Người nông dân huyện Tân Lạc đang gặp khó khăn trong tiêu thụ mía tím. 

ảnh: Mía tím của nông dân xã Phong Phú tập kết ven QL6 chờ tư thương thu mua.

Người nông dân huyện Tân Lạc đang gặp khó khăn trong tiêu thụ mía tím. ảnh: Mía tím của nông dân xã Phong Phú tập kết ven QL6 chờ tư thương thu mua.

(HBĐT) - Từ nhiều năm nay, câu chuyện “được mùa rớt giá, được giá mất mùa” đối với hàng hóa nông sản đã và đang làm ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của nông dân tỉnh ta. Thu nhập chủ yếu trông chờ vào sản xuất nông nghiệp, đối với nông dân, mất mùa, không tiêu thụ được sản phẩm, giá cả thấp... đồng nghĩa với việc người nông dân trở nên nghèo ngay trên tài nguyên giàu có của đất đai, sức lao động.

 

Từ câu chuyện hàng hóa nông sản bị rớt giá

 

Thời gian gần đây, câu chuyện mía tím đến kỳ thu hoạch nhưng không tiêu thụ được, hoặc bị tư thương ép giá rất thấp đang là nỗi lo lắng của người dân các huyện Tân Lạc, Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Sơn. Nếu như những năm trước đây, người dân chỉ việc trồng mía, việc tiêu thụ đã có tư thương đến thu mua tận vườn, thì hiện nay, người dân phải tự chặt mía, vận chuyển ra bày bán ven quốc lộ, chờ đợi người đến thu mua với giá thấp chỉ bằng 1/5 so với thời điểm trước Tết Nguyên đán, song tiêu thụ khá ì ạch.

 

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, hiện toàn tỉnh trồng trên 8.700 ha mía, trong đó khoảng 6.000 ha mía tím. Các địa phương trồng nhiều nhất là Cao Phong 2.492 ha, Kim Bôi 1.074 ha, Tân Lạc 1.515 ha, Yên Thủy 1.491 ha. Cây mía tím cho hiệu quả kinh tế cao, được coi là cây giảm nghèo của người nông dân trên địa bàn tỉnh. Theo quy hoạch mía giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt, đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ trồng 10.000 ha mía, phấn đấu đạt sản lượng 750.000 tấn, trong đó mía tím trồng đạt 7.200 ha, năng suất 76 tấn /ha, sản lượng 547.200 tấn, 2.800 ha mía nguyên liệu, năng suất 72 tấn /ha, sản lượng 201.600 tấn. Hiện nay, bình quân mỗi ha trồng mía tím người nông dân thu khoảng 200 - 250 triệu đồng /năm, trừ chi phí còn lãi khoảng 120 - 150 triệu đồng. Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm hiện vẫn chưa ổn định. Do sản xuất manh mún chưa có quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung và việc tiêu thụ vẫn theo kiểu “cầu cần thì có cung” nên giá trị thu nhập trên  1 ha mía chưa cao. Điều đó thể hiện rõ hơn khi cứ đến kỳ thu hoạch, các thương lái đến từng nhà mua mía chở về Hà Nội và các tỉnh để bán lẻ. Ngoài ra còn hạn chế nữa là làm sao thúc đẩy việc chế biến nhằm phát triển bền vững loại cây trồng này để trở thành nhãn hiệu nổi tiếng; chưa quy hoạch được những vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung; chưa có công nghệ bảo quản, chế biến để mía tím sử dụng được trong thời gian kéo dài; việc liên kết trồng, tiêu thụ sản phẩm nhằm mang lại hiệu quả cao hơn cho người trồng mía cũng gặp khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân trên địa bàn trồng mía tím nhưng không chịu đầu tư, không chú trọng vào khâu chọn giống nên năng suất, chất lượng thấp, thu nhập không cao...

 

Không chỉ có câu chuyện mía tím chậm tiêu thụ và giá thấp, những năm gần đây, nhiều loại cây trồng của nông dân cũng nằm trong tình trạng tương tự. Điển hình như thời điểm cuối năm 2014, nông dân các huyện Lạc Sơn, Tân Lạc, Mai Châu, Đà Bắc... vẫn còn chưa nguôi ngoai việc giá thu mua ngô xuân giảm chóng mặt, có thời điểm giá bán xuống tới 1.000 đồng /kg (mức giá bình quân từ 3.000  - 4.000 đồng /kg) nhưng không tiêu thụ được. Trước đó, người dân các huyện Tân Lạc, Kim Bôi, Yên Thủy, Lạc Thủy cũng lao đao vì giá bí xanh, bí đỏ, dưa hấu, dưa bở chậm tiêu thụ và bị tư thương ép giá hoặc liên kết giảm giá.

 

Đến giải mã nguyên nhân

 

Ông Ngyễn Văn Tiến, một đầu mối thu mua mía cung cấp cho chợ Long Biên - Hà Nội cho biết: Đúng là sau Tết Nguyên đán, lượng khách mua mía tím giảm hẳn. Tiêu thụ chậm, mía để lâu kém chất lượng và bị chua nên bắt buộc phải giảm giá. Bên cạnh đó, mía tím hiện nay không chỉ có Hòa Bình cung cấp mà một số tỉnh như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh... cũng cạnh tranh ở thị trường Hà Nội, chất lượng không thua kém mía tím Hòa Bình, giá cả cũng thấp hơn.

