Thu hoạch cá basa tại An Giang

Thu hoạch cá basa tại An Giang

Năm 2010 nền kinh tế Việt Nam có rất nhiều biến động, trong đó có những sự kiện tác động lớn đến đời sống xã hội. Báo SGGP bình chọn 10 sự kiện đáng chú ý.

 

1. Vinashin rơi vào khủng hoảng

Ngày 9-7, tại trụ sở Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin) Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra về việc chấp hành chính sách pháp luật của Vinashin. Chiều 13-7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quyết định đình chỉ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinashin đối với ông Phạm Thanh Bình để kiểm điểm trách nhiệm và thanh tra, điều tra, làm rõ các sai phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

2. WWF đưa cá tra Việt Nam vào danh sách đỏ

Ngày 19-11, 6 thành viên WWF ở châu Âu đưa cá tra Việt Nam vào danh sách đỏ (khuyến cáo không nên dùng) trong cuốn cẩm nang Hướng dẫn tiêu dùng thủy sản năm 2010-2011. Ngày 7-12, VASEP họp báo, yêu cầu WWF đánh giá lại việc công bố trên, đồng thời mời đại diện WWF quốc tế đến Việt Nam để đối thoại trực tiếp.

Ngày 8-12, sau cuộc đối thoại với WWF Việt Nam, Tổng cục Thủy sản họp báo yêu cầu WWF đưa cá tra ra khỏi danh sách đỏ, và yêu cầu WWF cung cấp bộ tiêu chí và bản đánh giá.

Ngày 9-12, Tổng cục Thủy sản nhận được bộ tiêu chí 19 câu hỏi và bản đánh giá của WWF, và cho rằng, đó là bản đánh giá nghèo nàn về cơ sở khoa học. Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga cũng yêu cầu WWF đưa cá tra khỏi danh sách đỏ.

Ngày 15-12, ông Mark Powell, đại diện WWF quốc tế, đến đối thoại với Việt Nam và đồng ý sớm nhất trong ngày 16-12, sẽ đưa cá tra ra khỏi danh sách đỏ, đồng thời khuyên người tiêu dùng châu Âu sử dụng sản phẩm này.

Thu hoạch cá basa tại An Giang. Ảnh: ĐỨC TRÍ

3. Giá vàng tăng đột biến

Ngày 6-12, giá vàng thế giới đã có một phiên tăng thẳng đứng, bất ngờ cán mức 1.400USD/ounce rồi dừng ở mức kỷ lục 1.426 USD/ounce - mức giá cao chưa từng có trong lịch sử do các quỹ đầu cơ vào kim loại quý này tạo nên.

Giá vàng trong nước cũng biến động liên tục theo hướng tăng cùng giá vàng thế giới trong thời điểm giữa tháng 11 và đầu tháng 12. Trong đó, đỉnh điểm là vào lúc 10 giờ 30 ngày 9-12, trên thị trường tự do giá kim loại quý này đã có lúc chạm mức 38,2 triệu đồng/lượng, tạo ra cơn sốt trên thị trường.

4. Hợp long hầm Thủ Thiêm - hầm dìm lớn nhất Đông Nam Á

Đúng 10 giờ sáng 21-9, tại đốt hầm thứ 4, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TPHCM và nhà thầu Obayashi Nhật Bản, đơn vị xây hầm Thủ Thiêm, đã tổ chức lễ hợp long hầm Thủ Thiêm, đường hầm vượt sông Sài Gòn. Đây là công trình hầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á; đồng thời là hạng mục quan trọng nhất của dự án Đại lộ Đông Tây.

Đường hầm Thủ Thiêm có tổng chiều dài 1.490m, bao gồm 585m hầm dẫn phía Khánh Hội (quận 1), 535m hầm dẫn phía Thủ Thiêm (quận 2), và 4 đốt hầm dìm với tổng chiều dài 370m. Hầm có mặt cắt ngang rộng 33,3m với hai lối thoát hiểm và 2 hướng lưu thông, tổng cộng 6 làn xe.

Lễ hợp long hầm vượt sông Sài Gòn. Ảnh: CAO THĂNG

5. Hoàn thành xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Đến 24-12, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã chính thức hoàn thành. Kể từ khi đón dòng dầu đầu tiên (ngày 22-9-2009) đến nay, nhà máy đã chế biến gần 7 triệu tấn sản phẩm, xuất bán hơn 6,8 triệu tấn xăng, dầu các loại.

Năm 2010, ước doanh thu của nhà máy khoảng 53.800 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước khoảng 14.000 tỷ đồng. Để phát huy hiệu quả của dự án, nhà máy đang lên phương án mở rộng, nâng công suất từ 6,5 triệu tấn lên 10 triệu tấn/năm, dự kiến đến năm 2015, dự án mở rộng nhà máy sẽ hoàn thành.

6. Việt Nam gia nhập Liên minh Hàng không toàn cầu

Ngày 10-6, Vietnam Airlines đã chính thức gia nhập Liên minh Hàng không thế giới - Sky Team, trở thành bước ngoặt lớn trong lịch sử ngành hàng không dân dụng Việt Nam. Ngành hàng không VN đã vươn lên để đáp ứng các yêu cầu khắt khe về an toàn - an ninh, công nghệ thông tin, đồng nhất chất lượng dịch vụ tiêu chuẩn cao như các hãng thành viên trong liên minh hàng không thế giới.

7. Du lịch Việt Nam phát triển trong khi kinh tế toàn cầu suy giảm

Ngành du lịch Việt Nam đã đón vị khách quốc tế thứ 5 triệu vào những ngày cuối năm 2010, khép lại một năm thành công vượt bậc của du lịch Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng trên 30% so với năm 2009.

Du lịch Việt Nam được đánh giá là một trong 10 thị trường du lịch tăng trưởng du lịch cao nhất thế giới trong năm 2010. TPHCM - nơi đón hơn 60% lượng khách quốc tế đến Việt Nam cũng đã đón vị khách quốc tế thứ 3 triệu vào ngày 23-12. Dự kiến, TPHCM sẽ đón hơn 3,1 triệu khách quốc tế trong năm 2010.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng chúc mừng du khách quốc tế thứ 3 triệu đến TPHCM năm 2010 . Ảnh: CAO THĂNG

8. Xuất khẩu tăng trưởng mạnh, dệt may lên vị trí số 1

Xuất khẩu cả năm 2010 đạt trên 70 tỷ USD, vượt gần 10 tỷ USD so với chỉ tiêu ban đầu. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao và năm 2010 đã có thêm hạt điều tham gia vào tốp ngành hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Sau khi dầu thô được ưu tiên cho chế biến trong nước, dệt may đã chính thức trở thành ngành xuất khẩu số 1 của Việt Nam và liên tục trong 6 tháng cuối năm đã đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD/tháng, tăng gần 25% so với năm trước. Xuất khẩu cao su lần đầu tiên vượt mức 2 tỷ USD.

9. Lãi suất huy động của ngân hàng tăng đột ngột

Ngày 11-11, một số ngân hàng thương mại (NHTM) đột ngột tăng lãi suất vay mượn vốn lẫn nhau, có ngân hàng kỳ hạn vay tuần đã lên trên 21%/năm, gấp gần 3 lần so với trước đó một tháng. Vì thế các ngân hàng đã chuyển sang huy động vốn của dân.

Một số NHTM đã đẩy lãi suất tiền gửi tới mức 17%-18%/năm, cao hơn rất nhiều so với trần lãi suất huy động được các ngân hàng đồng thuận thông qua Hiệp hội ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước đã phải có nhiều biện pháp chấn chỉnh quyết liệt, lãi suất tiền gửi của các NHTM mới tạm ổn định.

10. Khánh thành tòa nhà cao nhất Việt Nam

Tối 31-10, tòa nhà Bitexco Financial Tower 68 tầng, cao 262m - cao nhất Việt Nam hiện nay - đã làm lễ khánh thành. Về mặt thiết kế, tòa nhà có dáng một búp sen và một sân đỗ máy bay trực thăng. Sân đỗ máy bay trực thăng nằm ở tầng 50 (độ cao 191m), vươn ra ngoài không gian 22m so với kết cấu tòa nhà, có thể tiếp nhận máy bay trực thăng loại 2 - 10 chỗ.

Tổng vốn đầu tư tòa nhà này lên tới 270 triệu USD. Tòa nhà có một vị trí đặc biệt ở tầng 47, được dành làm nơi quan sát toàn cảnh TPHCM cho khách du lịch. Người dân và du khách có thể lên đây để ngắm cảnh quan TP ở độ cao gần 200m. 

 

                                                                                     Theo SGGP

 

 

Các tin khác


Thẩm định mô hình, điển hình tiên tiến tại huyện Kim Bôi, Cao Phong

Ngày 2/5, đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm tra các mô hình, điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Kim Bôi và Cao Phong.

Xử lý nghiêm tập thể, cá nhân làm chậm tiến độ triển khai dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu

Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+000 - Km53+000 trên địa bàn tỉnh) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực Tây Bắc. Tuy nhiên tiến độ triển khai chậm, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, chuyển mục đích sử dụng rừng, cắm mốc, trích đo, giải phóng mặt bằng (GPMB)...

Công khai người nộp thuế nợ thuế đến ngày 31/3/2024

Ngày 25/4, Cục Thuế tỉnh có Công văn số 1991/CTHBI-QLN về việc công khai người nộp thuế nợ thuế.

Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế cạnh tranh để phát triển

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo kết luận số 179/TB-VPCP, ngày 23/4/2024 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình ngày 13/4/2024.

Gìn giữ và phát triển thương hiệu bột sắn dây Nhuận Trạch

Cuối năm 2023, sản phẩm tinh bột sắn dây của Hợp tác xã (HTX) liên kết dịch vụ nông nghiệp và chế biến tinh bột Nhuận Trạch ở thôn Đồng Sẽ, xã Nhuận Trạch (Lương Sơn) được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đối với người dân địa phương, sắn dây từng là cây trồng giúp bà con cải thiện thu nhập, xóa đói, giảm nghèo. Việc chứng nhận tinh bột sắn dây đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao là tiền đề để các hộ tiếp tục giữ gìn và phát triển, đưa sản phẩm vươn xa hơn trên thị trường.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo sức bật cho phát triển

Phát biểu tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư, hợp tác xã Xuân Giáp Thìn, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh khẳng định: "Với phương châm chính quyền đồng hành cùng DN, Hòa Bình luôn xác định thành công của DN cũng là thành công của tỉnh; khó khăn, vướng mắc của các DN là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp”. Phương châm đó được thực hiện xuyên suốt, hiệu quả, tạo nên dấu ấn trong quá trình phát triển của tỉnh và cộng đồng DN trong tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục