Đồng chí Sa Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Mường Chiềng cho biết: Với đặc thù có trên 90% dân tộc Tày sinh sống, tuy đời sống còn gặp nhiều khó khăn, song hoạt động văn nghệ quần chúng trên địa bàn xã được cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể quan tâm phát triển. Hiện tại, 9 xóm đều có đội văn nghệ và 1 đội văn nghệ của xã. Mỗi đội có từ 10-15 thành viên đều là các hạt nhân yêu văn nghệ, múa hát ở các thôn, xóm. Ngoài ra, các đoàn thể như thanh niên, phụ nữ, hội người cao tuổi... cũng thành lập đội văn nghệ.
Đội văn nghệ xã Mường Chiềng (Đà Bắc) thường xuyên biểu diễn phục vụ nhân dân.
Để phát triển bền vững phong trào văn nghệ quần chúng, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo huy động các nguồn lực cải tạo, xây dựng hệ thống nhà văn hóa. Các thiết chế văn hóa được đầu tư nâng cấp và xây mới đã phần nào đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và luyện tập thể thao của người dân.
Hằng năm, xã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, hội thi, hội diễn vào dịp lễ, Tết thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Chất lượng các chương trình văn nghệ ngày càng được nâng lên, tạo khí thế vui tươi trong nhân dân, đồng thời động viên nhân dân phát huy khả năng để tham gia sáng tạo, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng. Cũng thông qua các hoạt động đó mà bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn, phát huy. Bên cạnh những chương trình văn nghệ theo chỉ đạo của cấp trên, đa phần các tổ, đội văn nghệ đều hoạt động tự nguyện và tham gia tích cực trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đông đảo người dân.
Có mặt trong đêm giao lưu văn nghệ xã Mường Chiềng chúng tôi mới cảm nhận được phong trào văn nghệ quần chúng được yêu thích và phát triển mạnh mẽ. Đêm văn nghệ đã trở thành ngày hội của nhân dân trong xã. Gần 20 tiết mục múa, hát, nhạc cụ dân tộc được các đội biểu diễn đã mang đến cho người dân nơi đây một đêm văn nghệ đặc sắc. Tiết mục được các đội chọn đa phần về các làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc của dân tộc và xen vào đó là bài hát, điệu múa ngợi ca Đảng, Bác Hồ, truyền thống đấu tranh hào hùng của dân tộc. Với lối diễn mộc mạc, dung dị đã đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của cộng đồng dân cư.
Kết thúc buổi biểu diễn văn nghệ, mặc dù đã khuya nhưng trong tiếng nhạc xòe truyền thống, bà con cùng nhau nắm tay nhảy vòng xòe đoàn kết, vòng xòe càng lúc càng lớn như khẳng định thêm sức mạnh đoàn kết của bà con các dân tộc.
Sa Thị Thương, lớp 11A4, trường THPT nội trú Mường Chiềng cho biết: Là thế thệ trẻ được tập luyện biểu diễn các tiết mục văn nghệ, nhất là các bài hát, điệu múa đặc sắc của dân tộc mình, chúng em cảm thấy rất vui và xúc động vì không chỉ được giao lưu học hỏi với nhiều người mà đã góp phần bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc, giới thiệu văn hóa truyền thống của dân tộc mình đến đông đảo người dân ở các địa phương.
Hồng Ngọc
(HBĐT) - Điện ảnh cách mạng Việt Nam đã từng khắc hoạ thành công những nguyên mẫu anh hùng - liệt sĩ như: bà Nguyễn Thị Huỳnh, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ràng, chị Võ Thị Sáu, 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc và liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm...