(HBĐT) - Địa chí hay địa phương chí là thể loại sách ghi chép, biên soạn, giới thiệu về địa lý, lịch sử, phong tục, nhân vật, sản vật, kinh tế, văn hoá... của một địa phương (làng, xã, huyện, tỉnh, thành phố....).
Năm 2005, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hòa Bình đã
cho xuất bản cuốn sách Địa chí Hòa Bình (NXB Chính trị quốc gia, năm 2005; 920
trang). Tuy nhiên, đến nay do yêu cầu của công cuộc đổi mới, một số nội dung,
thông tin trong cuốn sách cần được bổ sung, chỉnh lý và nâng cao.
Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, từ cuối năm 2015,
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đã chỉ đạo thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh
"Nghiên cứu bổ sung, chỉnh lý và xuất bản cuốn sách Địa chí tỉnh Hòa Bình”,
giao cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì.
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND
tỉnh; sự tạo điều kiện, phối hợp, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở
Khoa học và Công nghệ - cơ quan quản lý Đề tài, sự vào cuộc tích cực của các cơ
quan là thành viên Ban Chủ nhiệm Đề
tài, các địa phương, đơn vị liên quan và các tác giả, đến nay, Đề tài khoa học cấp tỉnh "Nghiên cứu
bổ sung, chỉnh lý và xuất bản cuốn sách Địa chí tỉnh Hòa Bình” đã hoàn thành và
được Hội đồng tư vấn, đánh giá nghiệm thu đề tài cấp tỉnh nghiệm thu vào ngày
21/12/2017.
Trong quá trình triển khai, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cơ
quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ đã chỉ đạo Trung tâm Unesco thông tin tư liệu
lịch sử và văn hóa Việt Nam (đơn vị tư vấn phối hợp thực hiện Đề tài); các
phòng chuyên môn thuộc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kế thừa có chọn lọc các công
trình và các kết quả nghiên cứu liên quan đến vùng đất, con người Hòa Bình của
nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh, các ấn phẩm đã xuất bản
và phát hành; các tư liệu Hán Nôm, tài liệu quý; vừa tiếp tục khai thác tư liệu,
tài liệu, khảo sát, điều tra, điền dã tại các địa phương trong tỉnh; đảm bảo kế
thừa những nội dung cơ bản của cuốn Địa chí Hòa Bình xuất bản năm 2005 và số
liệu viết bổ sung đến năm 2015-2017; đảm bảo tính chân thực của các sự kiện,
vấn đề mang tính phổ quát, song khắc họa được đặc trưng riêng có của Hòa Bình
trên từng lĩnh vực; đồng thời đảm bảo bổ sung các nguyên tắc của bộ môn khoa
học địa chí trong quy cách biên soạn.
Ban Chủ nhiệm Đề tài, các cơ quan tư vấn phối hợp tổ
chức thực hiện đã tiến hành khai thác, sưu tầm hàng chục ngàn trang tư liệu ở
các thư viện, kho lưu trữ, cơ quan chuyên môn, tổ chức xã hội tại thành phố Hà
Nội và tỉnh Hòa Bình; tổ chức 2 Hội thảo khoa học; tiến hành khảo sát, điền dã
để phục vụ cho việc biên soạn 74 chương, phần Tổng Luận thuộc Đề tài. Cụ thể
như sau:
Phần
thứ nhất: Tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên
Gồm 7 chương, trình bày các lĩnh vực tự nhiên, tài
nguyên thiên nhiên, môi trường của tỉnh Hòa Bình: Vị trí địa lý, địa hình; Địa chất và khoáng sản; Khí hậu; Thủy văn;
Thổ nhưỡng; Sinh vật (động vật và fhực vật); Môi trường. Phần này đã khái quát
giới thiệu được các đặc điểm về tự nhiên của tỉnh, chỉ ra các nhân tố hình
thành và phát triển địa hình, địa mạo, địa chất, các loại tài nguyên, khoáng
sản... giúp hiểu hơn những thuận lợi, khó khăn do địa hình mang lại để có các
kế hoạch, quy hoạch phát triển KT-XH hợp lý.
Phần
thứ hai: Dân cư và các dân tộc
Gồm 9 chương, trình bày về: Dân số và phân bố dân cư;
lao động, việc làm, đời sống dân cư và các dân tộc chủ yếu sinh sống trên địa
bàn tỉnh Hòa Bình (Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao, Mông) và một số dân tộc có dân
số ít. Đây là những chương viết công phu, xúc tích, trình bày khá toàn diện về
đặc điểm dân cư và các dân tộc ở tỉnh Hòa Bình.
Phần
thứ ba: Lịch sử
Gồm 10 chương, trình bày lịch sử tỉnh Hòa Bình theo
các chuyên đề: Hòa Bình thời kỳ tiền sử, sơ sử; Tổ chức xã hội cổ truyền; Bộ
máy quản lý hành chính dưới các chế độ cũ; Đấu tranh chống áp bức bóc lột; Đấu
tranh chống nước ngoài xâm lược, đô hộ; Phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo
của Đảng Cộng sản (1930 - 1945); Kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945
- 1954); Kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975); Xây dựng và phát triển
kinh tế, văn hóa, xã hội (1954 - 2015). Qua nội dung của phần này, người đọc có
kiến thức tổng quát về diễn trình lịch sử tỉnh từ xưa tới nay, với những nét
rất đặc trưng riêng có là dấu ấn về các giai đoạn lịch sử của vùng đất, con
người Hòa Bình.
Phần
thứ tư: Hệ thống chính trị
Phần này gồm 7 chương, trình bày về tổ chức và nhân sự
của Đảng bộ tỉnh; Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình; bộ máy Nhà nước tỉnh
Hòa Bình; Toà án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và các cơ quan hỗ
trợ tư pháp; LLVT nhân dân tỉnh; các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức
xã hội đặc thù tỉnh Hòa Bình. Hệ thống chính trị là một phần lớn có tính chất
đặc thù của Đề tài so với cuốn sách Địa chí Hòa Bình xuất bản năm 2005. Qua nội
dung này, người đọc có thêm kiến thức tổng quát về quát trình hình thành, xây
dựng và phát triển của các cơ quan trong hệ thống chính trị cấp tỉnh từ khi
thành lập đến nay.
Phần
thứ năm: Kinh tế
Gồm 12 chương: Nông nghiệp; Lâm nghiệp; Thủy lợi; Thủy
điện; Công nghiệp - Xây dựng; Tiểu thủ công nghiệp; Thương mại; Du lịch; Tài
chính - Ngân hàng; GTVT; Bưu chính - Viễn thông; Tổ chức kinh tế theo lãnh thổ.
Phần này nghiên cứu quá trình phát triển của các ngành kinh tế chủ yếu của tỉnh
qua từng thời kỳ, nêu lên bức tranh toàn cảnh kinh tế Hòa Bình với các loại
hình kinh tế phong phú và đa dạng; với những tiềm năng, định hướng đưa Hòa Bình
phấn đấu trở thành tỉnh giàu, đẹp và văn minh trong tương lai.
Phần
thứ sáu: Văn hóa – xã hội
Gồm 18 chương, bao gồm: Khảo cổ học; Di tích - danh
thắng; Trang phục; ẩm thực; Nhà ở; Tục lệ; Tín ngưỡng - Tôn giáo; Lễ hội; Trò
chơi dân gian; Văn học; Nghệ thuật dân gian; Báo chí; GD&ĐT; Khoa học và
Công nghệ; Y tế; TD-TT; Di sản Văn hóa Mường; Tiếng nói, chữ viết dân tộc Mường
ở Hòa Bình. Hòa Bình có kho tàng văn hóa dân gian phong phú và khá đặc sắc, đã
được các tác giả trình bày, giới thiệu tương đối kỹ, nêu nổi bật được sắc thái
riêng của một tỉnh miền núi nhiều dân tộc, đặc biệt nhấn mạnh đến nền Văn hóa
Hòa Bình với tính chất một nền văn minh trong lịch sử nhân loại. Phần này bổ
sung thêm 2 chương Khảo cổ học, Tiếng nói, chữ viết dân tộc Mường ở Hòa Bình so
với Đề cương chi tiết đã được phê duyệt.
Phần
thứ bẩy: Lược chí TP. Hòa Bình và các huyện
Gồm 11 chương (từ chương 64 - 74). Đây là phần mô tả,
ghi chép, giới thiệu vừa khái quát, vừa cụ thể về địa lý, kinh tế, văn hóa – xã
hội, lịch sử và danh sách Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND, UBND qua các thời kỳ
của các huyện và TP. Hòa Bình.
Phần
Tổng luận
Phần này giúp người đọc định hình được tổng thể nội
dung của Đề tài một cách khái quát và cô đọng nhất, với những dấu ấn đặc trưng
riêng có đã được thể hiện trong các phần, chương; lý giải khá thuyết phục những
điểm nhấn nổi trội trong lịch sử địa phương và những đặc trưng văn hóa của Hòa
Bình…
Với tinh thần lao động hết sức nghiêm túc, trách
nghiệm và tâm huyết, đề tài Địa chí tỉnh Hòa Bình đã hoàn thành, là công trình
khoa học, văn hóa lớn, một cuốn bách khoa những tri thức cơ bản về tỉnh được
các nhà khoa học, nghiên cứu, quản lý đánh giá cao. Có được kết quả này là nhờ
sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc của toàn thể hệ
thống chính trị trong tỉnh và các cơ quan phối hợp ở T.ư, địa phương, các tác
giả.
Biên soạn địa chí là công việc rất khó, đòi hỏi sự
nghiêm túc và kỳ công của tập thể ban biên soạn và cũng đòi hỏi phải đầu tư
thời gian, sự hiểu biết sâu về mảnh đất và con người địa phương. Do vậy, mặc dù
đã hết sức cố gắng trong biên soạn, biên tập, song do khối lượng thông tin
chuyển tải quá lớn, nội dung đề tài chắc chắn khó tránh khỏi những hạn chế,
thiếu sót, những chi tiết chưa thật sự làm hài lòng bạn đọc.
Ban Chủ nhiệm
đề tài, cơ quan chủ trì đề tài xin chân thành cảm ơn Thường trực Tỉnh ủy, Ban
Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Trung tâm UNESCO Thông tin tư liệu lịch sử
và văn hóa Việt Nam, các cơ quan, ban, ngành, các Huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy
trực thuộc, UBND các huyện, thành phố, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu ở T.ư
và địa phương đã dành sự quan tâm chỉ đạo, đóng góp công sức, trí tuệ, tâm
huyết, đồng hành cùng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hoàn thành Đề tài này suốt hơn 2
năm qua.