Hoa hậu Việt Nam, người đại diện cho phụ nữ Việt, ngoài việc phải đẹp và tài năng để bắt kịp thế giới, còn phải làm thế nào để "Y phục xứng kỳ đức". Công chúng đang mong muốn và chờ đợi ở người đẹp đăng quang và đội trên đầu mình chiếc vương miện danh giá có được điều ấy.
HHVN 2016 với vòng thi Bikini.
Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 đang dần chuẩn bị bước vào đêm chung kết để tìm ra ngôi vị cao nhất của cuộc thi, lúc 20h00 ngày 28-8 tới đây tại Nhà thi đấu Phú Thọ (TP Hồ Chí Minh). Là một cuộc thi mang tầm quốc gia nên Đêm chung kết đang được nhiều khán giả chờ đợi theo dõi.
Tuy nhiên, trước thềm diễn ra sự kiện này, chuyện đương kim Hoa hậu Kỳ Duyên "vô tư" hút thuốc ở nơi công cộng, đã dấy lên hai làn sóng: một là phản đối dữ dội, hai là ủng hộ sở thích cá nhân.
Vậy, hoa hậu Việt Nam, người đại diện cho phụ nữ Việt, ngoài việc phải đẹp và tài năng để bắt kịp thế giới, còn phải làm thế nào để "Y phục xứng kỳ đức". Công chúng đang mong muốn và chờ đợi ở người đẹp đăng quang và đội trên đầu mình chiếc vương miện danh giá có được điều ấy.
PGS. TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái, trong một bài viết đã phân tích chuyện của đương kim Hoa hậu Kỳ Duyên: "Câu chuyện hút thuốc lá phì phèo trong một quán café Hà Nội và bức ảnh một cô gái say xỉn bị cho là Hoa hậu Kỳ Duyên đang nhận những phản ứng dữ dội từ phía dư luận. Khi sự việc này được thông báo trên truyền thông, cảm giác đầu tiên của tôi là tiếc cho Kỳ Duyên, khi cô liên tiếp bị mắc lỗi văn hóa ứng xử, trước hết với chính bản thân mình với tư cách một hoa hậu, và sau đó là với cộng đồng. Điều tiếc nhất là việc cô nhận ra lỗi ứng xử rất muộn. Muộn đến mức, nó không thể giải thích cho cả một hệ thống lỗi lầm ứng xử của Kỳ Duyên. Từ khi cô đội được chiếc vương miện trên đầu, dường như cô rất ít tự soi xét bản thân trong ứng xử, khi tùy tiện ngủ trong một dáng ngủ rất vô duyên, hớ hênh, thiếu ý tứ trên máy bay; khi đi làm từ thiện thì chỉ nhăm nhăm chú ý "làm màu" cho bản thân, thản nhiên đứng vươn cao mình để mẹ cúi lom khom dưới đất sửa tà váy. Rồi cô hồn nhiên đi tay không ở sân bay để mẹ đẩy xe chứa đồ đi ngay bên cạnh, đến trễ giờ họp báo, ăn mặc thiếu một gu thẩm mỹ tử tế… Những điều này đã diễn ra như một sự thực đáng buồn về ứng xử của Kỳ Duyên".
Việc của Hoa hậu Kỳ Duyên, không phải là lùm xùm duy nhất của một đương kim hoa hậu từ trước đến nay. Có những hoa hậu sau khi đăng quang đã gặp nhiều tai tiếng không đáng có trong cuộc đời và sự nghiệp của mình. Vậy, tại sao những điều nhỏ nhặt này lại xảy đến và làm ảnh hưởng đến danh xưng mà họ đã được đặt niềm tin để trao tặng?
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Như Phong, một người đã từng có dịp sang đất nước Venezuela, đất nước được coi là "cường quốc" về hoa hậu, với 6 người đẹp Venezuela được vinh danh Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ. Ông chia sẻ quan điểm của mình: "Ở đây phải phân biệt, có kiến thức nhưng chưa chắc đã có tri thức, có chữ, có học nhưng chưa chắc đã có văn hóa.
Điều này thể hiện qua các cuộc thi ứng xử, dù có khi đã được "gà" câu hỏi trước nhưng họ (thí sinh tham gia các cuộc thi người đẹp Việt Nam) vẫn trả lời rất ngô nghê, thậm chí ngớ ngẩn. Nên hoa hậu Việt Nam đi thi hoa hậu thế giới hoặc quốc tế thường không bao giờ đoạt giải bởi vì tầm văn hóa của các hoa hậu Việt Nam so với thế giới không là gì cả.
Thực tế ở Việt Nam, những cô gái được cho là đẹp thì chưa thành tài đã có quá nhiều tật, nên hỏng từ gốc. Họ nghĩ thi cho bằng được giải này giải nọ để có thể kiếm được nhiều tiền bằng nhiều cách, tất nhiên, đó cũng là một cách kinh doanh. Khi đã làm người đẹp thì đi làm quảng cáo, người mẫu... để thu tiền. Đó cũng là một nghề, nhưng nếu không trau dồi văn hóa gốc thì sắc đẹp đó rất dễ tàn phai cùng năm tháng.
Hoa hậu nước mình chưa biết trau dồi thật tốt nền tảng văn hóa, phong cách ứng xử, ngay cả lối sống trước và sau khi đăng quang. Càng ngày thì điều đó càng thể hiện rõ rệt. Những cô hoa hậu đăng quang có khi mắt còn hơi... lé, răng thì khấp khểnh... Hỏi như vậy có xứng đáng?
Hoa hậu có nhiều tiêu chí, phù hợp với từng thời kỳ khác nhau của sự phát triển xã hội, nhưng có một tiêu chí chung không thay đổi, đó là phải đẹp. Vẻ đẹp toát lên từ ngoại hình, từ học thức, từ văn hóa ứng xử và lối sống có trách nhiệm, chứ không phải có danh hiệu cho riêng mình thì sau đó làm gì cũng được. Bởi vì sắc đẹp kiểu đó thì chóng tàn, dù có là hoa hậu đi chăng nữa...".
Nhà thơ, nhà báo Dương Kỳ Anh, một người đã ấp ủ nhiều năm để có được sáng kiến tổ chức cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất năm 1988. Người đã cùng các đồng nghiệp tổ chức thành công các cuộc thi hoa hậu toàn quốc và đến năm 2002 được Nhà nước cho phép đổi tên là Hoa hậu Việt Nam. Ông chia sẻ, gần 30 năm qua, các cuộc thi hoa hậu Việt Nam do báo Tiền phong tổ chức luôn là một ngày hội văn hóa để định hướng cái đẹp cho tuổi trẻ, tôn vinh nhan sắc của người phụ nữ Việt Nam. Những năm gần đây, tuy có chuyện này, chuyện khác những đây vẫn là cuộc thi lớn nhất, có uy tín nhất.
Ông đã làm Trưởng ban tổ chức, Trưởng ban giám khảo 10 cuộc thi hoa hậu Việt Nam suốt 20 năm liền (từ 1988 đến 2008) và cuộc thi hoa hậu thế giới người Việt lần thứ nhất, cũng là thành viên Ban giám khảo cuộc thi hoa hậu quốc tế Asean 2005.
Việc quan trọng, theo ông là cần một Ban giám khảo công minh, đủ tài và tâm để "nhìn" cho ra một người xứng đáng đội lên đầu chiếc vương miện: "Tôi thấy làm giám khảo hoa hậu rất khó, lao tâm khổ tứ rất nhiều mới làm tốt được. Năm 2012, lúc đó tôi đã thôi làm TBT báo Tiền Phong, nhưng báo vẫn mời tôi làm Trưởng ban giám khảo cuộc thi hoa hậu Việt Nam 2012 và hoa hậu Đặng Thu Thảo đã đăng quang năm đó. Thật thú vị, cuộc thi hoa hậu Việt Nam năm nay (2016), Hoa hậu Đặng Thu Thảo là thành viên ban giám khảo."
Nói về việc của hoa hậu Kỳ Duyên, ông khẳng định, hình ảnh hút thuốc nơi công cộng của Hoa hậu Kỳ Duyên là một hình ảnh không đẹp, khó chấp nhận được với một Hoa hậu Việt Nam. Điều đó làm cho những người yêu cái đẹp, công chúng không giữ được cái nhìn tốt đẹp về hình ảnh Hoa hậu.
Đây là một hành vi phản cảm, không nên có, nhất là với một đương kim Hoa hậu như Kỳ Duyên: "Tôi vẫn không thể tưởng tượng được hình ảnh một hoa hậu, là đại diện cho cái đẹp mà lại hành động như thế. Văn hóa Việt Nam, người phụ nữ bình thường hút thuốc lá đã là không nên, huống hồ Kỳ Duyên là một hoa hậu. Nghe nó bị xúc phạm và rẻ rúng cái danh xưng. Tôi không hiểu vì sao như vậy? Đây là câu hỏi đặt ra cho các BTC, BGK trong việc tìm ra một hoa hậu, liệu đã xứng đáng hay là chưa? Có nhiều người hồ nghi, hỏi tôi rằng, liệu có phải xu hướng thời đại thay đổi nên chuẩn mực về cái đẹp cũng thay đổi?
Dĩ nhiên, cái đẹp có sự thay đổi, thậm chí như chúng ta thấy là tốt lên so với ngày xưa. Họ cao hơn, nhiều thuận lợi hơn để cho cái đẹp của mình được cất cánh... Nhưng có lẽ ngược lại, chính sự dễ dãi để có được nhiều thứ khi trở thành hoa hậu, họ quên mất việc phải trau dồi chính những cái bên trong, thay vì sự hào nhoáng bên ngoài. Trong khi đó, thực tế là xu hướng thời đại có thể thay đổi nhưng chuẩn mực về cái đẹp vẫn vậy, và chỉ có thể thay đổi bằng việc ngày càng nâng cao cái đẹp chứ không thể thay đổi ngày càng hạ thấp cái đẹp xuống được. Cái đẹp đó là trí tuệ, sự dịu dàng, nhân cách...".
Vậy có hay không những thay đổi về quan niệm về cái đẹp, truyền thống công - dung - ngôn - hạnh qua thời gian? Nhà báo Nguyễn Như Phong khẳng định: "Tiêu chí về người đẹp thì mỗi quốc gia một khác. Điều tiên quyết trước hết họ phải là phụ nữ, cao tầm 1m70 trở lên. Nhưng bạn không tưởng tượng được ở các nước có "thâm niên" về hoa hậu người ta được trang bị nhiều kiến thức văn hóa và phông nền rất tốt. Đó là lý do có thể có nhiều hoa hậu không xinh đẹp lắm về ngoại hình nhưng ở họ vẫn toát lên một vẻ đẹp trí tuệ đầy sức hấp dẫn. Điều này khác hẳn với các người đẹp Việt Nam. Hoa hậu Việt Nam về phông văn hóa gốc thật đáng thất vọng!"
Còn nhà thơ Dương Kỳ Anh thì trung dung hơn, ông cho biết: "Không biết có phải do thời điểm, thời thế hay không, nhưng tôi nhận thấy, hình như hoa hậu của những năm xa xưa, người ta không chỉ đẹp về hình thức bên ngoài, mà còn đẹp về tâm hồn, vẻ đẹp của sự hiểu biết. Họ là những người sau đó khẳng định được tên tuổi của mình qua năm tháng, bằng chính nội lực của mình. Họ đi lên bằng sự phấn đấu không mệt mỏi, bằng nghị lực của mình chứ không phải bằng cái danh hoa hậu.
Hoa hậu đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất Bùi Bích Phương; Hoa hậu kế tiếp là Nguyễn Diệu Hoa là những hoa hậu đẹp toàn diện nhất. Họ là những tiến sỹ, thạc sỹ được đào tạo bài bản ở nước ngoài, có nhiều hiểu biết trên nhiều lĩnh vực, thông thạo nhiều ngoại ngữ, thành công trong sự nghiệp và yên ổn trong gia đình... Các cuộc thi hoa hậu, theo tôi, không phải chỉ tôn vinh cái đẹp mà có nhiều thứ phải hướng đến, Tôi có cảm giác, giờ người ta đi thi là để được nổi tiếng, để có danh hiệu vào showbiz, để có những con đường tiến thân nhanh hơn, đốt cháy giai đoạn... Thế nên thời gian qua mới xảy ra...".
Hoa hậu là một danh xưng cao quý, không thể phủ nhận. Những người đẹp thế hệ mới, là những người có những mặt nổi bật hơn hẳn so với các bậc đàn chị, họ có nền tảng về gia đình, về sắc đẹp, có bệ đỡ, có một chân trời rộng để giao lưu với thế giới... Nhưng rõ ràng, đi liền với đó cũng là trách nhiệm rất nặng nề. Hoa hậu là người đại diện cho phái đẹp và cũng là người của công chúng nên mỗi lời nói, mỗi việc làm đều phải cân nhắc thật kỹ vì công chúng luôn theo dõi hàng ngày.
Người đẹp thời nào cũng vậy, thường truân chuyên. Trời không cho ai tất cả. Vấn đề là ở chính các người đẹp phải biết cách phấn đấu sao cho sắc đẹp ngày càng phát triển toàn diện và không để xảy ra những chuyện không đáng có.
Nói như PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: "Các cuộc thi hoa hậu là nhu cầu cần thiết và xu thế tất yếu của sự phát triển, vì nhân loại luôn muốn tôn vinh cái đẹp; và con người của quốc gia nào cũng cần phải tự hào về nét đẹp đặc trưng của mình. Cái đẹp của hoa hậu quốc gia, quốc tế, đúng nghĩa nhất, phải hội tụ đầy đủ hai yêu cầu căn cơ về thẩm mỹ, phải thành một thực thể hài hòa cân đối giữa sắc đẹp ngoại hình và tâm hồn bên trong"...
Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đang đến gần đêm chung kết, mong rằng đó sẽ là một cuộc thi công bằng để tìm ra một người đẹp xứng đáng, để họ không chỉ đội lên mình chiếc vương miện trị giá cao về vật chất, mà còn là đội lên mình cả một niềm tự hào của những người phụ nữ Việt Nam... Để người đó, không chỉ chinh phục trái tim những người Việt ủng hộ họ, mà còn mang cả giấc mơ đi chinh phục thế giới...
Theo CAND
(HBĐT) - Hồi còn đi học, biết tôi là người Hoà Bình (ngày ấy, trong quan niệm của người miền xuôi, Hoà Bình là chốn rừng thiêng nước độc), mọi người quen tôi thường hỏi: Hoà Bình có đặc sản gì khác không ngoài rượu cần và cơm lam ? Câu ấy có người hỏi thật, có người hàm ý. Tôi thường dùng câu chuyện ai đó đã bịa ra để trả lời "Có đấy, có ăn món "nhái ôm măng” không? Này nhé, bếp nhà sàn người Mường lúc nào cũng giữ lửa.
(HBĐT)-Thị trấn nên thơ Sa Pa (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) là một trong những địa danh độc đáo nhất ở nước ta, được đi vào nhiều tác phẩm thi ca, nhạc họa, nhiếp ảnh, văn xuôi, báo chí. Nhận định đó của một du khách Hà Nội khi đến thăm Sa Pa khiến cuộc hành hương của họ thêm phần sôi nổi, hấp dẫn hơn nhất là cuộc “mạn đàm” này được diễn ra trước khu Nhà thờ đá - trung tâm của thị trấn trong cái lành lạnh mát dịu của đêm tháng 7. Anh thốt lên rằng: Năm nào cũng đi Sa Pa 3 - 4 bận. Nhớ Sa Pa ngay cả khi đang ở Sa Pa…
Sáng 3-8, tại Bảo tàng Phụ nữ Hà Nội, triển lãm và giao lưu “ASEAN – Sắc màu văn hóa” đã chính thức khai mạc với đông đảo đại diện từ chín nước trong khu vực gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Thái-lan, Lào, Cam-pu-chia, Philippines, Singapore và chủ nhà Việt Nam.
(HBĐT) - Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2030.
Sáng 3/8, HĐND Thành phố Hà Nội đã thông qua nghị quyết về đặt tên và điều chỉnh độ dài một số tuyến đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn năm 2016.
Ngày 2-8, ông Nguyễn Đăng Trường, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) Đà Nẵng có văn bản đề nghị các sở, ngành, địa phương, cơ sở in ấn tuyệt đối không sử dụng ấn phẩm, tài liệu, tờ rơi,…có nội dung “không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia”, sử dụng các cụm từ “China Beach”, “South China Sea” để gọi tên vùng biển Đà Nẵng.