"Cát sê hài tết mua được chục cái nhà mới đúng"
Dù đã đảm đương vai trò Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội nhưng năm nay anh vẫn tham gia đóng hài Tết. Việc đóng hài Tết của anh có khiến cho anh khó khăn trong việc điều hành và quản lý công việc ở Nhà hát?
Tất nhiên là thu xếp được công việc và thời gian tôi mới tham gia chứ. Năm nay, tôi đóng 3 phim hài Tết là phim hài dân gian "Họ Lý tên Thông”, phim hài hiện đại "Đại gia chân đất 8” và "Tết vui phết - Mr Lù”.
Thực ra, cả năm tôi bận bịu với các công việc ở nhà hát nên không làm được phim. Có những phim truyền hình dài hàng trăm tập, mất cả năm trời theo đoàn phim, họ có mời tha thiết thì tôi cũng chịu. Chỉ có cuối năm tôi mới có thể tham gia được mấy phim hài Tết ngăn ngắn, mỗi phim chỉ mất một ít thời gian. Cả năm bận rộn rồi nên Tết dù có bận mấy cũng vẫn tranh thủ để làm một vài phim hài Tết để mang đến tiếng cười đầu xuân cho bà con.
Trung Hiếu (đầu tiên từ trái sang, hàng ghế ngồi) vào vai Lý Thông trong "Họ Lý tên Thông".
Có thông tin rằng, việc đóng hài tết vừa nhẹ nhàng, cát sê lại cao… đó chính là lí do khiến nhiều người như anh nhận lời đóng?
Tôi có biết gì về chuyện của người ta đâu, tôi chỉ biết đóng phim vì mình thích đóng thôi.
Anh nghĩ sao khi người ta nói cát sê hài tết của Trung Hiếu đủ mua được một cái nhà?
Đâu, làm gì có chuyện mua được một cái nhà… phải mua chục cái nhà mới đúng (cười). Thực ra, việc đóng phim trước hết phải xuất phát từ đam mê mà đam mê cũng phải bắt nguồn từ sự yêu thích. Có những kịch bản người ta mời mình nhưng khi đọc không thấy thích thì vẫn từ chối. Nghệ thuật là sáng tạo mà nếu không có đam mê khó lòng làm được lắm.
Mọi năm tôi cũng chỉ tham gia vài phim thôi nhưng các phim thường không mất nhiều thời gian lắm. Chẳng hạn phim "Tết vui phết - Mr Lù”, vai của tôi chỉ quay trong vòng 5 ngày mà lại quay vào thứ Bảy - Chủ nhật.
Vai Lù của tôi trong phim này là một chàng trai sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống "nghèo ba đời”. Nhưng anh luôn có một câu cửa miệng là "Không sao, đằng nào chả thế” để thể hiện sự lạc quan tích cực trong cuộc sống. Với tố chất cần cù, chịu khó, thông minh và vui tính nên anh được nhận vào làm trong một công ty có tiếng ở Hà Nội.
Nhờ nỗ lực anh được công ty vinh danh là một trong những nhân viên xuất sắc nhất của năm. Nhưng trong hành trình đi nhận vinh danh cuối năm và về quê ăn Tết, anh đã gặp phải những tình huống "dở khóc dở cười”. Bố mẹ Lù đã một phen hú vía còn chuyện tình yêu của Lù cũng thay đổi ngoài sức tưởng tượng.
Đạo diễn Phạm Đông Hồng từng chia sẻ, nghệ sĩ miền Nam thường nhận cát sê theo công sức bỏ ra, còn nghệ sĩ miền Bắc có một số người thường dùng tên tuổi để định giá cát sê. Anh thường ra giá cát sê theo kiểu nào?
Thực ra, tôi không phải là người quan trọng chuyện cát sê đâu. Căn bản nhất với tôi là mình thấy thích kịch bản đó và vai diễn đó. Chuyện cát sê bao giờ phía nhà sản xuất cũng là người đưa ra và nếu cảm thấy hợp lý thì tôi nhận lời.
Tất nhiên, cuộc sống của nghệ sĩ bây giờ có đỡ hơn một chút nhưng chung quy vẫn nghèo. Các cán bộ ở nhà hát tôi lương vẫn theo ngạch, mỗi tháng mấy triệu đó còn ai làm thêm được thì cũng có thêm nguồn thu nhưng không đáng kể. Cho nên chúng tôi vẫn luôn tạo điều kiện cho anh chị em làm thêm bên ngoài miễn không làm việc phi pháp. Nếu làm được một bộ phim nào có cát sê cao coi như là nguồn thu bù đắp cho những khó khăn mà họ đang phải chịu.
"Càng sa đà cảnh hở hang là càng hại mình"
Gần đây dư luận nói rất nhiều đến việc hài Tết càng ngày càng lạm dụng các cảnh hở hang khiến cho tiếng cười bị rẻ rúng và dung tục hoá. Anh nghĩ sao về câu chuyện này?
Tôi nghĩ thế này, những ý kiến của dư luận là điều đáng phải quan tâm vì mình làm phim là để công chúng xem. Nhưng chúng ta còn có hội đồng kiểm duyệt nữa cơ mà. Nếu hội đồng kiểm duyệt thấy những cảnh đó không phù hợp họ sẽ yêu cầu cắt bỏ liền.
Hội đồng kiểm duyệt cho phép bộ phim đó phát hành thì họ phải chịu trách nhiệm về điều đó. Tất nhiên nghệ sĩ và những người sáng tạo cũng phải có trách nhiệm cùng nhưng cái gì cũng phải dựa theo luật mà làm chứ không thể cảm tính được. Cảm tính sẽ làm cho xã hội bị chậm phát triển.
Thực tế là nhiều phim hài hiện nay không phát hành dưới dạng đĩa mà phát hành online. Vì thế, khâu kiểm duyệt dường như không có. Và đó là lí do khiến cho các phim hài thoải mái đưa các cảnh hở hang vào câu khách. Với tư cách nghệ sĩ, anh nghĩ gì về câu chuyện này?
Nói gì thì nói, cái gì cũng phải có chuẩn mực và giá trị chân thẩm mỹ của nó. Làm đến mức độ nào đó nhất định thôi. Kể cả phim nghệ thuật có những cảnh mát mẻ hoặc hở hang thì cũng cần phải có lời cảnh báo hạn chế trẻ em dưới 18 tuổi xem phim.
Mình được tự do nhưng tự do trong khuôn khổ. Tác phẩm nghệ thuật nào cũng phải hướng tới những giá trị Chân - Thiện - Mỹ. Và khi đã vượt qua những giá trị đó rồi sẽ bị đào thải. Phim mà dung tục quá trong khi ý thức của người dân càng ngày càng cao hơn thì chính mình tự đào thải mình.
Xem một lần họ còn có thể bỏ qua chứ xem nhiều lần mà cứ lặp lại những cảnh đó thì họ sẽ không bao giờ xem lại nữa. Chính khán giả là đối tượng được sàng lọc việc đấy. Tất nhiên, để làm được việc đó cũng cần phải có nhiều thứ. Cần phải có cả hệ thống xã hội và cần phải có thời gian.
Nhiều người cho rằng, chính những bộ phim lạm dụng cảnh hở hang đã khiến cho những phim hài tết khác bị đánh đồng là "rẻ tiền” và không còn là thứ "đặc sản” mà mọi người muốn xem mỗi dịp xuân về tết đến nữa. Anh nghĩ sao về điều này?
Thì đấy, như tôi đã nói, việc chủ ý lạm dụng cảnh hở hang đã khiến cho các nhà sản xuất tự sàng lọc chính mình. Và cũng chính những nhà sản xuất có tư duy làm phim như thế tự làm mất đi giá trị của hài Tết, của một thể loại phim được cho là "đặc sản”.
Nhiều nhà sản xuất hoặc đạo diễn cứ nghĩ sa đà theo hướng đó sẽ hút được khách nhưng thực ra tế càng làm như thế lại càng hại mình. Mình là những hãng sản xuất phim tư nhân và việc chạy theo những thị hiếu tầm thường sẽ là giết chết mình.
Nền kinh tế thị trường là nền kinh tế tự vận động và tự mình phải khẳng định mình. Anh tự đào thải mình thì cả xã hội sẽ quay lưng với anh. Anh sản xuất ra phim mà không có ai xem tức không có lãi thì anh tự phá sản thôi. Đấy là một câu chuyện rất biện chứng.
Xã hội và chúng ta cùng là một. Xã hội có chấp nhận anh hay không và anh làm thế nào để xã hội chấp nhận anh đó là trách nhiệm của anh. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc anh tạo ra một sản phẩm hay thì sẽ có nhiều người xem và sang năm anh lại có tiền để làm phim tiếp. Còn anh làm phim dở không có ai xem thì sang năm anh cạn nguồn vốn và phải tuyên bố phá sản.
Bản thân anh có cảm thấy e dè hoặc lo sợ khi được mời đóng những bộ phim có những cảnh như thế không?
Ở các nước, người ta có sự phân tầng. Mỗi bộ phim làm ra họ đều phải có trách nhiệm xã hội trong đó. Chẳng hạn phim này làm ra phục vụ đối tượng khán giả nào, độ tuổi ra sao, tầng lớp nào (nông dân, trí thức, công nhân, học sinh - sinh viên)… sau khi phim công chiếu phải có sự thống kê để định hướng được những việc mình làm. Ở Việt Nam chúng ta đang thiếu cái đó. Ở nước ta đôi khi vẫn còn làm theo cảm tính, theo sở thích chứ cơ sở để làm những điều mình thích đấy còn thiếu logic - khoa học.
Trước kia, mỗi một năm, tôi cố gắng tham gia một vai chính diện đến năm 2003 tôi đóng vai phản diện đầu tiên trong phim "Đường đời” thì khi gặp mọi người ai cũng kêu. Mọi người bảo: "Anh Hiếu ơi, sao anh đang đóng vai chính diện được bao nhiêu người yêu mến như thế, tự nhiên anh đóng vai Khang trong "Đường đời” quay ngoắt 180 độ, anh có sợ mất khán giả hâm mộ không?”, thì tôi trả lời là mình làm nghệ sĩ phải thử nhiều dạng vai. Sau khi tôi đóng một vài vai phản diện thì có nhiều ghét nhưng cũng có nhiều người yêu quý.
Nghệ sĩ phải có những màu sắc đó để cuộc sống làm nghề của mình càng ngày càng đẹp và cũng trải nghiệm với nhiều dạng vai hơn. Và sau này, những vai phản diện mình làm lại rất thành công. Một loạt các vai phản diện sau đó lại được khán giả rất yêu thích.
Tôi cũng muốn bỏ đi quan niệm, chính diện - phản diện. Xã hội hiện đại không giống câu chuyện cổ tích, Thạch Sanh là Thạch Sanh, Lý Thông là Lý Thông. Nó phải có cuộc sống của con người ở trong xã hội đó nữa. Trong thiện có ác, trong chính có tà, trong đỉnh cao có vực thẳm… Nó phải kết hợp nhuần nhuyễn mới ra con người hiện đại được. Cho nên những nhân vật đó chúng ta không thể gọi là nhân vật phản diện được mà chúng ta gọi là nhân vật tính cách đặc biệt.
Cảm ơn anh đã chia sẻ thông tin.
Theo Dân Trí
Cục Báo chí đề nghị báo Lao Động chỉ đạo phóng viên Đào Tuấn giải trình và xử lý việc phóng viên này miệt thị, xúc phạm tân hoa hậu Hoàn vũ H’Hen Niê.