(HBĐT) - Là xã thuần nông, trước năm 2000, cả xã chưa có đến 10 người biết nghề xây dựng, việc xây một bờ giếng, ngăn chuồng lợn, cái sân... cũng phải nhờ đến thợ nơi khác. Nay ở xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) đã hình thành các tổ, đội xây dựng đủ sức đảm đương xây dựng các công trình dân dụng quy mô nhỏ. Với các vùng khác ở miền xuôi, nghề xây dựng có từ lâu đời, song ở Hương Nhượng đây là ngành nghề mới ra đời và đã có những đóng góp quan trọng trong xây dựng NTM.

 

Hương Nhượng có 8 xóm, phố với 813 hộ, 3.597 nhân khẩu, người dân tộc Mường chiếm 95,73%, có 1.799 người trong độ tuổi lao động.

 

Từ số lượng ít ỏi, đến nay, cả xã có 17 đội thợ với hơn 100 người làm nghề thợ xây, trong đó có khoảng 30 người có năng lực được gọi là “thợ cả”. Tự tin vào tay nghề họ tổ chức các nhóm lao động có tay nghề tự đứng ra nhận thầu xây dựng các công trình dân dụng như: nhà ở, trường học, mương máng... Từ những người thợ đã dần hình thành các đội xây dựng do người thợ có tên tuổi đứng đầu tập hợp tạo được uy tín như đội thợ của các ông: Quách Văn Linh, Quách Văn Nhu, Bùi Văn Tiển, Bùi Văn Hấy ở xóm Bưng; Bùi Văn ược ở xóm Hương Hòa; Bùi Văn Quyền ở xóm Chum... Đây là sự dịch chuyển lao động từ sản xuất thuần nông sang các lĩnh vực khác cho thu nhập cao hơn, là dấu hiệu đáng mừng trong xây dựng NTM ở xã.

 

Từ chỉ xây dựng được các ngôi nhà cấp 4 nay có những đội thợ đã  xây được các công trình kiên cố cao 2 - 3 tầng, xây dựng các bể chứa nước dung tích vài chục m3. Đã có những đội thợ xây được nhà sàn bê - tông cột đúc tròn với hệ thống khung xà rất phức tạp. Điển hình như đội thợ của ông Quách Văn Linh nổi tiếng khắp vùng hàng năm xây từ 5 - 6 công trình trong và ngoài xã, thu về khoảng trên dưới 300 triệu đồng. Đội thợ do ông Bùi Văn Hấy đứng đầu liên kết với nhà thầu xây dựng các công trình công ích lớn như: hội trường, trường học trong xã và trong vùng. Ngày công mỗi thợ bình quân từ 180.000 - 200.000 đồng, thợ phụ hồ từ 130.000 - 150.000 đồng /ngày. Tính ra, hàng năm các đội thợ ở xã Hương Nhượng đóng góp vào tổng thu nhập toàn xã khoảng 3 - 4 tỉ đồng. Tạo việc làm thường xuyên cho hơn 100 lao động, chiếm khoảng 7% tổng lao động trong xã. Do đặc thù nghề xây dựng về mùa mưa gần như dừng hẳn, song lại đẩy mạnh về mùa khô. Bình quân một thợ xây ở Hương Nhượng hàng năm có việc làm từ 150 - 200 ngày, thu nhập khoảng 22 - 50 triệu đồng.  

 

Các thành viên trong tổ đổi công giúp nhau xây nhà cho các thành viên trong tổ. ở xóm Hương Hòa có đội xây dựng của ông Bùi Văn ược, Bùi Văn Thực, năm 2014 giúp xây xong ngôi nhà sàn cột bê tông đúc tròn trị giá gần 300 triệu của hộ ông Bùi Văn Thực. Năm nay đang đổi công giúp xây dựng ngôi nhà của ông Bùi Văn ược với diện tích mặt bằng ước tính 50 - 60 m2. Đặc biệt có người thợ như: Bùi Văn Tuấn, Bùi Văn Tiển... ở xóm Bưng một mình tự thiết kế, tự làm được ngôi nhà sàn bê tông cột đúc tròn có diện tích sử dụng hơn 60 m2, trị giá mỗi nhà hơn 200 triệu đồng. Hàng năm, trong toàn xã có 3 - 5 công trình nhà ở, công trình phụ được     xây dựng bằng hình thức  đổi công hoặc những người biết nghề tự xây cho mình. Tính  ra từ năm 2010 - 2015, hàng năm bình quân ở xã Hương Nhượng  có khoảng 15 - 20 công trình nhà ở kiên cố được các đội thợ xây trong xã xây dựng. Nhờ đó tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động, góp phần xây dựng bộ mặt NTM ngày càng có nhiều công trình to đẹp, khang trang, bền vững hơn.

 

Chất lượng nguồn lao động là điều quan trọng trong xây dựng NTM, các đội thợ xây ở xã Hương Nhượng hoàn toàn tự phát do nhu cầu của cá nhân và cuộc sống. Họ đều là những người thợ cần cù, chịu khó, ham học hỏi... Tuy nhiên, các đội thợ xây ở xã Hương Nhượng cũng bộc lộ nhiều điểm yếu, đó là những người có kiến thức chắp vá, không chính quy, bài bản. Các đội thợ không ổn định, lao động theo mùa vụ và quy mô công trình... Vì thế nên tính công nghiệp trong quản lý thời gian lao động, quản lý nhân sự lỏng lẻo. Điều này làm ảnh hưởng tới thu nhập và rất khó trong liên kết sản xuất kiểu như hình thành các tổ hợp tác hay cao hơn là các HTX hay các công ty, do đó, quyền lợi người lao động không được đảm bảo theo Bộ luật Lao động. Các nhà đầu tư hay chính quyền không thể trực tiếp giao thầu cho các đội thợ vì họ không có pháp nhân, không hoạt động theo Luật Doanh nghiệp mà chỉ giao thầu qua trung gian, từ trung gian mới giao thầu cho các đội thợ làm phát sinh các chi phí khác.

 

Trong những năm qua, Hội Nông dân xã đã mở nhiều lớp dạy nghề cho nông dân về sửa máy nông nghiệp, dạy nghề trồng nấm... song chưa có một lớp dạy nghề xây dựng. Từ thực tế, các đội thợ và người thợ ở xã Hương Nhượng mong muốn Nhà nước mở các lớp dạy nghề xây dựng tại xã... Từ đó, họ được nâng cao kiến thức, trình độ tay nghề để có thể tiếp cận, hình thành các liên kết tạo pháp nhân.

 

 

 

                              Bùi Huy Vọng

                             (Xã Hương Nhượng - Lạc Sơn)

 

Các tin khác


Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm

Những năm qua, huyện Đà Bắc đã triển khai các hoạt động đồng hành, hỗ trợ nông dân trong phát triển sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm. Qua đó giúp nông dân tăng thu nhập, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới.

Quản lý, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản

Những năm gần đây, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường năng lực công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản. Từ đó góp phần nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh tại thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu, nhất là bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.

Giá vàng sáng 29/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 29/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 83 - 85,22 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục