(HBĐT) - Dự án đầu tư công trình Bảo tồn, tôn tạo tại xóm ải, xã Phong Phú (Tân Lạc) thành làng truyền thống tiêu biểu dân tộc Mường được triển khai thực hiện từ giữa năm 2009. Đây là 1 trong số 20 làng truyền thống được Nhà nước đầu tư xây dựng. Song đến nay, vẫn chưa phát huy được giá trị văn hoá truyền thống để trở thành một điểm du lịch hấp dẫn.

 

Có sự “lệch pha” văn hoá ở dự án làng Mường cổ?!

 

Xóm ải được công nhận là làng truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người từ năm 2008. Đến tháng 10/2008, Bộ VH -TT&DL đã có ý kiến về đầu tư xây dựng xóm ải nhằm mục đích bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc Mường. Kết hợp giữa bảo tồn văn hóa dân tộc với phát triển dịch vụ du lịch, quảng bá văn hóa dân tộc, nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa của đồng bào dân tộc nơi đây. Đồng chí Bùi Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Phong Phú cho biết: xóm ải có 92 hộ dân, trong đó có 34 hộ dân nằm trong khu vực dự án. Sau thời gian triển khai dự án từ năm 2009 đến nay có một số hạng mục công trình đã hoàn thành như nhà sinh hoạt cộng đồng, trồng cây xanh trong khu vực nhà sinh hoạt cộng đồng, hỗ trợ người dân làm nhà vệ sinh, chuồng trâu, bò. Ngoài ra, người dân đầu tư khôi phục nghề dệt truyền thống, mua sắm nhạc cụ, được dạy dân ca, dân vũ, hỗ trợ 10/34 hộ dân cải tạo, nâng cấp nhà sàn. Tuy vậy, đến nay, khu vực dự án vẫn chưa phát huy được giá trị để trở thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn.

 

 

Cảnh quan khu vực triển khai dự án làng Mường cổ ở xóm Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc) vẫn còn những mảng màu loang lổ.

 

Theo đồng chí Bùi Văn Hải, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần là do quá trình triển khai dự án dàn trải, kéo dài. Một số hạng mục đã triển khai bộc lộ nhiều bất cập, hư hỏng như đập nước tạo cảnh quan, thậm chí một số hộ gia đình được đầu tư, sửa chữa nâng cấp nhà sàn như gia đình ông Bùi Văn Khẩn đã có dấu hiệu xuống cấp. Hiệu quả từ dự án mang lại chưa được như mong đợi. Chưa kể hạng mục công trình nhà sinh hoạt cộng đồng là biểu tượng của làng Mường lại được làm với sự lai căng rõ nét. Ngôi nhà dựng lên theo thiết kế không đúng với tính chất, bản sắc nhà sàn người Mường. “Chỉ cần so sánh giữa nhà sàn của người dân xung quanh đó với nhà sàn của dự án đã có sự khác biệt. Nó chỉ giống nhau ở mái lợp cỏ gianh và sàn bương. Còn vách, cách bố trí cột và thiết kế thì không giống với nhà sàn truyền thống của người Mường. Từ xưa, người Mường làm nhà sàn chỉ xẻ gỗ rồi thưng, không có hoa văn ngang dọc gì cả nhưng nhà sàn của dự án ở đây lại cho thêm hoa văn vào, mất đi tính chất nguyên bản của nhà sàn. ở nơi khác người ta có thể thoải mái đưa những hoa văn, họa tiết cách điệu nhưng ở đây là không gian văn hóa của làng Mường cổ thì việc đưa các hoa văn, họa tiết cách điệu vào sẽ phá vỡ không gian văn hóa. Nếu để sử dụng thì được nhưng ở góc độ bảo tồn văn hoá, giữ gìn giá trị truyền thống của dân tộc thì không nên. Bởi tự thân nó không có hồn cốt của người Mường” - ông Bùi Văn Dựng, trưởng xóm ải chia sẻ. Sự “lệch pha” văn hóa này theo như ông Chủ tịch UBND xã Phong Phú là do khi triển khai dự án, chủ đầu tư đã không tham vấn người dân bản địa. Còn nói như ông trưởng xóm ải thì: Dù là chủ thể của dự án bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của dân tộc mình, vùng đất mình sinh sống nhưng chúng tôi không biết dự án này được đầu tư, triển khai như thế nào.

 

Tiếng nói của những người trong cuộc

 

Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề này, thừa ủy quyền của lãnh đạo Sở VH -TT&DL, ông Khuất Hùng Mạnh, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạc cho biết: Đến nay dự án “Bảo tồn, tôn tạo làng truyền thống tiêu biểu dân tộc Mường” tại xóm ải, xã Phong Phú đã hoàn thành. Với tổng mức đầu tư khoảng hơn 10 tỷ đồng do Bộ VH -TT&DL cấp, giao Sở VH -TT&DL làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, nguồn vốn không tập trung, dàn trải, kéo dài nên việc lựa chọn các hạng mục đầu tư cũng có sự cân nhắc một cách phù hợp. Trong quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư cũng đã tham vấn người dân. Việc triển khai thực hiện các hạng mục, công trình trong khuôn khổ dự án đều đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi triển khai thực hiện. Do đó, không thể nói là chúng tôi không có sự tham vấn của người dân. Còn về công trình hạng mục nhà sàn sinh hoạt cộng đồng, chúng tôi chưa nhận được phản ánh về những bất cập của công trình. Khi khảo sát, đánh giá lại dự án, chúng tôi đã nhận được những phản hồi tích cực về hiệu quả sử dụng của hạng mục công trình.

 

Tuy vậy, trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Phong Phú cho biết: Trong quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư không có sự tham vấn người dân địa phương, việc quy hoạch đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng chưa đồng bộ. Việc đầu tư kéo dài đã tạo ra sự manh mún. Hiện nay, một số hạng mục đầu tư xuống cấp, hư hỏng như đập dâng nước tạo cảnh quan trước mặt nhà sinh hoạt cộng đồng. Thậm chí hệ thống mái của nhà sinh hoạt cộng đồng bị thấm dột khi trời mưa (người dân đã tự tu sửa), hệ thống đèn chiếu sáng khuôn viên sinh hoạt cộng đồng đã bị hư hỏng... Vì thế nên dự án dù đã được triển khai thực hiện với nhiều hạng mục đầu tư nhưng đến giờ vẫn chưa thấy rõ nét là một làng Mường cổ. Cảnh quan môi trường,  không gian phát triển du lịch cộng đồng chưa rõ nét, vì vậy ảnh hưởng đến thu hút khách du lịch tới thăm quan, tìm hiểu văn hóa truyền thống. Theo thống kê của UBND xã Phong Phú, từ năm 2013 đến nay, bình quân mỗi năm xã đón từ 1.000 - 2.000 lượt khách. 6 tháng đầu năm 2016 chỉ có khoảng 700 - 800 khách du lịch đến thăm quan và hầu như không có khách lưu trú. Nguyên nhân là do hạ tầng về du lịch còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của du khách cả về dịch vụ ăn uống cũng như lưu trú.

 

Theo Quyết định số 98/QĐ-UBND ngày 24/1/2014 của UBND tỉnh đã công nhận xóm ải, xã Phong Phú trở thành điểm du lịch cộng đồng. Theo bà Bùi Thị Phin, người tiên phong trong việc đầu tư phát triển du lịch cộng đồng ở xóm ải thì: Để xóm ải trở thành điểm du lịch văn hoá hấp dẫn trước hết, các ngành, cấp cần có những chủ trương, chính sách tăng cường đầu tư, hoàn thiện việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ, phù hợp với thực tế của làng Mường. Bên cạnh đó, về phía người dân cũng cần xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại; nâng cao ý thức xây dựng, giữ gìn cảnh quan môi trường; thay đổi tập quán lạc hậu, tập trung hình thành “tư duy làm du lịch” để thu hút khách đến thăm quan, du lịch tại địa phương. 

        

                                                                      M Hùng

 

 

 

Các tin khác

Không có hình ảnh

Công ty Cổ phần du lịch Hòa Bình tổ chức chương trình “Vui hội trăng rằm” tại xã Ngòi Hoa, Tân Lạc

(HBĐT) - Tối 11/9, tại trường tiểu học xóm Ngòi, xã Ngòi Hoa (Tân Lạc), Công ty CP du lịch Hòa Bình đã tổ chức chương trình “Vui hội trăng rằm” cho các em thiếu niên nhi đồng trên địa bàn xóm.

Triển khai Đề án “Xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các KCN giai đoạn 2016 - 2020”

(HBĐT) - UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 96/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án của Chính phủ về “Xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020”.

Hội thi "Nhà nông đua tài” huyện Tân Lạc

(HBĐT) - Ngày 9/9, Hội Nông dân huyện Tân Lạc đã tổ chức hội thi “Nhà nông đua tài” năm 2016. Tham dự có 13 đội đến từ hội nông dân các xã, thị trấn.

Xuân Phong - để tiếng chiêng mãi ngân vang

(HBĐT) - Cùng cán bộ văn hóa xã Xuân Phong (Cao Phong), chúng tôi đến thăm gia đình cụ Bùi Văn Bui (83 tuổi), xóm Rú 5 - một nghệ nhân, người “giữ lửa” cho chiêng Mường nơi đây. Cụ là người truyền lại cho bao thế hệ con cháu trong xã về giá trị và cách đánh chiêng Mường.

"Đêm hội trăng rằm" thành phố Hoà Bình 2016

(HBĐT) -Tối 9/9, tại quảng trường Cung văn hóa tỉnh, thành phố Hòa Bình tổ chức chương trình “Đêm hội trăng rằm” 2016. Tham dự đêm hội có đồng chí Bùi Văn Cửu, UVTVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, GD&ĐT, Tỉnh đoàn, Thành ủy, UBND thành phố Hòa Bình cùng trên 4.000 thiếu nhi đại diện cho 11.000 trẻ em thành phố Hòa Bình.

Trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì Tình yêu Hà Nội 2016

Lễ trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì Tình yêu Hà Nội lần thứ 9 năm 2016 đã diễn ra sáng 8/9 tại Trung tâm Thông tấn quốc gia, Hà Nội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục