Tiếp tục đóng góp cho 10 nội dung bản kiến nghị “Kinh tế VN - những vấn đề trung và dài hạn” của Ủy ban Kinh tế (Quốc hội khóa XII), Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, xoay quanh việc cơ cấu lại hệ thống ngân hàng (NH) thương mại. Ông Du nói:

- Hiện nay số lượng NH quá nhiều, trong đó nhiều NH năng lực rất yếu. Tôi cho rằng cơ cấu lại hệ thống NH thương mại trước hết cần giảm bớt số lượng NH thương mại nói riêng và các tổ chức tài chính nói chung thông qua việc nâng chuẩn hoạt động. Khi đó những NH không đủ tiêu chuẩn để hoạt động toàn quốc có thể phát triển theo kiểu NH khu vực, bị giới hạn trong một phạm vi hoạt động nhất định tùy theo mức vốn cụ thể.

Với quy định trên, các NH nhỏ muốn mở rộng phạm vi hoạt động sẽ tự động sáp nhập với nhau. Hiện nay tất cả NH đều hoạt động toàn quốc nên mức độ rủi ro rất cao.

Không nên lo rằng khi giảm số lượng NH thì các NH còn lại sẽ “một mình một chợ”. Nếu trong nước chỉ có 3-4 NH cũng không phải độc quyền vì VN đã mở cửa, các NH nước ngoài vào rất nhiều. Hiện nay chính vì có quá nhiều NH nhỏ, yếu, dẫn đến khi NH nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh hơn hẳn vào thì các NH trong nước gặp bất lợi vì không cạnh tranh được.

Hiện nay hệ thống NH VN ở trong tình trạng vừa thừa vừa thiếu: thiếu các tổ chức tài chính vi mô phục vụ người nghèo hoặc một cộng đồng nào đó trong khi có quá nhiều NH nhỏ, yếu.

Các cơ quan quản lý cũng phải giảm thiểu việc áp dụng các công cụ hành chính, thay thế bằng các quy định mang tính thị trường. Hiện nay các công cụ hành chính đã tạo lợi thế cho các NH, gánh nặng đẩy vào nền kinh tế. Cụ thể là quy định về trần LS huy động đang “lấy của người nghèo chia cho người giàu”, người gửi phải chịu lãi thấp, người vay phải chịu lãi cao, trong khi các NH đều công bố lợi nhuận lớn.

* Thời gian qua có vẻ điều hành kinh tế quá tập trung vào chính sách tiền tệ?

- Thực tế trong bất kỳ nền kinh tế nào cũng có hai nền kinh tế chạy song song: nền kinh tế thực, tức nền kinh tế hàng hóa, dịch vụ và nền kinh tế tiền tệ (tất cả đo bằng tiền). Với góc độ cá nhân, đo lường sự giàu có bằng tiền. Dưới góc độ quốc gia, đo bằng lượng hàng hóa, dịch vụ tạo ra.

Thời gian qua cơ quan điều hành kinh tế tập trung quá nhiều vào nền kinh tế tiền tệ (tổng phương tiện thanh toán, tăng tín dụng...) mà không biết nguồn vốn đổ vào đâu, tạo ra bao nhiêu hàng hóa. Một nền kinh tế tiền tệ do bơm tiền quá nhiều và sử dụng không hiệu quả sẽ dẫn đến nguồn lực bị lãng phí, sức cạnh tranh của nền kinh tế không được khai thác hợp lý.

Kiến nghị của tôi là Chính phủ nên tập trung vào nền kinh tế hàng hóa, nền kinh tế thực nhằm tăng sức cạnh tranh.

* Trong hoạt động tài chính hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng chúng ta có quá nhiều cơ quan cùng giám sát hệ thống tài chính?

- Hiện nay có bốn cơ quan giám sát hoạt động tài chính: NH Nhà nước giám sát hoạt động của NH thương mại, Ủy ban Chứng khoán giám sát thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính giám sát hoạt động bảo hiểm, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia có vai trò tư vấn nhiều hơn giám sát. Như vậy là không ổn vì trong hoạt động của một NH thương mại bao gồm tất cả lĩnh vực trên.

Theo tôi, nên xây dựng Ủy ban Giám sát thành cơ quan giám sát tài chính hợp nhất cho toàn thị trường. Khi đó sẽ đẩy chức năng giám sát của thanh tra NH Nhà nước, của Ủy ban Chứng khoán, Bộ Tài chính sang cho Ủy ban Giám sát. Vấn đề là phải xây dựng cơ quan giám sát điều tiết hợp nhất, mạnh của VN. Đó phải là cơ quan giám sát điều tiết đúng nghĩa.

Đồng thời NH trung ương nên độc lập khỏi Chính phủ, trực thuộc Quốc hội và thực hiện chức năng duy nhất là ổn định giá cả, trở thành một đối trọng của Chính phủ. Khi đó NH Nhà nước không chịu trách nhiệm vì mục tiêu tăng trưởng mà chỉ tập trung vào nền kinh tế tiền tệ. Còn Chính phủ tập trung vào nền kinh tế thực, vào cải thiện khả năng tạo ra hàng hóa, việc làm cho nền kinh tế.

 

                                                                                Theo Báo Tuoitre

 

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục