Mặc dù các cơ quan quản lý tăng cường việc kiểm tra niêm yết giá bằng ngoại tệ nhưng trên thị trường vẫn tràn lan cửa hàng niêm yết công khai giá hàng hóa, dịch vụ bằng USD, đặc biệt tại các công ty du lịch, nghỉ dưỡng, dịch vụ làm đẹp, xe nhập khẩu...

Một thẩm mỹ viện trên đường 3-2 niêm yết giá bằng VND và USD - Ảnh: T.T.D.

Việc niêm yết giá hàng hóa dịch vụ bằng ngoại tệ vừa sai luật mà còn gây thiệt thòi cho người tiêu dùng.

Sai luật

Anh T. (Q.3, TP.HCM) cho biết có yêu cầu Công ty du lịch Hoàn Mỹ (273B An Dương Vương, P.3, Q.5) làm dịch vụ khai lại visa đi Mỹ. Ngoài số tiền phải đóng để xin visa, phần phí dịch vụ công ty cũng yêu cầu phải trả bằng USD, trường hợp muốn trả bằng VND, công ty sẽ tính theo tỉ giá tự do ngày 21-3 là 21.400 đồng/USD. Anh T. không đồng ý vì trên lãnh thổ VN yêu cầu trả phí dịch vụ bằng USD là vô lý và sai luật.

Xử phạt nhiều trường hợp niêm yết bằng giá USD

Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết vừa tiếp tục kiểm tra và phát hiện thêm các cơ sở niêm yết giá bằng ngoại tệ không được phép. Cụ thể, đội quản lý thị trường 1B kiểm tra Công ty TNHH một thành viên My (đường Thi Sách, P.Bến Nghé, Q.1) niêm yết giá dịch vụ chăm sóc da, cắt móng bằng USD.

Ngoài ra, còn có sáu cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ khác niêm yết giá bằng USD đã bị lực lượng quản lý thị trường xử phạt vi phạm hành chính.

Tương tự, trên trang web của thẩm mỹ viện ND, trụ sở chính nằm ở đường 3-2, P.12, Q.10, bảng giá các dịch vụ chăm sóc da, hút mỡ, điều trị da bằng kỹ thuật laser... đều được niêm yết bằng USD. Cụ thể, điều trị sắc tố da (gồm nám, tàn nhang, đồi mồi, rối loạn sắc tố...) giá 150-200 USD, điều trị các loại mụn từ 50-150 USD, hút mỡ bụng từ 1.500-3.000 USD...

Lần theo địa chỉ trên trang web này, đến trụ sở thẩm mỹ viện ND nói trên, nhân viên thẩm mỹ viện cung cấp cho chúng tôi hai bảng báo giá gồm bốn trang giấy A4, niêm yết giá tất cả các dịch vụ thẩm mỹ. Nhiều dịch vụ được niêm yết song song giá USD và VND tương đương. Nhân viên thẩm mỹ viện này cho biết việc niêm yết giá bằng USD là do có phục vụ cả khách hàng người nước ngoài.

Tuy nhiên, ngay cả với khách hàng trong nước, nhân viên tư vấn khẳng định có thể thanh toán bằng VND hoặc USD nhưng giá VND được niêm yết chỉ mang tính tương đối vì đơn vị này sẽ quy đổi theo tỉ giá USD tự do ngay tại thời điểm thanh toán.

Đẩy rủi ro cho người tiêu dùng

Khảo sát tại nhiều cửa hàng bán xe ở “chợ” bán xe TP.HCM như Lý Tự Trọng, Phan Đăng Lưu, Hoàng Văn Thụ..., chúng tôi nhận thấy giá bán những dòng xe tay ga nhập khẩu ở đây đều được tính bằng USD.

Khi chúng tôi hỏi dòng xe tay ga Honda SHi 2010 nhập khẩu thì đều được thông báo giá xe màu xám và đỏ là 8.150 USD, xe màu đen là 8.200 USD, màu trắng 8.250 USD và màu xanh giá 8.500 USD, bao gồm cả thủ tục làm giấy tờ xe.

Tùy cửa hàng sẽ lấy tỉ giá khác nhau. Một cửa hàng trên đường Cách Mạng Tháng Tám chọn tỉ giá 21.000 đồng/USD, có cửa hàng trên đường Lý Tự Trọng chọn tỉ giá thời điểm ngày 21-3 là 21.350 đồng/USD. Thậm chí có cửa hàng bán những dòng xe tay ga nhập khẩu đã qua sử dụng cũng tính giá theo USD.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thế Khải - giám đốc Công ty du lịch Hoàn Mỹ - thừa nhận công ty có nhận làm dịch vụ khai lại visa cho những khách hàng cũ đã đi du lịch Mỹ nay phải làm lại visa và phí này tính bằng USD. Việc này là không đúng, công ty sẽ điều chỉnh từ ngày 22-3.

Một số doanh nghiệp khác lấy lý do niêm yết bằng giá ngoại tệ vì khi nhập khẩu phải thanh toán bằng USD nhưng doanh nghiệp mua USD khó khăn, thường phải mua với giá tương đương thị trường tự do.

Bán theo USD, báo cho Ngân hàng Nhà nước

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, trên lãnh thổ Việt Nam mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại tệ trừ các tổ chức tín dụng, hải quan, sân bay...

Trường hợp đặc biệt phải giải trình được việc niêm yết giá ngoại tệ là hợp lý. Đích thân thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét cho phép nhưng đến nay chưa có trường hợp nào được niêm yết giá theo cơ chế đặc biệt này.

Theo ông Minh, việc các đơn vị kinh doanh niêm yết giá bán bằng ngoại tệ hoặc song song hai tỉ giá là sai. Người tiêu dùng gặp trường hợp này có thể thông báo cho Ngân hàng Nhà nước, quản lý thị trường hoặc công an kinh tế, công an quận huyện...

                                                                               Theo Báo Tuoitre

Các tin khác


Điều kiện để trái bưởi tươi Việt Nam xuất khẩu vào Australia

Quả bưởi tươi của Việt Nam có thể được phép nhập khẩu vào thị trường Australia nếu sản phẩm đáp ứng các điều kiện an toàn sinh học.

Quyết liệt các giải pháp tăng nguồn thu ngân sách

Hiện đã qua 1/3 chặng đường thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024. Bằng việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt các giải pháp nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu, quản lý thu, tỉnh Hòa Bình đã đạt kết quả tích cực trong thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Huyện Tân Lạc phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi thời điểm nắng nóng

Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường là môi trường thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát, lây lan trên đàn vật nuôi. Do đó, huyện Tân Lạc đã chỉ đạo các ngành chức năng và các xã, thị trấn phối hợp, hướng dẫn người chăn nuôi phương pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Chọn vàng hay bất động sản?

Vàng và bất động sản là 2 danh mục đang được người dân quan tâm bởi nhu cầu thực, tích lũy hay đầu tư đều lớn.

Thủ tướng chỉ thị về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thẩm định mô hình, điển hình tiên tiến tại huyện Kim Bôi, Cao Phong

Ngày 2/5, đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm tra các mô hình, điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Kim Bôi và Cao Phong.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục