Bí thư chi bộ xóm Máy 3, xã Hòa Bình (TPHB) Hà Văn Hòa bên luống bí đỏ lấy hạt.

Bí thư chi bộ xóm Máy 3, xã Hòa Bình (TPHB) Hà Văn Hòa bên luống bí đỏ lấy hạt.

(HBĐT) - Mô hình đang được bà con ở xóm Máy 3, xã Hòa Bình (TPHB) sử dụng trên những mảnh đất kém màu mỡ nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 5 - 6 lần so với canh tác lúa.

 

Tháng 10/2009, được sự cho phép của xã, Công ty TNHH Việt Nông tại Xuân Lộc (Đồng Nai) đã ký hợp đồng với một số hộ dân của xã Hòa Bình để trồng mướp đắng, bí đỏ lấy hạt. Theo hợp đồng, Công ty sẽ hỗ trợ tiền giống, phân bón, bạt che và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho bà con. Ngược lại, bà con cần tuân thủ các kỹ thuật trồng cây và bán hạt mướp, bí đã được phơi khô cho công ty với giá bình quân 250.000 đồng /kg.

 

Là người đầu tiên tham gia trồng mướp đắng, bí đỏ lấy hạt ở xóm Máy 3, anh Hà Văn Hội cho biết: Vụ đầu tiên, gia đình trồng thử 400 m2. Sau hơn 2 tháng thu hoạch được 19 kg hạt khô, bán được gần 5 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 4 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn thu được gần 2, 5 tạ cùi và ngọn bí đỷ, bán với giá 4.000 đồng /kg thu về gần 2 triệu đồng. Cùi và vỏ mướp đắng tuy không bán được nhưng lại trở thành nguồn thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao cho lợn, cá của gia đình. Tính ra, ngay vụ đầu tiên trồng thử nghiệm mướp đắng, bí đỏ, gia đình anh Hội thu về hơn 6 triệu đồng. So với trước, cũng trên mảnh đất này, mỗi năm, gia đình anh canh tác 2 vụ lúa, bình quân mỗi vụ chỉ thu được hơn 1 tạ thóc, quy ra cũng chỉ được hơn 800.000 đồng. Chưa kể có những vụ lúa bị sâu bệnh, hạn hán, mất mùa, gia đình anh chỉ thu được chưa đầy 50 kg thóc, thậm chí mất trắng. Nhưng với hướng đi mới này, tính từ năm 2009 đến nay, gia đình anh đã có được nguồn thu nhập ổn định từ việc trồng 2 vụ mướp đắng, bí đỏ /năm. Bình quân mỗi năm, gia đình anh Hội thu về 26 triệu đồng. Năm 2011, khi giá hạt mướp đắng, bí đỏ khô được thu mua với giá  370.000 đồng /kg nên anh quyết định tăng diện tích trồng vụ xuân này lên gần 2.000 m2. ước tính, anh sẽ thu về hơn 50 triệu đồng /năm sau khi đã trừ chi phí.

 

Nhận thấy việc trồng bí đỏ, mướp đắng đem lại hiệu quả kinh tế cao cũng như phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, trình độ canh tác nên nhiều bà con xóm Máy 3 cũng đã bắt đầu áp dụng trồng mướp, bí trên những mảnh ruộng của mình thay cho cây lúa. Nói về sự thay đổi đó, ông Hà Văn Hòa, Bí thư chi bộ xóm Máy 3 cho biết: Vụ xuân này, cả xóm có 24/63 hộ tham gia trồng mướp đắng, bí đỏ với diện tích gieo trồng gần 2 ha. Chúng tôi hy vọng sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả với mô hình phát triển mới này trên vùng đất lúa bấp bênh sẽ góp phần phát triển KT -XH, từng bước nâng cao mức sống người dân. Cùng chung suy nghĩ đó, chị Hà Thị Dân cho biết: Theo các hộ gia đình làm trước, năm nay gia đình tôi bắt đầu tham gia trồng với diện tích hơn 1.000 m2 trên diện tích đất lúa bấp bênh.

 

Mặc dù phải tuân thủ chặt chẽ các quy trình trong quá trình trồng mướp đắng, bí đỏ nhưng theo ông Hà Văn Hòa, Bí thư chi bộ xóm: Giống mướp, bí này có thể phát triển rất tốt trên nền đất ít màu mỡ mà phân bón sử dụng cũng rất ít. Việc chăm sóc cây bí đỏ, mướp đắng cũng không có gì phức tạp vì được Công ty cho người xuống tận nơi hướng dẫn bà con từ kỹ thuật trồng, chăm sóc. Ngoài ra cũng phù hợp với trình độ canh tác của người dân nên chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo, mở rộng diện tích SX. Dự tính chỉ trong thời gian tới, cây mướp đắng, bí đỏ sẽ trở thành cây trồng chủ lực đem lại nguồn thu đáng kể của người dân trong xóm. Ngoài ra, với ưu điểm của việc trồng mướp đắng, bí đỏ là thời gian ngắn hơn cây lúa, thu hoạch lại cao gấp 5-6 lần, dùng ít phân bón, kỹ thuật trồng cũng đơn giản, cây phát triển khỏe mạnh trên đất kém màu mỡ, ít bị sâu bệnh, được hỗ trợ các chi phí giống, phân bón... nên chúng tôi an tâm SX.

 

 

                                                                        Thành Luân

                                                     (Lớp 08 CBC, trường Đại học Đà Nẵng)

 

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục