnh tranh quốc gia giảm.

Trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ, việc dự báo và cách điều hành vĩ mô đã bộc lộ một số lúng túng. Hậu quả có khoảng 20% doanh nghiệp nhỏ và vừa đã bị phá sản vì không tiếp cận được với các nguồn vốn, khoảng 60% đang gặp khó khăn nhiều mặt, đặc biệt không cân đối được đầu vào và đầu ra do giá nguyên liệu tăng cao và do thiếu vốn. Nhiều ý kiến cũng cho rằng những chính sách như vậy sẽ làm xói mòn lòng tin của doanh nghiệp.

Trong một cuộc hội thảo hồi đầu tháng 4 liên quan đến nội dung hội nhập, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng hiện Việt Nam đang đứng trước rất nhiều lựa chọn mà tự nó đã mâu thuẫn nhau. Đó là chọn lựa giữa tốc độ tăng trưởng và chất lượng. Chất lượng ở đây bao gồm cả năng suất, tính bền vững, ổn định vĩ mô, an sinh xã hội. Mâu thuẫn ở chỗ, nếu ổn định vĩ mô phải thắt chặt tiền tệ nhưng sẽ khó phát triển. Nếu nới lỏng tiền tệ thì đạt mục tiêu tăng trưởng nhưng lại bất ổn vĩ mô.

Lựa chọn thứ hai là cân bằng giữa thị trường trong và ngoài nước. Hiện nay thị trường ngoài nước đang chiếm 60% GDP, nhưng nếu không tận dụng được thị trường trong nước chúng ta sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh thị trường, lãng phí tiềm năng của đất nước.

Lựa chọn thứ ba, can thiệp của nhà nước với điều tiết thị trường, để thị trường thả lỏng quá, chúng ta sẽ không kiểm soát được, nhưng nếu thắt chặt sẽ khó cho các doanh nghiệp.

Có thể nói bức tranh hội nhập trong ba năm qua chưa cho chúng ta một sự yên tâm về khả năng cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp trong nước nói riêng.

Một vài chuyên gia ví von, do thiếu chuẩn bị cho nên chúng ta đã đưa lên “vũ đài quốc tế” nhiều vận động viên không đồng đều về thể lực. Anh quốc doanh thì phần lớn dư cân do được nuôi dưỡng đầy đủ nhưng lại thiếu sức khỏe và kinh nghiệm trong cạnh tranh, anh tư nhân thể lực kém khó chịu nổi với những đòn tấn công của đối thủ. Trong tình hình ấy thì việc cân nhắc chọn môn thi đấu nào thuộc thế mạnh của mình là rất cần thiết.

                                                                                Theo Báo Tuoitre

Các tin khác


Bảo vệ cây trồng vụ xuân trước thời tiết diễn biến cực đoan

Theo dự báo, thời điểm giao mùa, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, lốc, sét, mưa đá có thể ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp, đồng thời cũng tạo điều kiện cho các đối tượng, dịch bệnh phát sinh, gây hại trên cây trồng. Để bảo vệ diện tích lúa và cây trồng vụ xuân, ngành nông nghiệp và các đơn vị chuyên môn tích cực rà soát các địa bàn có nguy cơ xảy ra thiên tai ảnh hưởng tới sản xuất, đẩy mạnh tuyên truyền, đồng hành với nông dân, bám sát đồng ruộng để kịp thời kiểm soát sâu, bệnh gây hại, xử lý và khắc phục các tổn thất khi có tình huống xảy ra.

Xuất khẩu giày dép khởi sắc, nhưng vẫn đối mặt nhiều nỗi lo

Đơn hàng xuất khẩu giày dép đang dần hồi phục, tuy nhiên, ngành xuất khẩu đứng thứ 2 kim ngạch thế giới của Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Sáng 6/5, giá vàng SJC vượt 86 triệu đồng/lượng

Sáng 6/5, trong khi Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC vượt mốc 86 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra thì các công ty vàng bạc khác giá vàng cũng gần chạm mốc này.

Xã Xuân Thủy dồn sức về đích nông thôn mới

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, xã Xuân Thủy, huyện Kim Bôi hoàn thành được 12/19 tiêu chí. Trong năm 2024, xã phấn đấu hoàn thành 7 tiêu chí về giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nghèo đa chiều, lao động việc làm, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm, quốc phòng - an ninh.

Đánh thức tiềm năng vùng đất “chén vàng”

Đồng chí Trần Tuấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết: Huyện Kim Bôi đã hoàn thành được đồ án Quy hoạch vùng huyện đến năm 2040; lập đồ án Quy hoạch chung xây dựng 14 xã; 3 đồ án quy hoạch phân khu; 9 đồ án quy hoạch chi tiết các điểm dân cư nông thôn. Huyện cũng tích cực triển khai khoảng 25 đồ án quy hoạch khác làm cơ sở để quản lý xây dựng, thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và huy động các nguồn lực, đảm bảo phát triển trong dài hạn.

Bộ Tài chính thúc 6 địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Theo báo cáo, tỷ lệ giải ngân của 6 địa phương này cơ bản thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục