Phong cách đáng chú ý ở Nguyễn Đức Toàn cả trong âm nhạc và hội hoạ là giản dị, nhưng đầy chất thơ và có sức truyền cảm.
Xuân 1994, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đến Đài Tiếng nói Việt Nam (Đài TNVN) đưa tận tay tôi tệp giấy mời “các bạn nhà Đài” tới dự chương trình “Trái tim ca hát” của ông ở Cung Văn hóa Thể thao Thanh niên, Hà Nội. Gặp nhau ở sân cơ quan 58 phố Quán Sứ, nên ông rất vội. Tôi cảm ơn nhạc sĩ đã nhớ đến Đài. Ông xua tay mà rằng: “Mình phải cảm ơn Đài chứ. Nhờ Đài mà các bài hát của mình được phổ biến rộng rãi”. Xuân ấy Nguyễn Đức Toàn vừa tròn 65 tuổi – một “trái tim hồng” của Hà Nội mến yêu.
Chàng trai Phố Huế ấy khi mới 12 tuổi đã đậu vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Sau đó hơn ba năm (1945) anh tham gia cách mạng. Không khí chính trị hồi ấy đã hướng cây bút vẽ của anh sang cây đàn. Cây đàn ấy đã tạo cho người nhạc sĩ trẻ tuổi bằng ca khúc đầu tay: “Ca ngợi đời sống mới”. Năm 1946, Nguyễn Đức Toàn tham gia đoàn kịch của nhạc sĩ Đỗ Nhuận và sau đó theo bộ đội kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong thời gian này, tên tuổi của ông được nhiều người biết đến qua bài hát “Quê em miền trung du”.
|
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn |
Khi Đoàn Văn công Việt Bắc được thành lập, Nguyễn Đức Toàn cùng lúc vừa là diễn viên kịch, vừa vẽ minh hoạ, trình bày báo, vừa sáng tác ca khúc… Những bài “Chiều hậu phương”, “Lúa mới” và một số ca cảnh của ông ở chiến khu được mọi người yêu thích. Sau ngày giải phóng Hà Nội, ông được cử làm lãnh đạo Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị. Và sau bài hát “Mời anh đến thăm quê tôi”, Nguyễn Đức Toàn đã có một bước chuyển đổi trong bút pháp, để từ đó, ông viết hàng loạt tác phẩm có chủ đề ca ngợi tấm gương hy sinh anh dũng của liệt sĩ và tinh thần vì nhân dân quên mình của các chiến sĩ quân đội trong hai cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc như: “Đào cộng sự”, “Bài ca người lái xe”, “Khâu áo gửi người chiến sĩ”…
Trong ba năm (1968 – 1970) Nguyễn Đức Toàn tu nghiệp ở nhạc viên Kiev (Ukraina). Kế đó, một số tác phẩm khí nhạc đã được hoàn thành và dàn dựng ở nước ngoài như Sonate viết cho violon (dàn dựng và xuất bản ở Moscow), tổ khúc giao hưởng Tổ quốc… Về nước, Nguyễn Đức Toàn cho ra đời những ca khúc, hợp xướng như: “Bài ca Xây dựng”, “Tiếng hát buổi bình minh”, “Bài ca chiến thắng”… Khi non sông thu về một mối, những ca khúc của ông ánh lên nét trữ tình như: “Từ ngày hôm nay”, “Tình em biển cả”… Nguyễn Đức Toàn là một trong những nhạc sĩ trưởng thành từ cách mạng tháng Tám, có công mở ra một phong cách nhạc nhẹ ở nước ta qua ca khúc cuốn hút các bạn trẻ, ví như: “Chiều trên bến cảng”, “Hà Nội – một trái tim hồng”, “Câu chuyện tình yêu”…
Sau thời gian dài “phiêu lưu” trong thế giới âm thanh với nhiều ca khúc trữ tình và những bản giao hưởng lớn, Nguyễn Đức Toàn bỏ nhiều công sức cho hội hoạ và có nhiều thành công trong tranh sơn mài, tranh lụa. Bút pháp của ông hào hoa nhưng không cầu kỳ, gợi được “nét duyên” cuộc sống quanh ta như một mái chùa cổ, một nhành cây, một thoáng chân dung thiếu nữ Tràng An… với những chấm phá mạnh mẽ trong xúc cảm mang phong cách riêng. Tranh của ông từng có mặt ở nhiều triển lãm quốc tế: Liên Xô (trước đây), Ba Lan, Đức, Thụy Điển, Pháp, Nhật Bản và từng được giải thưởng tại Triển lãm Erfurt (CHDC Đức trước đây).
Nghe nhạc hay xem tranh của ông, mọi người đều yêu mến và mong mỏi được nghe hay xem tiếp những tác phẩm sau. Phong cách đáng chú ý ở Nguyễn Đức Toàn cả trong âm nhạc và hội hoạ là giản dị, nhưng đầy chất thơ và có sức truyền cảm. Bên cạnh tên tuổi các nhạc sĩ kiêm họa sĩ của đất nước như Văn Cao, Nguyễn Đình Phúc, Trịnh Công Sơn… đã có thêm Nguyễn Đức Toàn.
Là một nhạc sĩ, lại sống trong môi trường quân đội nên Nguyễn Đức Toàn được tham gia vào nhiều chiến dịch, được sống cuộc sống quân ngũ với những gian khổ, hi sinh nhưng cũng không kém phần lãng mạn. Đó chính là chất xúc tác, là nguồn cảm hứng vô tận cho nhạc sĩ sáng tác những ca khúc đặc sắc về anh bộ đội. Đặc biệt ông đã cho tôi những ấn tượng đẹp trong chùm bài hát ca ngợi các anh hùng liệt sĩ.
Năm 1971 nhân ngày Thương binh liệt sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đến thăm Đài TNVN và gặp gỡ bà con biên tập văn nghệ. Ông tâm sự: “Người liệt sĩ hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Sự hy sinh anh dũng của Liệt sĩ khi tuổi đời còn rất trẻ. Sự hi sinh anh dũng của Liệt sĩ trở thành bất tử, làm tất cả mọi người cảm động, thương tiếc và cảm phục. Trong cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài và gian khổ, có biết bao sự hi sinh mất mát, lẽ nào không được lưu truyền để đời sau ngưỡng mộ và tri ân. Tôi muốn âm nhạc và giai điệu nồng nàn sẽ gánh vác nhiệm vụ ấy….”.
Ông viết bài hát đầu tiên ngợi ca liệt sĩ là ca khúc: “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”, sáng tác năm 1958. Giai điệu và ca từ bài hát mang nhiều cảm xúc tự hào và thương tiếc: “…Người thiếu nữ ấy như mùa xuân. Chị đã dâng cả cuộc đời…”, để rồi giai điệu bài hát bất ngờ dâng trào “…Chị Sáu đã hy sinh rồi, giọng hát vẫn như còn vang dội, vào trái tim những người đang sống, giục đi lên không bao giờ lùi…”.
Bài hát “Nguyễn Văn Trỗi còn sống mãi”, ông sáng tác năm 1964, ngay tại chiến hào trận địa pháo cao xạ bảo vệ thủ đô. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn nhớ lại: “Tối hôm ấy, tôi đang ở trận địa, được nghe qua đài TNVN báo tin giặc Mỹ đã giết hại anh Trỗi. Tôi bàng hoàng, cả trận địa cũng sững sờ. Tôi đi tìm một chỗ bằng phẳng, bấm đèn bin soi và viết bài hát liền một mạch. Viết xong tôi hát cho mọi người nghe và chờ tiếng vỗ tay, nhưng tất cả đều im lặng, mọi người đang khóc… cả đời tôi không thể quên những giây phút ấy”.
Ca khúc “Nguyễn Viết Xuân cả nước yêu thương”, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn sáng tác năm 1965. Ông cho biết: “Nhóm đi sáng tác hồi ấy gồm có nhà thơ Chính Hữu, nhà văn Xuân Thiều, nhạc sĩ Thanh Phúc và ông. Đi trên 4 chiếc xe đạp thẳng con đường quốc lộ 1 để vào mảnh đất Khu Bốn. Đạp xe vào đến Hà Tĩnh, rồi lên huyện Hương Khê, nơi tiểu đoàn Nguyễn Viết Xuân đóng quân. Trời đã gần tối, mọi người phải tìm vào nhà dân ngủ nhờ. Chủ nhà cho ngủ và cho mỗi người mượn một cái nong to nằm thay chiếu…
Đến sáng thấy có ai đập mạnh vào người và nghe tiếng gọi ra lệnh “Dậy, dậy mau!”. Ông bừng tỉnh dậy, thấy ngay nòng súng AK quen thuộc chĩa vào mặt mình. Ông trình bày giấy tờ đi đường, nhưng vì mấy cô dân quân không biết đọc chữ đánh máy nên ra lệnh giải cả nhóm lên cấp trên. Mọi người đành yên lặng đi theo mấy cô dân quân. Đến nơi, chợt nghe thấy tiếng ai kêu lên: “Toàn phải không?”. Ông ngẩng đầu lên mà chưa nhận ra người đã gọi, lại nghe tiếp “Đoan đây, Đoan tuyên huấn Bộ tư lệnh đây!”. Ông mừng quá, thoát rồi…
Mấy cô dân quân lúc ấy mới cười khúc khích. Ông đi đến trận địa pháo cao xạ của đơn vị, đi qua quả đồi và ông dừng lại viếng mộ Liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân, rồi đi tiếp đến một bãi rộng, nơi đây Nguyễn Viết Xuân đã cùng đơn vị pháo bắn rơi máy bay Mỹ và đã anh dũng hy sinh. Bài hát như một lời tâm sự kể lại câu chuyện và gợi nhớ hình ảnh chân thật và cảm động.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn còn có nhiều bài hát ca ngợi anh hùng liệt sĩ khác, như: “Noi gương Lý Tự Trọng”, “Bài ca Ngô Mây”, “Ca ngợi Trần Thị Lý”, “Ôi mẹ Việt Nam yêu em đời đời” (ca ngợi liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm).
Tôi đã nhiều lần nghe và xem Nhạc và Họa của người nghệ sĩ ưu tú tài hoa Nguyễn Đức Toàn, từng trò chuyện và phỏng vấn ông tại Đài TNVN. Hình ảnh của ông còn mãi trong tôi. Một “trái tim hồng” của Hà Nội đã ngừng đập trước ngày kỷ niệm Giải phóng Thủ Đô. Bài viết này là nén nhang thơm vĩnh biệt ông – một đàn anh trong Làng Nhạc./.
Tối 3-10, Lễ tổng kết, bế mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc mở rộng lần thứ 13 năm 2016 đã diễn ra tại Quảng trường trung tâm tỉnh Lào Cai. Diễn ra trong ba ngày từ 1 đến 3-10, chuỗi các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch diễn ra đa dạng, phong phú, hấp dẫn từ hình thức đến nội dung, thu hút gần năm nghìn lượt du khách và người dân trong tỉnh tham gia, tham dự, cổ vũ.
(HBĐT)-Ngày 8/10, tại huyện Mai Châu, UBND tỉnh sẽ tổ chức lễ công bố quyết định phê duyệt “Quy hoạch phát triển Điểm du lịch quốc gia Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030”.
HBĐT)-Ngày 3/10, tại nhà văn hoá huyện Lương Sơn, huyện Lương Sơn phối hợp với Sở VH,TT&DL tỉnh tổ chức khai trương trưng bày chuyên đề “Di sản văn hoá và cổ vật tiêu biểu huyện Lương Sơn”. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở VH,TT&DL; lãnh đạo Huyện uỷ, HĐND, UBND và ban, ngành, đoàn thể huyện cùng 200 em học sinh trường THPT Lương Sơn và trường THPT Nguyễn Trãi.
(HBĐT) - Đất trời đã sang thu. Có lẽ đây là thời điểm lý tưởng nhất trong năm đối với những chuyến đi khám phá Tây Bắc của dân phượt. Tây Bắc mùa thu vẫn hùng vĩ và khoáng đạt như thế nhưng lãng mạn, dịu dàng hơn và cũng say đắm lòng người hơn, mang tới những trải nghiệm tuy quen mà lạ cho bất kỳ ai đã nhiều lần đặt chân tới miền đất này. Nằm trên cung phượt quyến rũ nhất nhì Tây Bắc, Mai Châu được nhiều “tín đồ” của du lịch bụi đánh giá là điểm dừng chân tuyệt vời để có thể say sưa khám phá vô vàn điều thú vị.
(HBĐT) - Ngày 1/10, tại Khu trung tâm di sản Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với CLB Nhiếp ảnh Người cao tuổi Hà Nội tổ chức khai mạc triển lãm ảnh "Hà Nội trong tôi". Lãnh đạo UBND TP Hà Nội và Tổng Biên tập, nguyên Tổng Biên tập các báo Đảng khu vực thủ đô, Báo Vientiane May (Lào), cùng một số báo Đảng khu vực miền Trung đã đến dự.
(HBĐT) - Dự án hạ tầng kỹ thuật khu đa chức năng Quỳnh Lâm (Khu đa chức năng Quỳnh Lâm) được thiết kế bởi Tổng công ty tư vấn xây dựng Việt Nam do kiến trúc sư Bùi Quốc Dũng, người con của Hòa Bình làm chủ nhiệm được xây dựng mang đậm nét thiên nhiên, văn hóa và con người Hòa Bình kết hợp với nét hiện đại riệng biệt. Đây là công trình trọng điểm của tỉnh phục vụ Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh và Lễ hội Chiêng Mường lần thứ 2 sẽ được tổ chức vào tháng 11 tới đây.