Dự án KDC An Cường – Bắc Trần Hưng Đạo (TP Hoà Bình) bước đầu triển khai san lấp mặt bằng.

Dự án KDC An Cường – Bắc Trần Hưng Đạo (TP Hoà Bình) bước đầu triển khai san lấp mặt bằng.

(HBĐT) - Trong suốt gần một năm từ giữa 2011 - giữa 2012, tình trạng mua bán đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hoà Bình dường như trái chiều với đà giảm nhanh của bất động sản nói chung. Tại những khu vực được đánh giá là “điểm nóng” liền kề với những dự án đầu tư đã được phê duyệt dường như luôn là tâm điểm “săn lùng” của giới đầu cơ bất động sản (BĐS) ưa mạo hiểm.

 

Theo những người thông thạo về đất đai trên địa bàn, những khu vực như đầm Quỳnh Lâm, xã Sủ Ngòi, phường Thịnh Lang… số lượng giao dịch mua bán, chuyển nhượng cứ tăng liên tục trong nhiều tháng trời. Nhưng cho đến thời điểm hiện nay, nhiều người đã trót đầu cơ vẫn còn ôm đất loại này đang dần trở lên ân hận.

 

Anh Hải, một nhà đầu cơ có tiếng về lĩnh vực đất vườn, đất nông nghiệp than thở, trước đây, mới đầu cơ vào loại đất ruộng khoảng trên dưới 100.000 đồng/m2, qua tay ngay có khi lợi nhuận từ 50 – 100%. Thấy lời cứ bám theo mãi, có thời điểm, anh Hải phải mua đến 1 triệu đồng/m2 khu vực đất vườn xã Sủ Ngòi. Mua xong, giờ muốn bán lỗ một nửa cũng chẳng xong. 

 

Là một chủ doanh nghiệp bán vật liệu xây dựng, sau thời gian suy giảm kinh tế, tính cách gỡ lại, đầu năm 2012, thấy giới đầu cơ ăn đậm về đất nông nghiệp, anh Hùng bàn với vợ tính vay vốn ngân hàng hơn 3 tỷ đồng tìm mua đất vườn. Giá nghe đâu mỗi m2 cũng 700 – 800.000 đồng. Mua xong đến giờ, vốn kinh doanh chẳng có, mỗi tháng ngân hàng cứ thu lãi trên dưới 15%/năm, cả hai vợ chồng giờ rơi vào tình trạng méo mặt.

 

Có mối quan hệ cũng khá khá, anh Phong, cán bộ Nhà nước thấy lĩnh vực đất đai dễ “ăn” cũng đánh liều làm một mảnh đất vườn bên xã Thịnh Lang. Sau khi thăm dò quy hoạch, dự kiến, đường Trương Hán Siêu giai đoạn 2 sẽ làm qua đây, đương nhiên thành mặt đường. Anh Phong cũng vay cả tỷ đồng ngân hàng mua 1.000 m2 đất vườn với giá 1 triệu đồng/m2. Đến giờ, mảnh đất như nằm bất động, rao mãi chẳng ai mua cho. Gần nửa năm trời ngân hàng hàng tính lãi, không chịu nổi “nhiệt”, vừa rồi, anh đành phải cho ra đi chiếc ô tô KIA mới mua gần nửa năm được trên 500 triệu đồng, lỗ gần 100 triệu đồng.

 

Theo một số thông tin trong giới đầu cơ, có tình trạng đua nhau mua đất vườn, đất lúa trên địa bàn thành phố Hoà Bình trong những tháng trước đây có nhiều lý do và tập trung vào khu vực có nhiều dự án BĐS. Có người thấy một vài chủ dự án gom đất giá rẻ nằm trong dự án sau thuận tiện cho việc đền bù cũng đua nhau mua theo; có người mong chờ sau này dự án đền bù giá cao, kiếm bộn tiền; có người thì nghĩ sau này chuyển mục đích sử dụng đất nghiễm nhiên có bìa đỏ mà giá lại rẻ như “bèo”. Cũng có người mua chỉ mong có lời kiếm chút sang tên luôn…Nhìn chung, người nào đầu cơ vào đất nông nghiệp cũng đều muốn nhanh làm giàu buộc phải chấp nhận mạo hiểm và hầu hết đều sang tay từ đầu cơ này sang đầu cơ khác. Người nông dân có đất thì chẳng mấy ai bán được giá cao, đa phần đều giá trên dưới 100.000 đồng/m2.

 

Tuy nhiên, việc mua bán, chuyển nhượng đất nông nghiệp tạo nên giá đất tăng cao gấp nhiều lần cũng là một trong những lý do gây ra những tranh cãi phát sinh, nhất là những diện tích nằm trong vùng dự án BĐS đã được quy hoạch. Điển hình vừa qua, tại khu dự án KDC An Cường - Bắc Trần Hưng Đạo, xã Sủ Ngòi (TP Hoà Bình), việc giải phóng mặt bằng đáng kể thuận lợi hơn nhiều nếu là những người chủ sở hữu đích thực. Trước đây, người nông dân bán giá khoảng 100.00 đồng/m2 cho giới đầu cơ thì nay, Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP Hoà Bình chỉ chi trả tổng cộng cả tiền đền bù và hỗ trợ mức tối đa 260.000 đồng/m2. Với mức giá đền bù như vậy, nhiều người đã trót ôm đất giá cao kiên quyết phản đối. Sau nhiều lần tranh cãi, thương thuyết không được, chủ dự án này buộc phải sử dụng biện pháp mạnh, nhờ pháp luật cưỡng chế mới xong. Sau khi chấp nhận lấy tiền đền bù, nhiều người lâm vào tình cảnh mất vài hàng trăm triệu đồng so với số vốn đầu tư trước đây.

 

Đối với thành phố Hoà Bình, một dự án đầu tư BĐS có khoảng trên 1 ha như KDC An Cường - Bắc Trần Hưng Đạo vừa mới triển khai đã có diễn biến phức tạp như vậy. Trong một thời gian nữa, kinh tế khởi sắc, nhiều dự án BĐS tầm cỡ gấp hàng chục lần trên địa bàn triển khai thì chẳng hiểu sẽ ra sao. Trên thực tế, việc chuyển nhượng đất nông nghiệp được luật pháp cho phép và phải đúng thủ tục. Tuy nhiên, với việc mua gom của giới đầu cơ cũng như tranh thủ sang tên kiếm lời tất yếu sẽ đẩy giá lên cao. Đây cũng là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn gây ra xung đột lợi ích, tranh cãi, khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng đến sự phát triển hạ tầng của thành phố. Mặt khác, cũng khiến không ít những người đầu cơ vào đất nông nghiệp “tiền mất, tật mang”.

 

 

                                                                        Hồng Thuỷ

 

 

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục