Bản đánh giá cá tra và cá basa VN của WWF hết sức sơ sài, cẩu thả và như một báo cáo của học sinh

 
Ngày 9-12, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) VN đã gửi bảng câu hỏi và kết quả đánh giá cá tra và cá basa của tổ chức WWF 6 nước châu Âu đến Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản VN (VASEP) và Hội Nghề cá VN.
 
Nhận được bảng câu hỏi và kết quả đánh giá cá tra và cá basa, các cơ quan liên quan của VN đã tỏ ra thất vọng về cách làm không khoa học của WWF.
 
Nguồn dữ liệu nghèo nàn và lạc hậu
 
TS Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực VASEP, cho biết vấn đề đáng lên án và bất ngờ là 6 tổ chức của WWF đã sử dụng 2 báo cáo đã quá cũ của WWF quốc tế về cá tra VN để làm cơ sở đánh giá mà không tiến hành kiểm tra thực địa ở VN. Đây là cách làm không khoa học. “Tôi đã trao đổi với WWF VN là quá thất vọng và không thể ngờ một tổ chức quốc tế uy tín như WWF lại làm như vậy” - ông Dũng tỏ ra bất bình.
 
Trao đổi với phóng viên Báo NLĐ, TS Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, nhấn mạnh: “Đây là bản đánh giá hết sức sơ sài, cẩu thả và không thể ngờ là sản phẩm của WWF, bản đánh giá như một báo cáo của học sinh”.
 
 
Từ nhiều năm qua, VN luôn kiểm soát chặt chẽ ngành sản xuất thủy sản. Ảnh: QUỐC DŨNG


TS Phạm Anh Tuấn phân tích 19 câu hỏi của WWF chỉ xoay quanh 4 nội dung chính: hệ thống sản xuất, thức ăn, ảnh hưởng sinh thái và quản lý. Các tiêu chí được đưa ra hoàn toàn là định tính mà đã là định tính thì có thể nói theo kiểu gì cũng được. Quan trọng hơn, theo ông Tuấn, nguồn dữ liệu để họ đưa ra 19 tiêu chí là quá nghèo nàn và lạc hậu so với tài liệu hiện có. 
 
Đáng nói hơn, theo ông Tuấn, nhiều đánh giá của WWF không trích nguồn số liệu.
 
Phản ứng kịch liệt
 
TS Phạm Anh Tuấn cho hay vào sáng thứ ba tuần tới (14-12), Tổng cục Thủy sản, VASEP sẽ có buổi làm việc với người đứng đầu chương trình thủy hải sản toàn cầu của WWF, ông Mark Powell.
 

Tổn hại nghiêm trọng

Ngày 9-12, tại cuộc họp báo thường kỳ, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc một số thành viên WWF tại một số nước châu Âu đưa sản phẩm cá tra VN vào danh sách đỏ trong Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản năm 2010-2011, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nói: “Rất tiếc là các thành viên của WWF tại một số nước châu Âu đã đưa ra những đánh giá thiếu khách quan, thiếu cơ sở khoa học và không phù hợp với thực tế về sản phẩm cá tra của VN”.

Theo bà Nga, việc làm này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng tới những người dân sống bằng nghề nuôi trồng, chế biến thủy sản ở VN cũng như người tiêu dùng ở các nước châu Âu, không có lợi cho mối quan hệ kinh tế - thương mại đang phát triển tốt đẹp giữa VN và các nước châu Âu.

Bà Nguyễn Phương Nga nêu rõ: “Chúng tôi yêu cầu WWF tại các nước này đưa cá tra của VN ra khỏi danh sách đỏ trong Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản năm 2010-2011”.

Bích Diệp

Trong chuyến làm việc tại VN lần này, ông Mark Powell sẽ trả lời các câu hỏi về kỹ thuật liên quan đến phương pháp, quy trình đánh giá và tiếp xúc với báo giới về vấn đề này.
 
Ông Tuấn khẳng định tại cuộc làm việc, phía VN sẽ có phản ứng kịch liệt và yêu cầu WWF phải cải chính và thu hồi cuốn Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản năm 2010-2011 tại 6 nước Đức, Áo, Thụy Sĩ, Bỉ, Na Uy và Đan Mạch. “Với cách làm như vừa rồi của WWF, chúng tôi sẵn sàng cắt đứt quan hệ và không hợp tác với WWF”- ông Tuấn bức xúc.
 
Theo TS Phạm Anh Tuấn: “Nói là tổ chức phi lợi nhuận nhưng chúng tôi đã có cơ sở để thấy rằng việc WWF 6 nước khi đưa cá tra vào danh sách đỏ tại cuốn Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản năm 2010-2011 là có mục đích gây sức ép để VN áp dụng theo bộ tiêu chí mà họ mới xây dựng”. 
 
Ông Nguyễn Tử Cương, đại diện Hội Nghề cá VN, nói bản báo cáo của WWF lại phạm một lỗi rất nghiêm trọng và có “vấn đề” là lấy báo cáo của vấn đề khác làm cơ sở đánh giá cho những tiêu chí mà họ đưa ra.
 
Ông Cương lý giải, với bất cứ một đánh giá khoa học nào thì nhóm chỉ tiêu phải được chia nhỏ thành các chỉ tiêu khác nhau và đánh giá theo 4 mức: đạt, không đạt, trung bình và lỗi đến giới hạn.
 
Trong danh sách các chỉ tiêu phải giải thích rõ để tránh nhầm lẫn và hướng dẫn cách nhận biết lỗi theo chỉ tiêu đánh giá. Nhưng WWF 6 nước đã làm việc thiếu cơ sở khoa học và đưa ra kết luận vội vàng, vô lý. “Kể cả WWF có dùng 19 tiêu chí này để áp vào cá tra VN thì sản phẩm của VN chắc chắn sẽ thuộc nhóm “xanh” (sản phẩm thuộc vào tốp lựa chọn bền vững, an toàn sức khỏe và được kiểm soát về môi trường tốt nhất - PV) chứ không có chuyện “đỏ” (không nên mua).
 
Ông Cương cho biết, tại buổi làm việc với ông Mark Powell, Hội Nghề cá VN sẽ có văn bản phản bác và chứng minh sự phi lý của WWF.

Trong thông cáo gửi tới cơ quan báo chí ngày 9-12, WWF VN khẳng định: “WWF VN đồng ý với kiến nghị của Tổng cục Thủy sản trong lúc chờ đợi kết quả của đánh giá lại nên đưa cá tra, cá basa nuôi tại VN khỏi danh sách “không nên mua” (đỏ). Việc đánh giá trong tương lai cần được thực hiện với sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan”.  

19 câu hỏi của WWF

1. Hệ thống nuôi của loài có làm suy yếu nguồn cung cấp nước ngọt và/hoặc làm giảm chất lượng các thủy vực nước bởi vấn đề xâm nhập mặn?

 
2. Hệ thống nuôi của loài có yêu cầu làm thay đổi đất sử dụng/hoặc đáy biển?
 
3. Hệ thống sản xuất và thu hoạch có bảo đảm quyền lợi cho động vật và các quy định về giết mổ không?
 
4. Loài trong đánh giá này có lây truyền dịch bệnh thông thường và các dịch bệnh bùng phát ra các vùng xung quanh không?
 
5. Loài nuôi này có phụ thuộc vào nguồn cung thức ăn từ bên ngoài không?
 
6. Tỉ lệ khối lượng thức ăn bằng cá/trên khối lượng thành phẩm là bao nhiêu?
 
7. Tỉ lệ đạm và dầu (từ biển, rau, trên cạn) chiếm tỉ lệ lớn trong khẩu phần thức ăn có được nhận biết và có thể truy xuất được nguồn gốc không?
 
8. Tỉ lệ đạm và dầu từ nguồn thức ăn khai thác từ đánh bắt tự nhiên có được khai thác từ nguồn bền vững không?
 
9. Tỉ lệ rau, ngũ cốc trong phần lớn thức ăn có được cung cấp từ nguồn bền vững và có truy xuất nguồn gốc được không?
 
10. Có phải phần lớn hệ thống sản xuất phụ thuộc vào việc sử dụng hóa chất không?
 
11. Phần lớn hệ thống sản xuất thải trực tiếp ra hệ thống môi trường nước xung quanh?
 
12. Nguồn cá giống chủ yếu lấy từ đâu?
 
13. Có nguy cơ lan truyền dịch bệnh, ký sinh trùng ra các loài ngoài tự nhiên và môi trường xung quanh không?
 
14. Có nguy cơ thất thoát hay xâm nhập của loài ngoại lai từ hệ thống nuôi này không? Nếu có thì việc thất thoát có gây ra những ảnh hưởng bất lợi về mặt sinh thái không?
 
15. Nhìn chung, loại hình sản xuất này có gây ra các tác động bất lợi về mặt sinh thái cho các loài tự nhiên ngoài môi trường trong vùng không?
 
16. Các trại nuôi cá có tuân thủ theo các quy hoạch  môi trường chiến lược (cụ thể là quy hoạch về không gian, quản lý tổng hợp vùng bờ, quy hoạch lưu vực sông, quy hoạch năng lực tích lũy) không?
 
17. Có khung quy định để giải quyết các vấn đề sau đây không?: Quy hoạch môi trường, phòng tránh thất thoát, đánh giá tác động môi trường, quản lý an toàn sinh học và dịch bệnh, bảo vệ các sinh cảnh có giá trị, du nhập loài mới, sử dụng đất và nguồn nước, theo dõi/báo cáo về môi trường, sử dụng hóa chất, thải/ làm ô nhiễm nước, các vấn đề khác (nêu cụ thể).
 
18. Có khung quy định đối với loài nuôi này để giảm thiểu tác động tiêu cực một cách hiệu quả không?
 
19. Đa số người nuôi trong khu vực có nỗ lực trong việc hợp tác với bên thứ 3 trong việc cấp giấy chứng nhận và kiểm toán tại chỗ?

 

                                                                                         Theo NLĐ

Các tin khác


Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Giá vàng sáng 26/4

Ngày 26/4, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty vàng như sau: Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 82 - 84,32 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra).

Khách sạn đầu tiên của tỉnh Hoà Bình được công nhận tiêu chuẩn 4 sao

Cục Du lịch quốc gia Việt Nam - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) vừa ban hành Quyết định số 307/QĐ-CDLQGVN về việc công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch đối với khách sạn Sakura (tổ 5, phường Tân Thịnh, TP Hoà Bình). Theo đó, trên cơ sở căn cứ tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4391:2015, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam công nhận khách sạn Sakura đạt tiêu chuẩn 4 sao trong 5 năm, kể từ tháng 4/2024.

Thành phố Hòa Bình tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Là trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh, nhu cầu về nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng lớn, với nhiều dự án, công trình trọng điểm được triển khai, thời gian qua, Thành ủy, UBND thành phố Hòa Bình đã tập trung chỉ đạo các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025", huyện Lạc Thủy quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn

Chiều 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục