Người dân xã Piềng Vế nhận gạo cứu trợ

Người dân xã Piềng Vế nhận gạo cứu trợ

(HBĐT) - Trong khi cái đói của “tháng ba, ngày tám” đang trở nên khó khăn hơn với 3.969 hộ nghèo của huyện Mai Châu thì quyết định ngày 24/5/2011 của UBND huyện Mai Châu như chiếc “phao cứu sinh” đối với bà con, tạo nên sự xúc động, biết ơn sâu sắc của hàng ngàn người. Theo quyết định này, mỗi khẩu thuộc hộ nghèo sẽ được hỗ trợ 3 kg gạo. Số gạo tuy không nhiều nhưng cũng đủ làm ấm lòng bà con lúc giáp hạt.

 

Trưa tháng 5 trời nắng nóng, con đường vòng vèo đưa chúng tôi về xã Piềng Vế khi mặt trời đã đứng bóng nhưng các cán bộ của Phòng LĐ–TB &XH huyện Mai Châu cùng các cán bộ xã Piềng Vế vẫn miệt mài bốc từng bao gạo từ xe ô tô xuống. Chị Hà Thị Dung, cán bộ LĐ- TB&XH xã với khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi vẫn tươi cười nói: “Nghe tin có gạo cứu đói, chúng tôi đã chờ ở đây từ sáng sớm để nhanh đưa gạo về giúp bà con”.

 

Xã Piềng Vế là một trong những xã khó khăn của huyện. Đây là xã có hơn 90% hộ dân sản xuất nông nghiêp, trong đó có 88 hộ nghèo với 402 khẩu được nhận gạo cứu đói. Có mặt tại xóm Vanh, chúng tôi chứng kiến những nụ cười rạng rỡ của người dân và thấm thía giá trị của những hạt gạo khi đói. Cùng với mọi người đứng chờ nhận gạo, ông Hà Văn Định xóm vanh vui vẻ kể: “Gia đình tôi có 3 khẩu, trong đó, 2 ông bà đã già yếu và 1 cháu nhỏ, các con đã lập gia đình, hoàn cảnh kinh tế cũng không khá giả gì. Nhà chỉ làm nông nghiệp, không có nghề phụ nên rất khó khăn. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, gia đình tôi được hỗ trợ gần 10 kg gạo, tôi thật sự cảm ơn Đảng, Nhà nước và chính quyền đã quan tâm tới những người nghèo”.

 

Cùng niềm vui như người dân xóm Vanh, xã Piềng Vế, tại xóm Nà Mòn, xã Bao La, thương binh Lường Văn Bun, 60 tuổi và người dân nghèo trong xã hôm nay cũng dậy sớm hơn mọi ngày bởi  họ được biết sáng nay gạo đã về đến xóm và sẽ nhanh chóng phát cho những người nghèo như ông. Ông Bun cho biết, nhà chỉ còn hai ông bà già, trông chờ vào 2 sào ruộng nhưng do bị ảnh hưởng của thời tiết nên năng suất lúa vụ mùa vừa qua kém, 10 ngày nay, trong nhà không còn gạo ăn, anh em họ hàng cũng không dư dật nhiều để có thể giúp đỡ mãi, nay được Nhà nước cứu trợ gạo giúp gia đình tôi vượt qua khó khăn này, tôi biết ơn Đảng, Chính phủ nhiều lắm.

 

Cùng hoàn cảnh khó khăn như ông Bun, gia đình ông Hà Văn Tấm ở xòm Lọng Sắng, xã Bao La tâm sự: Nhà có hai ông bà già và một đứa cháu,  con cháu đều tách ra ở riêng nhưng đứa nào cũng khó khăn nên không giúp đỡ được bố mẹ là bao. Hai vợ chồng già chỉ nhìn vào 1 sào ruộng và không có thêm nguồn thu nhập nào khác. “Có gần 1 yến gạo trợ cấp, ông bà ăn được nửa tháng, chờ khi lúa chín là vừa. Vui lắm, chỉ biết cảm ơn Đảng, Nhà nước thôi” Ông Tấm xúc động.

 

Trao đổi với ông Bùi Ngọc Tiến, Chủ tịch UBND xã Piềng Vế, chúng tôi được biết, do thời tiết quá khắc nghiệt, hạn hán kéo dài nên vụ mùa năm 2010, trên địa bàn xã có 2/3 diện tích không chủ động được nguồn nước đã ảnh hưởng nhiều đến sản xuất, sâu bệnh lại tăng khiến năng suất sụt giảm dẫn đến số hộ, số người bị đói giáp hạt tăng hơn mọi năm. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều xã ở Mai Châu. Mùa giáp hạt năm nay, xã Piềng Vế có 88 hộ với 402 khẩu cần được cứu trợ gạo. Sau khi nhận được gạo cứu trợ, xã đã tổ chức cấp ngay cho dân theo phương châm cấp đúng, cấp đủ số lượng gạo theo tiêu chuẩn quy định 1.206 kg.

 

Theo Quyết định số 363 ngày 24/5/2011 của UBND huyện Mai Châu, 960 hộ nghèo với 4.304 khẩu ở 19 xã trên địa bàn sẽ được cấp 12.912 kg gạo, mức hỗ trợ 3 kg gạo/ khẩu. Nguồn kinh phí hỗ trợ được trích từ Quỹ đảm bảo xã hội của huyện. Trong đó, xã được hỗ trợ nhiều nhất là Bao La với 2.124 kg gạo cho 147 hộ, 708 nhân khẩu, nhận mức hỗ trợ thấp hơn là các xã Piềng Vế, Cun Pheo, Phúc Sạn, Nà Mèo, trung bình khoảng hơn 1,2 tấn mỗi xã. Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện, hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo (tiêu chí mới) trong toàn huyện là 32,6%, tương đương với 3.969 hộ. Hộ nghèo thiếu ăn  tháng giáp hạt chiếm 24,1% tổng số hộ nghèo trong toàn huyện

 

Việc cấp gạo đến tận tay người dân được chính quyền địa phương thực hiện nghiêm túc. Bà con hết sức vui mừng, phấn khởi khi được nhận gạo, cũng là nhận sự quan tâm của Đảng, Nhà nước.

 

  Thanh Tuyền

 

Các tin khác


Cao Phong - miền quê trù phú, giàu bản sắc

Cao Phong nổi tiếng với đặc sản mía, cam, bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc anh em. Miền quê trù phú, giàu bản sắc đang trên đà phát triển, khẳng định thế mạnh và hướng đi đúng đắn trong phát triển KT-XH.

Thành phố Hòa Bình bắt nhịp đà tăng trưởng

Thành phố Hòa Bình đã và đang có những đổi thay mạnh mẽ về hệ thống hạ tầng, phát triển đô thị, tạo ra sức sống, diện mạo mới và đảm đương tốt vị trí đầu tàu về KT-XH của tỉnh.

Những người thực hiện hoài bão đưa nông sản “xuất ngoại”

Với lợi thế sẵn có về khí hậu, đất đai, nông sản phong phú, nhiều tiềm năng... ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, từng bước khẳng định vị thế một số nông sản đặc trưng địa phương trên thị trường quốc tế. Trong đó, tín hiệu tích cực trong xuất khẩu nông sản những năm gần đây có sự đóng góp không nhỏ của những người "nặng lòng” với nông nghiệp địa phương.

Lương Sơn vùng đất anh hùng

Viết tiếp truyền thống vẻ vang trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lương Sơn luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo dựng xây quê hương ngày một đổi mới.

Sức vươn Lạc Thuỷ

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lạc Thuỷ không ngừng nỗ lực, đạt được những bước phát triển mạnh mẽ. Huyện tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo môi trường thu hút nguồn lực đầu tư phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và dịch vụ thương mại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục