Mùa lễ hội hoa tam giác mạch Hà Giang hằng năm thu hút đông đảo khách du lịch. Xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ (Hà Giang) là cửa ngõ của Công
viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Ðồng Văn, nơi có danh thắng nổi tiếng là
nhóm tượng đá "thạch sơn thần" ở thôn Lùng Thàng. Ngày trước, du
khách chỉ dừng lại ven đường, chụp một vài kiểu ảnh rồi lại đi ngay, nay họ
lưu lại lâu hơn bởi những cánh đồng hoa tam giác mạch. Sinh ra và lớn lên ở
mảnh đất này, chị Triệu Thị Hiền, dân tộc Mông, trước đây chỉ biết cây hoa
tam giác mạch qua lời kể của bà nội rằng, khi lúa, ngô thu hoạch không đủ ăn,
người dân trồng tam giác mạch vào vụ đông, lấy hạt làm bánh ăn qua những ngày
thiếu đói. Chị Hiền chia sẻ: "Mấy chục năm nay, năng suất lúa, ngô tăng
cao, nhà nào cũng đủ lương thực ăn trong năm, cho nên ít nhà trồng tam giác
mạch. Vụ đông năm 2015, cán bộ xuống vận động, cấp tiền cho chúng tôi mua
giống trồng tam giác mạch, không phải để cứu đói mà để làm du lịch".
Năm 2015, xã Quyết Tiến quy hoạch vùng trồng tam giác mạch
hơn hai héc-ta chung quanh khu vực danh thắng nhóm tượng đá "thạch sơn
thần", nhằm tạo điểm nhấn để thu hút du khách. "Ban đầu vận động
người dân trồng tam giác mạch khó khăn vì cây này bà con bỏ đã lâu. Cán bộ xã
phải tuyên truyền, vận động giải thích mãi bà con mới nghe và làm theo",
anh Nguyễn Văn Niềm, cán bộ nông nghiệp xã Quyết Tiến cho biết. Ngay vụ đầu,
cánh đồng hoa tam giác mạch mang lại cho người dân nguồn thu đáng kể. Mỗi
khách vào ngắm hoa, chụp ảnh mua vé 10 nghìn đồng, những ngày cuối tuần,
khách đông, nhóm hộ cùng góp đất trồng hoa thu từ năm đến bảy triệu đồng.
Hàng chục quán nhỏ ven đường được người dân dựng lên để bày bán các sản vật
của địa phương phục vụ du khách. Lợi ích từ việc trồng tam giác mạch làm du
lịch thấy rõ cho nên người dân thôn Lùng Thàng còn trồng tam giác mạch trái
vụ, nở đúng dịp lễ 30-4 và 1-5.
Từ năm 2015, tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo bốn huyện vùng cao
Quản Bạ, Yên Minh, Ðồng Văn, Mèo Vạc quy hoạch vùng trồng tam giác mạch, coi
đây là cây trồng chính trong vụ đông, mục đích là tạo thành những vùng trồng
hoa lớn gắn với các danh thắng, làng văn hóa du lịch. Các xã tuyên truyền,
vận động, cung cấp tiền cho người dân mua giống theo chính sách hỗ trợ của
tỉnh. Mỗi năm, hàng nghìn héc-ta tam giác mạch được trồng, kéo dài từ cuối
tháng 9 đến đầu tháng 11, đã trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng ở vùng núi
cực bắc của Tổ quốc.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang
Nguyễn Hồng Hải, cho biết: "Bên cạnh việc chỉ đạo người dân trồng hoa,
tỉnh còn đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh địa phương đến du khách, tổ
chức nhiều hoạt động trong dịp lễ hội hoa, chú trọng gìn giữ những nét văn
hóa truyền thống. Mùa hoa tam giác mạch đã trở thành mùa du lịch ở vùng cao
Hà Giang, góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Năm 2016, tỉnh đón gần
900 nghìn lượt khách đến tham quan, doanh thu từ du lịch gần 800 tỷ
đồng". Người dân vùng cao có nguồn thu từ du lịch, hộ trồng hoa thu từ
tiền bán vé, hạt tam giác mạch thu hoạch về làm bánh hoặc bán cho các hợp tác
xã chế biến thành các sản phẩm phục vụ du khách. Tới mùa hoa tam giác mạch,
lượng khách lên vùng cao tăng đột biến, nhiều hộ ở vùng cao được hưởng lợi
khi mở dịch vụ lưu trú và các dịch vụ khác. Chị Sùng Thị Hoa, thị trấn Ðồng
Văn cho biết: "Ðến mùa tam giác mạch, nhiều khách đến tận nhà thuê nghỉ
qua đêm, gia đình tôi quyết định làm dịch vụ lưu trú, vừa có thêm thu nhập,
đáp ứng nhu cầu ăn nghỉ bình dân, lại giúp địa phương giải quyết được tình
trạng quá tải dịch vụ ăn uống, lưu trú".
Mùa hoa tam giác mạch năm nay dài hơn các năm trước, thời
điểm tổ chức lễ hội hoa diễn ra từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12. Tại huyện
vùng cao Ðồng Văn, người dân đã gieo trồng hơn 500 ha tam giác mạch nở đúng
dịp lễ hội. Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Hồng Hải, lễ
hội hoa tam giác mạch năm nay có chủ đề "Bản tình ca từ đá". Du
khách đến với lễ hội năm nay được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị như: Hội
chợ công viên địa chất quốc tế, cuộc thi sản phẩm mật ong bạc hà, hoạt động
dù bay trên cánh đồng hoa tam giác mạch, hòa nhạc dưới chân cột cờ Lũng Cú và
các hoạt động giao lưu văn nghệ, trò chơi dân gian truyền thống…
TheoNhandan
|