 

Có một thực tế là người nông dân chỉ chú tâm trồng mía, không luân chuyển dưỡng đất, vắt kiệt chất dinh dưỡng của đất. Theo đúng quy trình thì đất trồng mía chỉ từ 2-3 vụ là phải luân canh để trồng cây màu khác nhằm nuôi dưỡng độ màu của đất, sau vài vụ mới quay lại trồng mía. Chính điều này đã làm giảm chất lượng của mía, thân mía không to, màu tím nhạt và vị ngọt kém. Đó cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến việc người tiêu dùng quay lưng lại với mía tím Hòa Bình để tìm đến mía tím ở các đia phương khác. Vấn đề ở đây là do nông dân vẫn mang nặng tư tưởng tự phát, không tính toán lâu dài hoặc đầu ra ổn định. Điều quan trọng hơn cả là người nông dân thiếu thông tin về thị trường. Trong khi đó, chính quyền địa phương đề ra chủ trương, khuyến khích nông dân sản xuất thế nhưng  cũng chưa chú trọng tìm đầu ra ổn định cho hàng hóa nông sản của địa phương mình.

 

Đó là câu chuyện về mía. Còn đối với những nông sản khác cũng tương tự như vậy. Lấy ví dụ như bí xanh. Đây là một loại cây dễ trồng, không tốn công chăm sóc, thu hoạch nhanh, năng suất cao, ít sâu bệnh... chính những đặc điểm này mà mấy năm gần đây, nhiều địa phương đã khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng bí xanh. Trong khi đó, việc tiêu thụ chủ yếu là do người dân tự tìm thị trường. Khi mới trồng, có tư thương đến mua tại vườn, thậm chí còn ứng vốn đặt trước cho chủ vườn. Thế rồi đến khi có nhiều người trồng thì tư thương quay ra ép giá hoặc liên kết với nhau để khống chế giá. Khi đó, người nông dân biết là thiệt thòi nhưng vẫn cắn răng bán cho tư thương vì bí xanh đã đến kỳ thu hoạch, không bán sẽ hỏng lứa quả và không kịp chuẩn bị đất để sản xuất vụ sau.

 

Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến giá một số hàng hóa nông sản bấp bênh, Sở NN -PTNT cho rằng, việc đổi mới phương thức sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, sản xuất manh mún, chuyển dịch cơ cấu cây trồng chủ yếu do tự phát, theo phong trào, thiếu bền vững; sản xuất chưa gắn với nhu cầu thị trường; liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ hàng hóa theo chuỗi giá trị sản phẩm còn hạn chế, giá cả bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thị trường tự do, tiềm ẩn yếu tốt bất ổn. Trong khi đó, một bộ phận nông dân của tỉnh vẫn còn nặng tư tưởng tự cung, tự cấp, ít chú trọng đến nâng cao chất lượng cũng như giá trị của các loại sản phẩm, chưa thực sự coi trọng sản xuất theo hướng hàng hóa đối với các mặt hàng nông sản. Theo ước tính, có trên 80% lượng nông sản được tiêu thụ tại thị trường nội tỉnh và do các tiểu thương mua trực tiếp của người sản xuất theo giá thỏa thuận. Tỷ lệ giao dịch mua bán qua hợp đồng hoặc cam kết tiêu thụ sản phẩm rất thấp, tính pháp lý không cao, dễ bị vi phạm. Tình trạng được mùa hoặc sản xuất nhiều bị rớt giá vẫn còn xảy ra do lượng cung tại thị trường nội địa vượt so với cầu hoặc bị tư thương ép giá, liên kết mua đồng giá.

 

(Còn nữa)

 

                                                                       Ngọc Vinh

Các tin khác


Kiểm tra tiến độ dự án sử dụng vốn Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH tại thành phố Hòa Bình

Ngày 24/5, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ thực hiện dự án sử dụng vốn Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH thuộc lĩnh vực y tế tại Trung tâm Y tế (TTYT) TP Hòa Bình.

Công bố Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc

Ngày 24/5, tại thành phố Việt Trì, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc lần thứ Ba và công bố Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập

Thời gian qua, nhiều hộ dân huyện Đà Bắc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp đầu tư thâm canh, chuyên canh các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Qua đó không chỉ nâng cao thu nhập mà còn mở ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả.

Huyện Kim Bôi đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí

Là 1 trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) lớn, có ý nghĩa quan trọng hướng đến xây dựng "tam nông” thịnh vượng, Chương trình MTQG xây dựng NTM được cả hệ thống chính trị và người dân các xã huyện Kim Bôi dồn sức hoàn thiện, phấn đấu về đích theo đúng lộ trình.

Cao Phong nỗ lực xây dựng huyện nông thôn mới

Theo kế hoạch, kết thúc nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện Cao Phong sẽ hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới (NTM). Tính đến thời điểm này, huyện có 8 xã đạt chuẩn NTM và 1 xã đang hướng tới xây dựng NTM kiểu mẫu. Năm 2024, huyện phấn đấu đưa xã Thạch Yên về đích NTM và xã Bắc Phong về đích NTM nâng cao. Cùng với đó, huyện tiếp tục thực hiện 5/9 tiêu chí xây dựng huyện NTM.

Thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ

Trong thời gian qua, hoạt động chuyển giao công nghệ trên địa bàn tỉnh có bước chuyển biến tích cực, thể hiện ở tỷ lệ các kết quả nghiên cứu vào ứng dụng trong thực tiễn, số lượng và giá trị các hợp đồng chuyển giao công nghệ tăng, có nhiều doanh nghiệp (DN) quan tâm, đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Từ năm 2018, tỉnh đẩy mạnh hoạt động ươm tạo DN khoa học và công nghệ (KH&CN), hỗ trợ thành lập DN, tổ chức KH&CN. Đến nay, toàn tỉnh có 15 tổ chức KH&CN. Các tổ chức, DN đã ứng dụng công nghệ, kết quả nghiên cứu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh theo lĩnh vực đăng ký.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục