Ở các nước phát triển, vấn đề cát xây dựng đạt tiêu chuẩn xây dựng rất được chú trọng. Riêng ở Việt Nam, nhất là các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), tình trạng lấy cát từ lòng sông lên sử dụng trực tiếp, không qua xử lý diễn ra rất phổ biến. Ðiều này rất nguy hại cho chất lượng công trình xây dựng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả đầu tư xây dựng cũng như kết cấu hạ tầng kỹ thuật.

 

Thực trạng sử dụng cát xây dựng tại ÐBSCL đáng lo ngại. Hầu hết các chủ đầu tư mới chỉ quan tâm tìm mua sắt, thép, xi-măng... với thương hiệu lớn mà bỏ quên vai trò không kém phần quan trọng của các vật liệu như cát, đá. Ðây là vấn đề cần phải nhanh chóng khắc phục trong công tác quản lý, nâng cao chất lượng công trình xây dựng cơ bản, không chỉ riêng vùng ÐBSCL, mà cả ở các địa phương khác.

Anh Nguyễn Hải Bắc, chủ thầu công trình xây dựng dân dụng TP Cần Thơ cho biết: Hiện nay, việc nhiều chủ đầu tư, gia đình đều chọn mua vật liệu xây dựng đạt tiêu chuẩn chất lượng được đặt lên hàng đầu, trong đó có xi-măng, gạch... Tuy nhiên, xu hướng sử dụng cát sạch trong các công trình xây dựng không được quan tâm lựa chọn, và nơi cung cấp cho thị trường sản phẩm cát, đá sạch đã qua sàng rửa đạt tiêu chuẩn xây dựng cũng ít. 

Theo tiêu chuẩn Việt Nam 1770:1986: Cát dùng cho xây dựng phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt về độ lớn của hạt, tỷ lệ hàm lượng bùn, bụi, sét có trong cát, tỷ lệ hạt lớn nhỏ... Giám đốc Trung tâm Kiểm định và Tư vấn xây dựng, Trường đại học Cần Thơ Trần Minh Thuận cho rằng: Cát xây dựng đòi hỏi thành phần cấp phối của cát và đường kính hạt của cát từ 2,5 ly đến 0,14 ly. Thành phần mịn hơn 0,14 ly và tỷ lệ bụi, bùn, sét, tạp chất hữu cơ không quá 3% đối với bê-tông mác dưới 300 và không quá 2% đối với loại mác từ 300 trở lên. Thực tế, cát đã qua sàng rửa, có thể đạt tới tỷ lệ dưới 1% bụi, bùn, sét, tạp chất hữu cơ...

Ở các nước phát triển, cát khai thác về được đưa vào nhà máy xử lý qua nhiều khâu như sàng, rửa, trộn... thì cát thiên nhiên mới trở thành cát xây dựng. Kỹ sư xây dựng Hà Văn Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm định và Quy hoạch xây dựng, Sở Xây dựng TP Cần Thơ khẳng định: Một công trình dùng cát không đúng tiêu chuẩn có lẫn tạp chất sẽ xuất hiện thấm dột, nhất là hiện tượng bắt đầu hư hỏng sau khoảng 30 năm. Nếu sử dụng cát đạt tiêu chuẩn, đúng kỹ thuật thì 50 đến 70 năm vẫn chưa phát hiện được dấu hiệu suy giảm chất lượng, vấn đề này người sử dụng không thấy được.

Trên thực tế, các công trình không bảo đảm chất lượng do nhiều nguyên nhân, trong đó việc sử dụng cát không đủ tiêu chuẩn ít nói đến, ít ai đặt ra, chưa thành tài liệu thống kê để nghiên cứu. Mặc dù, Nhà nước đã có quy định loại cát nào mới được sử dụng trong công trình, có những tiêu chuẩn đã được ban hành. Tuy nhiên, nếu áp dụng theo tiêu chuẩn chất lượng xử lý sàng rửa cát, đá trước khi đưa vào sử dụng thì ít công trình thực hiện đúng quy định vì trên thị trường ít có nhà máy xử lý cát đạt tiêu chuẩn xây dựng, mà chỉ sử dụng trực tiếp cát lấy từ lòng sông, hồ, suối..., sau đó sàng khô bằng thủ công hoặc bằng máy nhưng vẫn không bảo đảm sạch. Ngoài ra, để kiểm tra tại công trường là việc khó kiểm soát vì mỗi phương tiện khai thác cát từ lòng sông về có chất lượng khác nhau.

"Nếu cát chỉ sàng rửa thủ công sẽ không tách được bụi, bùn sét hữu cơ bám trong hạt cát. Qua kiểm nghiệm, ép mẫu về cường độ, và mặt chịu lực sau thời gian một tháng thì có thể thấy đạt chất lượng trước mắt, nhưng một thời gian sau thì "ủ bệnh", xuất hiện hiện tượng thấm, dột, nứt...". Kỹ sư Hà Văn Thanh cho biết thêm. 

Thực tế, nhiều công trình sử dụng vật liệu (trong đó có cát, đá) không đạt tiêu chuẩn chỉ vài năm đã có dấu hiệu xuống cấp, chủ đầu tư lại phải bỏ ra chi phí sửa chữa thường xuyên, gia cố,... rất tốn kém, lãng phí. Do đó, cát, đá sạch đạt tiêu chuẩn xây dựng là một trong những điều kiện cần thiết cho chất lượng và tuổi thọ công trình.

Trong khi tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, nhà cao tầng đang mọc lên ngày càng nhiều, nhưng cát xây dựng chưa được chuẩn hóa, được cung cấp cho công trình theo tập quán, không qua xử lý để đạt tiêu chuẩn cát xây dựng,  thì liệu trong số những công trình đó, có bao nhiêu công trình sử dụng cát đúng tiêu chuẩn chất lượng? Nếu một đô thị có tỷ lệ công trình sử dụng cát không đạt tiêu chuẩn nhiều và phổ biến thì chất lượng công trình xây dựng sẽ không bền vững và tính bền vững trong quá trình phát triển của đô thị tiềm tàng nhiều nguy cơ bất ổn, nhất là chi phí cho công trình sử dụng 100 năm sẽ thấp hơn chi phí cho công trình sử dụng từ 30 đến 40 năm. Ðây là vấn đề cần phải được nhìn nhận và có giải pháp kịp thời cho sự phát triển bền vững của cơ sở hạ tầng cũng như đô thị trong tương lai.

VÕ THÀNH

TS Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định chất lượng các công trình xây dựng (Bộ Xây dựng):

Tôi đã đi kiểm tra nhiều công trình xây dựng, và phát hiện thấy một số công trình kém chất lượng có nguyên nhân từ cát. Qua đây cũng khuyến cáo các chủ đầu tư xây dựng nên dùng cát bảo đảm chất lượng, không nên dùng cát trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

 

                                                                  Theo NhanDan

Các tin khác


Quản lý, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản

Những năm gần đây, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường năng lực công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản. Từ đó góp phần nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh tại thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu, nhất là bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.

Giá vàng sáng 29/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 29/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 83 - 85,22 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra).

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục